Chuyên đề cơ sở

Sơn La: Các mô hình, dự án kinh tế phù hợp mang lại hiệu quả tích cực trong giảm nghèo bền vững

2024-12-21 13:05:40
Tập trung nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp cán đích Nông thôn mới
Trái cây Việt có thể xuất khẩu sang Mỹ trở lại
Người dân tại các xã nghèo của Sơn La chăm sóc đàn vật nuôi.

Xã Nậm Lạnh, (huyện Sốp Cộp, Sơn La) từng được biết đến là nơi cái đói, cái nghèo gắn bó với người dân như “bạn đồng hành”. Để giảm nghèo hiệu quả, xã đã tích cực tuyên truyền giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo tự chủ, tự lực vươn lên. Đồng thời, lãnh đạo xã cũng chủ động tìm kiếm và xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp. Cụ thể, các bản vùng thấp tập trung phát triển cây cam, quýt; các bản vùng cao thì xây dựng các mô hình chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng.

Một trong những điển hình của ý chí thoát nghèo là gia đình anh Lò Văn Manh (bản Mới, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp). Năm 2016, gia đình anh Manh được hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ voi, sau đó anh vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, mạnh dạn mua 5 con dê, 1 con bò cái và trồng cỏ chăn nuôi... Sau 6 tháng, gia đình anh xuất bán bò, công việc mang về thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng.

Hiện toàn xã đã chuyển đổi được 124ha cây ăn quả, phát triển đàn gia súc hơn 4.300 con. Nhờ đó, đời sống nhân dân có nhiều đổi mới.

Cũng từng có giai đoạn đặc biệt khó khăn như Nậm Lạnh (Sốp Cộp), cấp ủy, chính quyền xã Chiềng Công (Mường La) đã sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất…

Từ năm 2012 đến nay, gia đình anh Mùa A Nếnh (xã Chiềng Công) trồng gần 3ha cây thảo quả dưới tán rừng, trong đó gần 2ha đã cho thu hoạch. Bên cạnh đó, được xã tạo điều kiện cho vay 10 triệu đồng, cùng với số tiền tiết kiệm, anh Nếnh đã đầu tư làm chuồng trại, mua con giống phát triển mô hình chăn nuôi. Hiện, gia đình có 10 con trâu, bò, 6 con lợn thịt, mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình. Việc áp dụng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp giúp gia đình anh Nếnh không những thoát nghèo mà còn có điều kiện làm nhà mới và chăm lo cho con cái học hành.

Thành viên HTX chăn nuôi Mường Trai (Mường La) trồng cỏ làm thức ăn cho đàn gia súc.

Hai điển hình nêu trên chỉ một phần nhỏ trong số những tấm gương nỗ lực thoát nghèo của tỉnh Sơn La. Mỗi điển hình như một bông hoa đã góp phần tạo nên cánh đồng hoa rực rỡ trong công cuộc giảm nghèo nhanh và bền vững.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Sơn La giảm từ 34,44% vào đầu năm 2016 xuống còn 21,62% vào cuối năm 2019, bình quân giảm 3,2%/năm, đạt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 và theo Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2020 tại Quyết định số 2043/QĐ-UBND ngày 25/7/2017 của UBND tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân của các huyện nghèo giảm từ 39,91% vào đầu năm 2016 xuống còn 29,07% vào cuối năm 2019, bình quân giảm 2,7%/năm. Các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm còn 29,85(%); Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 12,82%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số của tỉnh giảm còn 26,42%. Tỷ lệ hộ cận nghèo dân tộc thiểu số của tỉnh giảm còn 13,4%.

Đến hết năm 2019 trên địa bàn tỉnh có 03 xã (chiếm tỷ lệ 2,54%) và 91 bản (chiếm tỷ lệ 5,33%) thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn (hoàn thành Chương trình 135). Có 02 huyện (Quỳnh Nhai, Phù Yên) thoát nghèo theo Quyết định số 275/2018/QĐ-TTg ngày 07/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Phạm Văn Thủy, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong công cuộc giảm nghèo nhanh và bền vững đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành triển khai thường xuyên và đồng bộ. Qua đó, đã huy động sức mạnh và sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tạo nguồn lực to lớn cùng với nguồn lực của Nhà nước thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách giảm nghèo, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đã góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệnh về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc, các nhóm dân cư… Cơ sở hạ tầng ở các huyện nghèo, xã nghèo, bản đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản xuất, tự tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần thoát nghèo bền vững.

95% dân số nông thôn Lào Cai được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh
Lai Châu: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện vùng cao Sìn Hồ
Top