Lịch sử 60 năm truyền thống của Hải quân Nhân dân Việt Nam có sự hy sinh, đóng góp không nhỏ của nhiều thế hệ cha con cùng tiếp bước để bảo vệ vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, tạo nên những bản anh hùng ca bất diệt...
“Bố đang giữ đảo phía nam, con phải bảo vệ đảo bắc!”
Trong khi đang đón đoàn nhà báo và cán bộ, chiến sĩ đến thay quân trên đảo Trường Sa Lớn vào tháng 1 vừa qua thì Chỉ huy đảo Trường Sa Lớn, kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, Thượng tá Phạm Văn Hòa cũng nhận được tin đứa con trai thứ của ông đã đặt chân đến đảo Song Tử Tây trên một con tàu khác trong chuyến thay quân Tết Ất Mùi 2015.
Gia đình Đại tá Nguyễn Công Sơn (đứng giữa) cùng vợ (bên trái) và con trai cả (bên phải) trong lễ duyệt binh tàu.
Thượng tá Hòa năm nay 52 tuổi, đã từng gắn bó với đảo Trường Sa Lớn từ năm 2003 với chức danh Đảo phó phụ trách quân sự. Sau đó, ông đã từng làm nhiệm vụ trên đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, trước khi trở về lại Trường Sa Lớn làm đảo trưởng cho đến nay.
Năm 2014, con trai thứ của ông, chàng trai Phạm Hồng Vương, sinh năm 1995 quyết định đi nghĩa vụ quân sự. Vương gọi ra đảo hỏi ý kiến bố về việc cậu có thể cùng ông bảo vệ đảo Trường Sa Lớn được không thì ông khuyên rằng: “Nếu con quyết tâm giữ đảo thì con nên giữ một đảo, bố giữ một đảo. Bố đang giữ đảo phía bắc thì con nên giữ phía nam để ôm trọn cả quần đảo”.
Đó chỉ là lời khuyên chứ Thượng tá Hòa không có ý định ép buộc con trai mình. Nhưng chàng trai đã tán thành ý tưởng của bố, cậu đăng ký đi nghĩa vụ quân sự tại đảo Song Tử Tây.
Nhưng hai bố con không ngờ rằng việc này là cả một cuộc đấu tranh với mẹ. Người phụ nữ chân chất quanh năm sống ở dưới ngọn núi Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh không nỡ đẩy con đến một nơi xa lạ. Bà rứt ruột đẻ Vương khi chồng vẫn đi biền biệt ngoài biển, không nhớ nổi con sinh ngày nào. Giờ khi con đã trưởng thành, bà muốn con được ở gần bố, có sự bảo vệ của bố. Nhưng theo Thượng tá Hòa, nỗi nhớ con thì ai cũng có, nhưng tình thương của bố khác của mẹ, để con tự vận động và trưởng thành thì mới là thường.
Thượng tá Phạm Văn Hòa, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn.
Và cuối cùng, hai bố con đã thuyết phục được mẹ. Dù biết chuyến đi biển trên con tàu 996 đến một hòn đảo phía bắc của quần đảo Trường Sa của con trai là một thử thách lớn với chàng trai vừa bước sang tuổi 20, nhưng ông Hòa tin con mình sẽ trưởng thành, sẽ nối nghiệp cha trở thành một người lính bảo vệ vùng biển đảo thân thương mà ông đã dành gần nửa đời người hy sinh và cống hiến.
Nhà có bốn người lính hải quân
Người đầu tiên tôi gặp trong gia đình bốn người ấy là Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân, Đại tá Nguyễn Công Sơn. Ông là người đã căn dặn chúng tôi cách đối mặt với sóng gió của biển để thực hiện chuyến công tác kéo dài gần một tháng trên quần đảo Trường Sa vào tháng 1 vừa qua. Chính tài ăn nói hài hước của ông đã khiến chúng tôi không hề thấy chùn bước trước những cơn say sóng mà ngược lại còn háo hức trước chuyến đi dài.
Đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân.
Rồi khi đặt chân lên tàu chuẩn bị khởi hành, tôi lại thấy ông đi cùng vợ, trung úy Hà Thị Vân - cán bộ Phòng Chính trị, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân để tiễn hai cậu con trai đi biển. Cậu cả Nguyễn Hà Hải, sinh năm 1991, vừa tốt nghiệp Học viện Hải quân và lúc đó đang là trưởng ngành tập sự trên con tàu 561. Còn cậu hai là Nguyễn Công Huân, sinh năm 1996, vừa nhập ngũ tháng 9/2014, đã trải qua một khóa huấn luyện và đang chuẩn bị ra đảo Trường Sa Lớn theo chế độ dự bị hải quân sáu tháng. Khi tàu nhổ neo, hai vợ chồng ông đứng vẫy tay cho đến khi chỉ còn nhìn thấy những chấm mờ trên Quân cảng.
Và trong chuyến đi đó, cậu anh, trong chuyến tàu chở khách đầu tiên của mình, đã đưa em trai ra đảo để thực hiện nhiệm vụ. Chuyến đi này không chỉ thử thách đối với Huân, cậu em út mà còn rất nhiều bỡ ngỡ với Hải. Nhưng có vẻ Hải rất chững chạc không chỉ trong những thao tác nghiệp vụ trên buồng lái mà cả trong từng động tác bắt dây xuồng khi chở đoàn công tác ra đảo làm nhiệm vụ. Hải còn có thêm nhiệm vụ của một người anh chăm sóc em trên tàu trước khi đưa em ra đảo. Hai anh em Hải và Huân ngủ cùng nhau những đêm trên tàu, đó là những đêm đáng nhớ với cả hai người.
Nguyễn Hà Hải (đứng giữa) trong chuyến xuồng chở khách từ tàu ra đảo.
Chỉ sau đó ít lâu, Nguyễn Hà Hải đã được cấp trên chính thức giao vị trí Trưởng ngành Hàng hải trên tàu 561. Anh đã và đang có nhiều chuyến đi ra biển. Và mỗi lần tàu cập cảng Trường Sa Lớn, hai anh em Hải và Huân lại gặp nhau. Tháng 4 vừa qua, trong sinh nhật thứ 19 của mình ngay trên đảo, Huân còn được anh mang bánh ngọt từ đất liền ra tặng. Bốn tháng dự bị hải quân đã trôi qua, Huân cũng đang cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ, trở về đất liền và nhập học tại Học viện Hải quân.
Và mới đây thôi, trong lễ Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955 – 7/5/2015) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai tại Quân cảng Cam Ranh, Hà Hải một lần nữa được đón bố mẹ lên tàu dự lễ duyệt binh trên biển. Ba thành viên trong gia đình hải quân lại gặp nhau, và cùng hướng về cậu út đang thực hiện nhiệm vụ trên đảo.
Tiếp nối những khúc quân hành
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp khá phổ biến trong lực lượng hải quân ngày nay, khi những người con tiếp bước cha anh mình ra đương đầu nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ biển đảo.
Thân Hoàng Ngọc Mạnh chia tay chị gái trước khi lên tàu ra đảo.
Ngay trên chuyến tàu mà tôi đi, còn có cậu lính trẻ Thân Hoàng Ngọc Mạnh, con trai thứ của Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân Thân Ngọc Hướng cũng xung phong ra Trường Sa Lớn để thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ông Hướng cùng cô con gái ra tận cầu cảng để tiễn con trai, em trai. Theo ông, việc con nối nghiệp cha để cống hiến và hy sinh vì đất nước đó chính là niềm vinh dự, trách nhiệm và tự hào của một người lính hải quân.
Tôi còn chứng kiến Trung tá Phạm Xuân Hải, Thuyền trưởng tàu 571, chỉ huy một trong bốn con tàu chở hàng Tết và ra thay quân đợt này, trước khi phát lệnh khởi hành con tàu của mình, đã chạy sang tàu 561 ôm tạm biệt đứa con trai cả của mình cũng ra làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa Lớn. Ông giấu vội giọt nước mắt, không để con nhìn thấy rồi quay về tàu.
Trong lịch sử đấu tranh giữ nước của chúng ta, nhiều thế hệ cha anh đã nối tiếp nhau để ra trận. Máu và nước mắt của họ đã tô thắm lá cờ Tổ quốc, mang lại những chiến thắng vinh quang cho dân tộc. Và giờ đây, nơi vùng biển đảo thiêng liêng của Việt Nam ta, lực lượng hải quân vẫn đang giữ truyền thống tiếp bước ấy, để khúc quân hành vang mãi trong tâm hồn những người lính thời nay.
Theo Nhân dân
Nguồn bài viết : Bảng đặc biệt năm 2024