Bình Thuận có 2 đặc sản mang thương hiệu Văn hóa ẩm thực Việt Nam |
Quảng bá tiềm năng du lịch Đà Nẵng tại Ấn Độ |
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sỹ Tam (thứ ba từ trái qua) chụp ảnh kỷ niệm cùng khách mời trước gian hàng ẩm thực của Việt Nam trong một hội chợ ẩm thực - văn hóa các đại sứ quán (Ảnh: Phạm Sỹ Tam). |
Hồn Việt trong món ăn
Theo nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sỹ Tam, hội chợ ẩm thực - văn hóa các đại sứ quán và hội chợ ẩm thực ASEAN gây quỹ từ thiện là con đường ngắn để người dân nước sở tại và bạn bè quốc tế biết về văn hóa, ẩm thực Việt Nam.
Món ăn được lựa chọn để giới thiệu tại các hội chợ nhiều nhất là nem rán - đặc sản tinh túy của ẩm thực Việt. Nguyên Đại sứ Phạm Sỹ Tam kể, các nước thường chi trả vé máy bay mời đầu bếp nổi tiếng trong nước của họ sang nấu ăn. Còn Việt Nam, khi thì sử dụng cấp dưỡng của Đại sứ quán, khi lại là đầu bếp do Bộ Ngoại giao giới thiệu. Khi sang, đầu bếp mang theo toàn bộ dụng cụ, nguyên liệu nấu ăn và đương nhiên không thể thiếu nấm hương - nguyên liệu tạo nên độ thơm ngon cho món nem rán.
Ngày tổ chức hội chợ, nem được gói sẵn ở Đại sứ quán rồi đem đến hội chợ rán. Đích thân phu nhân Đại sứ cũng xuống bếp gói nem. Nem rán nóng hổi được đem ra mời bạn bè Ấn Độ, khách tham quan hội chợ và ai nấy đều ấn tượng với món ăn này.
"Nhiều người cho rằng món ăn Việt Nam không hợp với khẩu vị của người Ấn Độ vì thiếu độ cay, độ mặn và gia vị không phong phú nhưng không hẳn như vậy. Nem rán Việt Nam là sự tổng hòa của nhiều thực phẩm, hương liệu trong thiên nhiên: vỏ bánh đa nem làm từ gạo xay thành bột, nhân gồm thịt băm, miến, su hào, cà rốt, hành tây, trứng gà, mộc nhĩ, nấm hương, tất cả băm nhỏ, quyện vào nhau cùng các loại gia vị. Trong nem tính sơ sơ cả chục hương vị, như mang ý nghĩa biểu tượng về sự đồng điệu, đoàn kết của người dân đất Việt.
Nem rán không thể thiếu nước chấm. Đầu bếp vẫn giữ nguyên nước chấm nem chua ngọt, cay cay, không cố tình làm đậm đà thêm theo khẩu vị của người Ấn. Vậy nhưng nem rán bao giờ cũng là món được khách lựa chọn đầu tiên và cũng hết đầu tiên, thậm chí khách còn hỏi thêm", nguyên Đại sứ Phạm Sỹ Tam cho biết.
Đặc biệt, tại hội chợ ẩm thực, khách quốc tế còn được thưởng thức "bữa tiệc âm nhạc" đậm đà bản sắc văn hóa, dân tộc của Việt Nam với các loại nhạc cụ đặc trưng như đàn T’rưng, đàn đá, đàn bầu… Khách tham gia hội chợ được phát cuốn cẩm nang với các bài viết, hình ảnh giới thiệu về văn hóa, du lịch Việt Nam. Cách trình bày cẩm nang phù hợp với thẩm mỹ của người dân địa phương nên rất được yêu thích.
“Thông qua hình thức này, bạn bè quốc tế biết được văn hóa ẩm thực, âm nhạc Việt Nam như thế nào, từ đó tạo ra thói quen thưởng thức. Khi tôi làm Đại sứ tại Ấn Độ, các bạn quốc tế thường bày tỏ sự yêu thích đối với món ăn và âm nhạc Việt Nam vì hay và lạ”, nguyên Đại sứ Phạm Sỹ Tam nói.
Tự hào quảng bá ẩm thực Việt
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal và Bhutan Phạm Sanh Châu kể, khi công tác tại Ấn Độ, điều ông tâm đắc nhất là ở Đại sứ quán Việt Nam có một căng tin nhỏ để quảng bá đồ ăn Việt vào thứ sáu hàng tuần. Nhiều người dân Ấn Độ, cán bộ ngoại giao các nước tại New Delhi tới xếp hàng dài để được thưởng thức ẩm thực Việt mỗi tuần. Báo chí Ấn Độ cũng có nhiều bài viết về căng tin này.
Đại sứ Phạm Sanh Châu là người đưa ra sáng kiến thành lập các câu lạc bộ đại sứ ẩm thực gồm đại diện của các châu lục. Câu lạc bộ này hoạt động theo hình thức luân phiên tổ chức ăn trưa mỗi tháng để giới thiệu món ăn. Đây không chỉ là dịp để mỗi nước giới thiệu về ẩm thực hay cách thức nấu món ăn mà còn giới thiệu cả nền văn hóa, phong tục, tập quán của nước mình đến với bạn bè thế giới.
Đại sứ Phạm Sanh Châu đã thành lập câu lạc bộ ẩm thực đại sứ quán ở Brussels (Bỉ), Hà Nội và New Delhi. Tại New Delhi, câu lạc bộ đại sứ ẩm thực được ra mắt vào tháng 5/2019 với sự tham dự của hơn 30 đại sứ và phu nhân các quốc gia đến từ 5 châu lục cùng đại diện của chính phủ, Bộ Ngoại giao Ấn Độ và một số doanh nhân Ấn Độ. Đại sứ các nước đều đánh giá cao sáng kiến của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ và cho biết sẽ tham gia tích cực với tư cách là thành viên sáng lập của câu lạc bộ, từ đó thúc đẩy tăng cường sự giao lưu, hiểu biết lẫn nhau.
Để văn hóa ẩm thực Việt Nam đến được với đông đảo bạn bè thế giới, theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, cần nâng cao lòng tự hào dân tộc thông qua giới thiệu ẩm thực, coi quảng bá ẩm thực là nhiệm vụ chính trị thường xuyên nằm trong chiến dịch quảng bá hình ảnh Việt Nam và cần sự chung tay của các cơ quan, đoàn thể, hội đoàn, người Việt ở trong và ngoài nước.
"Chúng ta cần tạo môi trường sinh hoạt ẩm thực, quảng bá một cách liên tục. Không chỉ món ăn mà còn giới thiệu ăn thế nào, ăn ở đâu, cách chế biến ra sao...", Đại sứ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh.
Chuyên gia Marketing người Mỹ Philip Kotler khi đến Việt Nam từng nói: “Việt Nam có thể lấy ẩm thực làm nét đặc trưng để giới thiệu với thế giới”. Ẩm thực chính là nguồn “tài nguyên” quý báu giúp tạo được ấn tượng sâu sắc về văn hóa và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Kiều bào hiến kế mở rộng không gian văn hóa ẩm thực Việt |
Quảng bá văn hóa, du lịch và ẩm thực Việt Nam tại Israel |