Chuyên đề cơ sở

Lưu học sinh Lào trong mái ấm gia đình Việt

2024-12-20 19:05:45
Ấm áp bữa cơm đầu tiên của lưu học sinh Lào ở nhà bố mẹ Việt
Bố mẹ Việt, con Lào cùng làm nông, múa lăm vông

Chúng em tăng cân, biết làm nhiều món ăn Việt Nam

Nampherng Sihalath kể: Qua lời của các anh chị khóa trước, em đã được biết đến chương trình đi thực tế của trường. Các anh chị bảo với em là bố mẹ Việt Nam nhân hậu và yêu thương con Lào lắm. Tuy nhiên lần đầu xa nhà đến sống ở một miền đất khác, một gia đình khác em không tránh khỏi cảm giác lo lắng. Em lo không biết bố mẹ khó tính không? Cơm canh nhà bố mẹ em ăn có quen không? Rồi em sẽ nói những câu chuyện gì với bố mẹ? Suy nghĩ nhiều như vậy em đâm ra ngại ngùng, chỉ muốn quay trở về ký túc xá của trường.

Đoán biết tâm lý chúng em, bố mẹ luôn ân cần hỏi han trò chuyện. Bát cơm mẹ xới đầy vì lo em ngại không dám hỏi thêm mà ăn ít sẽ bị đói. Để ý thấy em thích ăn thịt nướng, thịt chưng mắm tép nên mẹ chẳng ngại tốn công thường xuyên làm cho em. Mẹ bảo chúng em phải chịu khó ăn uống để có sức mà học. Muốn em có nhiều thời gian học tập, mẹ không để em động tay đến việc gì. Sau 20 ngày ăn cơm mẹ nấu, em tăng 2kg.

Nampherng Sihalath (áo trắng) và mẹ Ngọc lưu luyến giây phút chia tay (Ảnh: Thành Luân).

“Con thích ăn món thịt chưng mắm tép mẹ làm lắm. Lần tới con về mẹ lại nấu món này cho con mẹ nhé”, Nampherng rơm rớm nước mắt nói với mẹ.

Trên trang Facebook của Khanhthaly Manikham (32 tuổi), những bài đăng gần đây đều chia sẻ những trải nghiệm khi được sống cùng gia đình bố Khuất Hữu Khôi, mẹ Nghiêm Thị Nghĩa (thôn Bướm, xã Thọ Lộc). “Thời gian sống ở nhà bố mẹ rất vui vẻ và thoải mái. Bố mẹ quan tâm, chăm sóc con như con ruột của mình”, Khanhthaly Manikham viết.

Khanhthaly Manikham (thứ hai, từ phải sang) trò chuyện cùng bố Khôi, mẹ Nghĩa trước khi trở về trường T78 (Ảnh: Hải An).

Anh kể: Sau khi đón hai người con Lào, mẹ Nghĩa nhường chiếc xe đạp bà vẫn dùng để đi chợ hàng ngày cho các con đi học. Trường Hữu nghị T78 cách nhà bố mẹ khoảng hơn một cây số, nhưng thương hai anh em đèo nhau trên chiếc xe đạp “còi”, bố mẹ lại xin phép thầy cô trong trường cho các con được sử dụng xe máy và giao chiếc xe vừa mua cho chúng tôi.

“Tôi rất thích các món ăn của mẹ Nghĩa, đặc biệt là món trứng tráng và thịt nướng. Trứng tráng mẹ làm rất hấp dẫn vì có nhiều hành lá xắt nhuyễn, trứng được cuộn nhiều lớp ăn mềm mịn và thơm mùi hành lá. Ba tuần ở nhà bố mẹ, tôi đã tăng 3kg”, Khanhthaly Manikham nói.

Duangmaly Thippanya (18 tuổi) cũng rất thích các món ăn Việt Nam. Sau 20 ngày ở với mẹ Trương Thị Nhiễu, em đã biết làm món nem rán truyền thống của người Việt. Duangmaly có thể kể đầy đủ nguyên liệu món ăn từ vỏ bánh đa nem, trứng, thịt đến mộc nhĩ, nấm hương, cà rốt... ngoài ra còn một nguyên liệu đặc biệt là "trái tim của mẹ". "Mẹ Nhiễu bảo chúng em khi nấu nướng, chế biến nếu luôn để ý đến khẩu vị, cảm nhận, sở thích của người ăn và đặt hết tình yêu thương vào đó thì món nào cũng sẽ ngon", Duangmaly Thippanya kể.

Môi trường học linh hoạt

Theo Duangmaly Thippanya, những lần tâm tình, trò chuyện, mẹ Nhiễu còn khéo léo bảo ban các con gái Lào nhiều điều trong cuộc sống. "Mẹ dặn trong bữa cơm phải mời người lớn như ông bà, bố mẹ, anh chị để thể hiện tình cảm, sự tôn trọng. Sau khi ăn xong lại nói "mời ông bà, bố mẹ, anh chị ăn cơm, con ăn xong rồi". Trước khi rời bàn ăn, lưu ý để gọn bát đũa và thĩa của mình vào một chỗ. Mẹ cũng dạy mấy chị em không được lãng phí, ăn cơm không bỏ mứa, tắt vòi nước khi không sử dụng"…

Ở với bố mẹ Việt, khả năng tiếng Việt của Khanhthaly được nâng lên, vốn từ ngữ được mở rộng hơn, đặc biệt anh tự tin hơn trong giao tiếp. “Bố hướng dẫn chúng tôi viết thư bằng tiếng Việt. Bố chỉ rõ cấu trúc của thư với các phần: lời đầu thư, nội dung thư và kết thư. Đặc biệt, bố còn dạy chúng tôi phân biệt cách xưng hô, văn phong phù hợp với từng chủ thể như “Ông bà xa nhớ”, "Bố mẹ kính yêu của con”, hay “Em thương yêu của anh”… Để chúng tôi biết thêm về phong tục cưới hỏi của người Việt Nam, bố dẫn tôi và anh Bounpheng Phanthavong đến dự đám cưới con một người bạn của bố, còn chuẩn bị các phần quà để chúng tôi mừng hạnh phúc cô dâu chú rể”, Khanhthaly kể.

Các em lưu học sinh Lào chụp ảnh lưu niệm cùng người dân thôn Bướm, xã Thọ Lộc sau khi hoàn thành chương trình homestay (Ảnh: Mai Anh).

Ông Khuất Hữu Khôi (Trưởng thôn Bướm, xã Thọ Lộc) cho biết: "Năm nay, đa số các con còn nhỏ (chủ yếu ở độ tuổi từ18-20). Nhiều con nói tiếng Việt chưa "sõi", lần đầu giao lưu “ba cùng” với người dân nên còn nhiều bỡ ngỡ. Vậy nên các hộ dân dành nhiều tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc cho các con cái, tận tình hướng dẫn, bảo ban như con cháu trong nhà. Nhiều gia đình chủ động tổ chức liên hoan, giao lưu văn nghệ nhằm giúp các con nhanh chóng hòa nhập.

Đối với lưu học sinh Lào, các hộ gia đình chính là môi trường học tập linh hoạt, đa năng. Các con được học mọi lúc, mọi nơi từ lời chào bố mẹ mỗi sáng đến trường, từ những câu chuyện trò, hỏi han trong bữa cơm gia đình đến cách nấu những món ăn, những phong tục tập quán của người Việt... Các con cũng được tiếp xúc với nhiều người, nhiều cách nói chuyện khác nhau từ người già đến trẻ nhỏ, từ bạn bè đồng trang lứa đến những anh chị lớn hơn… Nhờ vậy, khả năng nghe nói, cách phát âm tiến bộ dần.

Theo ông Khôi, các hộ dân cũng dành nhiều tình cảm yêu mến đối với các lưu học sinh Lào. Các con ngoan, khi đi biết hỏi, khi về biết chào, chăm học và không có hiện tượng đi chơi về khuya. Đã có 7 hộ trong thôn dặn ông chương trình năm sau "để phần" cho gia đình được đón con Lào.

Tại lễ chia tay các con Lào về trường, bà Khuất Thị Hành (76 tuổi) đã gửi tặng các con lưu học sinh Lào bài thơ bà sáng tác. Thời Đại trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Tặng các con lưu học sinh Lào

"Tháng Ba này mới thật vui sao

Nhà mẹ có các con Lào về học

Buổi gặp đầu tiên mẹ quên sao được

Con cúi chào chắp hai tay trên ngực

Mẹ hiểu chưa nhiều mà tâm đã đồng tâm

Các con Lào thơm thảo thông minh Hiểu trọn nghĩa tôn sư trọng đạo

Nói tiếng Lào mẹ gọi con "thầy giáo"

Học tiếng Việt thì con lại bảo:

Tôn mẹ là "sư phụ" mẹ ơi!

Tiếng chuẩn, tiếng chưa mẹ con khúc khích cười

Ranh giới quốc gia cứ hòa vào giọng nói

Con nói chuẩn mẹ khen con học giỏi

Mẹ nói hay con bảo mẹ tuyệt vời!

Rồi ngày mai sẽ tới các con ơi

Tốt nghiệp xong đất triệu voi chờ đợi

Các con về với tương lai phơi phới

Đừng quên người mẹ Việt nhớ nghe con

Đừng quên ở bên Đông Trường Sơn

Có người mẹ yêu con như con út

Quà phần con hơn con đẻ của mình một chút

Cho con vơi giây phút nhớ nhà

Các bậc phụ huynh bên Lào cứ yên tâm nha

Con em các bạn có chúng tôi chở che đùm bọc

Trường T78 cùng nhân dân Thọ Lộc

Sát cánh kề vai trong sự nghiệp trồng người

Để tình Việt Lào mãi mãi xanh tươi

Bền chặt như dãy Trường Sơn hùng vĩ

Ta nắm chặt tay hát bài ca xuyên thế kỷ

Điệp khúc kết đoàn, điệp khúc Samaki".

Lưu học sinh Lào "3 cùng" với bố mẹ Việt
Lưu học sinh Lào nói tiếng Việt lưu loát hơn sau thời gian sống cùng bố mẹ Việt

Top