Thủ tướng Phạm Minh Chính: tiếp tục phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ Việt Nam |
Hỗ trợ sinh kế, giúp phụ nữ nghèo vùng biên giới có nguồn lực phát triển kinh tế |
Quang cảnh trung tâm thảo luận số 3 với chủ đề "Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam". Ảnh: TTXVN |
Thống nhất vai trò quan trọng của các tầng lớp phụ nữ trong vun đắp giá trị gia đình Việt cũng như công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, các phiên thảo luận diễn ra trong không khí sôi nổi từ những những chia sẻ khách quan về cách làm hay, mô hình tiêu biểu, sáng tạo; đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại để đề xuất các biện pháp thiết thực, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, chuyên nghiệp và hiệu quả.
Tại trung tâm thảo luận về “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, nội dung các tham luận đề xuất, kiến nghị, hiến kế một số giải pháp cho việc phát triển nguồn nhân lực nữ giai đoạn tới. Một số đại biểu cho rằng, để việc phát triển nguồn nhân lực nữ, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn tới, cần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; đa dạng hóa các chương trình giáo dục thường xuyên đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái người dân tộc thiểu số.
Bảo đảm tiếp cận bình đẳng trong giáo dục nhất là cho trẻ em gái, các ý kiến đề xuất một số giải pháp như: Phát triển các dịch vụ giáo dục và đào tạo để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; bảo đảm công bằng trong tiếp cận dịch vụ giáo dục có chất lượng.
Thúc đẩy bình đẳng giới cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng và được ưu tiên của các cơ quan báo chí hiện nay. Do đó, một số ý kiến cho rằng, cần tăng cường đào tạo cho nhà báo và tòa soạn về kiến thức bình đẳng giới; giới thiệu các tài liệu như sổ tay bình đẳng giới, quy tắc ứng xử Bình đẳng giới dành cho báo chí; xây dựng riêng các nguyên tắc báo chí về bình đẳng giới, để tuyên truyền và phổ biến cho các nhà báo…
Tại trung tâm thảo luận về chủ đề “Phụ nữ trong nền kinh tế số”, các tham luận đã có những đề xuất, kiến nghị, hiến kế một số giải pháp để phụ nữ tiếp cận các nguồn lực nói chung, nguồn lực tài chính nói riêng một cách công bằng. Do đó, một số giải pháp trọng tâm được đưa ra như: Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, trong đó ưu tiên đối với các nhóm đối tượng yếu thế; ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tổ chức, chương trình dự án tài chính vi mô trong hệ thống Hội; mở rộng gắn liền với quản lý, giám sát các mô hình phối hợp giữa Hội với các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính, đảm bảo hiệu quả, an toàn.
Mặt khác, các đại biểu cũng nhấn mạnh vai trò “hạt nhân cơ sở” của những người phụ nữ nông thôn trong tuyên truyền và thực hiện tham gia bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm, góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí “Môi trường và An toàn thực phẩm” - một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất khi các địa phương xây dựng nông thôn mới. Phụ nữ nông thôn mạnh dạn chuyển dịch từ sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, phân tán sang hợp tác, liên kết sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị; đồng thời, tích cực tham gia vào Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh và gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.
Từ đó, các ý kiến đề xuất tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các thể chế, chính sách đặc thù, các chương trình 5 năm và từng năm; đặc biệt hỗ trợ phụ nữ áp dụng số hóa trong nông nghiệp, xây dựng các mô hình nông nghiệp có chứng nhận VietGap, Global GAP, chứng nhận hữu cơ, HACCP, chứng nhận an toàn dịch bệnh... có truy xuất nguồn gốc; sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; gắn với Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Cuộc vận động “5 không, 3 sạch”, Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm”…
Tham dự phiên thảo luận “Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”, các đại biểu thống nhất vai trò quan trọng, trách nhiệm của phụ nữ trong vun đắp và phát huy các giá trị gia đình Việt; đồng thời, tham mưu các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề nổi cộm liên quan đến phụ nữ và gia đình. Một số đại biểu cho rằng, để đạt được mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, những nội hàm cụ thể các giá trị gia đình cần quan tâm trong giai đoạn hiện nay gồm 4 tiêu chí "an toàn, trách nhiệm, thịnh vượng và bình đẳng". Bởi sự ổn định của gia đình là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
Một số ý kiến nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của vun đắp giá trị gia đình Việt Nam thông qua thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó đề xuất ứng dụng công nghệ thông tin tuyên truyền mạnh mẽ các thông điệp về phòng, chống bạo lực phụ nữ và trẻ em, cung cấp kiến thức, giáo dục về giới, bình đẳng giới... trong các cấp hội và người dân. Bên cạnh đó, có ý kiến đề xuất mở rộng liên kết đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm theo nhu cầu của thị trường lao động, tập trung hỗ trợ các nhóm lao động nữ chuyển đổi nghề do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, do thiên tai và dịch bệnh; thực hiện các mô hình tiết kiệm tín dụng, xây dựng chế tài quản lý, mở rộng các nguồn vốn vay cho đối tượng phụ nữ di cư để phát triển sản xuất, kinh doanh…
Liên quan đến vấn đề phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, các đại biểu nhất trí đề xuất đẩy mạnh thực hiện chương trình giáo dục định hướng cho phụ nữ Việt Nam di cư theo diện kết hôn với công dân các nước, cung cấp thông tin luật pháp, phong tục, tập quán, ngôn ngữ các nước và kỹ năng sống để các chị em có thể hòa nhập tốt với cuộc sống gia đình ở nước ngoài; nỗ lực bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm của phụ nữ Việt Nam và xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm của Hội.
Cũng trong chiều nay, các đại biểu tham dự phiên thảo luận "Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả" đã chia sẻ những mô hình hay, cách làm hiệu quả, những kinh nghiệm sáng tạo trong công tác thu hút, tập hợp đa dạng các hội viên như phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ tôn giáo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, nữ công nhân lao động… Những mô hình này không chỉ góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh mà còn góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội từng địa phương.
Đáng chú ý, chia sẻ kinh nghiệm trong việc đảm bảo ổn định đời sống nữ công nhân, một số đại biểu nhấn mạnh việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền chính sách, pháp luật lao động, tổ chức các phong trào, hoạt động chăm lo đời sống vật chất cho phụ nữ, đặc biệt lao động nữ xa nhà. Người làm công tác Hội phải chủ động phát huy tinh thần lắng nghe, nắm rõ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và kịp thời giải quyết, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nữ công nhân; xây dựng lực lượng nòng cốt và thuyết phục, vận động các cá nhân, tổ chức liên quan để chăm lo đời sống cho phụ nữ.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Thái Thu Xương đề xuất tiếp tục giữ nguyên quy định về vai trò nòng cốt của nữ cán bộ, công chức, viên chức và công nhân lao động trong phong trào phụ nữ như nhiều nhiệm kỳ qua. Bởi lẽ, công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động và hoạt động của Ban Nữ công Công đoàn trong suốt những năm qua đã khẳng định sự chỉ đạo hiệu quả và phân công hợp lý của Đảng trong công tác phụ vận, từ đó phát huy được thế mạnh của mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị.
Đại biểu dự phiên thảo luận "Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới". Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Tại phiên thảo luận “Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới”, các đại biểu đến từ các địa phương đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết nhằm phát huy vai trò, năng lực của hội viên phụ nữ ở cơ sở. Theo đó, phụ nữ luôn giữ vai trò quan trọng trên mọi lĩnh vực, trong học tập, lao động, sản xuất và công tác, tham gia tích cực vào quá trình hoạch định và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hoạt động nghiêm túc, đầy đủ. Để phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, các đại biểu đề xuất tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo cho các cấp Hội Việt Nam tham gia quản lý nhà nước; bảo vệ tối đa quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới nhằm không ngừng khẳng định, nâng cao vị trí, vai trò của phụ nữ trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới.
Một số ý kiến cho rằng, để nâng cao vai trò của phụ nữ, cần chủ động, thường xuyên quan tâm rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ Hội các cấp gắn với việc triển khai thực hiện khâu đột phá của Trung ương Hội về “Nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động Hội cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ; phát huy quyền làm chủ của hội viên, phụ nữ”. Một số đại biểu kiến nghị tiếp tục nhân rộng những mô hình điểm, cách làm hay trong phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ học hỏi từ đó làm thay đổi tư duy, giúp chị em chủ động hơn trong phát triển kinh tế gia đình.
Một số ý kiến đóng góp về việc cần tiếp tục quan tâm đầu tư thỏa đáng, tạo điều kiện tốt nhất để phụ nữ phát huy vai trò và năng lực của mình trong gia đình và xã hội; tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội tiếp cận những thành quả của khoa học - công nghệ hiện đại để chủ động áp dụng vào thực tiễn, từng bước nâng cao tri thức và chất lượng cuộc sống, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp đổi mới và phát triển quê hương, đất nước.
Việt Nam dẫn đầu thế giới về bình đẳng giới ở gia đình và trong công việc |
UN Women hỗ trợ phụ nữ tái phát triển sinh kế hậu Covid – 19 |