Chuyên đề cơ sở

Thưởng thức Xuân cùng trà Sùng Đô

2024-12-21 13:23:57
Chương trình Xuân quê hương 2021 sẽ được tổ chức theo hình thức phù hợp
Do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Chương trình Xuân quê hương 2021 không thể đón bà con trực tiếp đến chung vui nên sẽ được tổ chức theo hình thức phù hợp.
Trao gởi kim cương - Đón xuân yêu thương cùng Thế Giới Kim Cương
Với ý nghĩa phong thủy giúp thu hút tài vận, đem đến may mắn, trang sức kim cương không chỉ nâng tầm phong cách, khẳng định đẳng cấp của chủ nhân mà còn là món quà đầu xuân hoàn hảo khiến bất cứ ai cũng mong đợi.
Quần thể trà cổ thụ Giàng Pằng có hàng ngàn đại thụ, trung bình mỗi cây phải hơn một người ôm mới xuể.

Trên bản đồ trà Việt, nhắc đến Yên Bái, người chơi trà thường nghe về Suối Giàng, còn cái tên Giàng Pằng, Sùng Đô (huyện Văn Chấn) thì còn xa lạ.

“Mỏ vàng xanh” bị bỏ mặc

Hơn 30-40 năm trước, người miền xuôi đã tìm lên Sùng Đô nhờ bà con dân tộc thu hái trà, sao sấy, đem về chợ huyện ở Văn Chấn, đổi vật phẩm hoặc bán lại cho người dùng. Việc chế biến, mua bán khá lẻ tẻ, năm được năm mất.

Mãi đến những năm 2000, trong chuyến khảo sát các vùng trà Shan cổ thụ, những người làm trà Shan Việt Nam (tiền thân của thương hiệu Shanam) phát hiện ra Văn Chấn không chỉ có vùng trà cổ thụ Suối Giàng. Khi thưởng thức trà do bà con bán ở chợ huyện, họ thấy có hương vị khác lạ, chế biến thô sơ. Dò hỏi mới biết nguyên liệu ấy từ Sùng Đô, một xã nghèo có địa thế thuộc loại hiểm trở nhất huyện.

Tìm lên được Sùng Đô, mọi người mới thực sự bất ngờ khi chứng kiến cả quần thể trà cổ thụ mọc san sát quanh bản Giàng Pằng, cành nhánh già nua, búp non tua tủa, chẳng ai chăm sóc hay thu hái. Một “mỏ vàng xanh” lộ thiên bị bỏ mặc giữa mây núi đất trời.

Mà “mỏ vàng xanh” này bị bỏ mặc cũng phải, vì vùng vẫn chưa có lưới điện, nước thì tự dẫn từ các khe núi về dùng, để lên được đến nơi còn phải tùy ngày gặp nắng hay là mưa. Vậy nên tận bây giờ, nhiều người sắp gần đất xa trời vẫn chưa một lần đặt chân xuống Văn Chấn.

Không chỉ gây kinh ngạc ở diện tích và số lượng trà đại thụ, chất trà ở Sùng Đô còn mang đến nhiều bất ngờ khác. Về vị chát và độ đậm, trà Sùng Đô có nhiều đặc điểm tương đồng với trà cổ thụ vùng Tủa Chùa, Điện Biên. Về độ ngọt, trà Sùng Đô sở hữu mùi hương mật cùng vị ngọt rất êm sâu, có thể sánh với vùng trà cổ thụ Hoàng Su Phì, Tây Côn Lĩnh, Hà Giang. Trong thức trà cổ thụ, hiếm có vùng nguyên liệu nào tương đồng như Sùng Đô.

Trà ép bánh từ nguyên liệu trà cổ thụ ở Giàng Pằng, Sùng Đô năm 2020.

Thức trà của người Việt

Trong kỹ thuật chế biến trà Shan cổ thụ, việc chọn được vùng nguyên liệu phù hợp với kỹ thuật người làm trà, có thể ứng biến ra sản phẩm đa dạng, kể ra không nhiều.

Nhưng vùng trà Sùng Đô có lợi thế ở sự cân bằng, dù vị có chút nổi trội nhưng chi tiết ấy lại rất hợp gu người yêu trà Việt. Vị ngọt, độ chát hài hòa trong chất trà Sùng Đô giúp người làm trà dễ phát triển trà ép bánh, sản phẩm đang bị xứ trà Vân Nam, Trung Quốc chiếm ưu thế trên thị trường thế giới với tên Phổ Nhĩ.

Nói về trà ép bánh, Việt Nam lâu nay phụ thuộc vào việc phục vụ cho bạn hàng Trung Quốc, từ kỹ thuật, cách chế biến đến khẩu vị, chỉ có số ít bạn hàng Đài Loan. Đấy là điểm bất lợi, bởi nguyên liệu quý giá của trà cổ thụ Việt trăm tuổi khi sang Trung Quốc lập tức mất dấu, bị trộn lẫn làm thành xuất xứ mới. Trong khi giá trị của trà cổ thụ chế biến ra thị trường tăng gấp nhiều lần so với giá thu mua từ vùng nguyên liệu gốc.

Khi người làm trà Việt chủ động được từ vùng nguyên liệu đến kỹ thuật chế biến trà ép bánh, phục vụ cho người Việt, sẽ là một bước ngoặt lớn của ngành trà đặc sản. Hợp tác xã trà Sùng Đô ra đời cũng vì câu chuyện đó. “Bố mình ngày xưa ở dưới xuôi lên đây làm trà, mình bây giờ học theo. Trà ở đây làm trà lên men để uống rời hoặc đem ép bánh đều hợp”, Dũng - một thành viên hợp tác xã cho biết.

Nhờ nội chất mạnh, độ chát của trà Sùng Đô khi qua xử lý bằng kỹ thuật trà lên men càng để lâu càng đằm thắm nhưng dịu nhẹ, mỗi lần thưởng thức lại thêm một bất ngờ khi thấy rõ sự chuyển đổi khác lạ từ chát nồng sang ngọt dịu, thơm hương mật đầy quyến rũ.

Sự khác biệt dễ nhận ra từ 2 dòng trà ép bánh sống (vàng nhạt) và chín (nâu đỏ) của thức trà Sùng Đô.

Trà sống - trà chín Sùng Đô

Về dòng trà ép bánh - được ví ngang giá trị của vàng qua thời gian - vùng Sùng Đô phân thành 2 dòng trà sống (thanh trà) và trà chín (thục trà).

Trà sống là trà khi đem ép bánh, nội chất gồm các vitamin, amino acids, polyphenol, enzyme, chất chát tanin và vô vàn khoáng chất có trong trà vẫn tiếp tục “sống” (lên men), giúp nội chất trà chuyển hóa tích cực theo thời gian. So sánh bánh trà Sùng Đô niên vụ 2019 và 2020 để thấy rõ sự khác biệt. Điểm chung là mùi thơm dịu, thanh và tươi của trà xanh hoang dã, thoảng hương lan rừng. Riêng trà sống vụ 2019 do qua hơn 1 năm lên men nên chất trà có thêm độ ngọt dịu, thơm mùi quả chín, cùng những đặc trưng đậm lâu - hậu sâu - hương núi rừng - nhuận khẩu - thuận vị.

Trà chín là một kỹ thuật chế biến: sau khi thu hái cho lên men tối ưu (cưỡng bức) để rút ngắn giai đoạn, tôn các hương vị và nội chất tiềm ẩn theo cách nhanh nhất. Trà chín mang lại cảm giác thưởng thức trà sống lâu năm. Trà chín Sùng Đô được giới thẩm trà, nghiên cứu trà đánh giá cao về chất lượng lẫn biểu hiện bởi những đặc điểm: hương mật, hương hoa, vị đậm ngọt, đằm thắm, nước trà có sắc trong, ửng hồng hổ phách…

Ở góc độ sức khỏe, chỉ riêng về nguyên liệu thì trà Sùng Đô đã là một giá trị, bởi vùng trà được khai thác chừng mực, quần thể hoàn toàn là cổ thụ hoang dã, lại mọc ở độ cao gần 2.000m nên hấp thu tốt dưỡng chất đất trời, sạch tuyệt đối.

Có thể nói trà ép bánh sống - chín Sùng Đô là khởi điểm mới của sản phẩm trà ép bánh thương hiệu Việt. Dù kỹ thuật chế biến còn non trẻ nhưng nguyên liệu trà Shan cổ thụ Việt hiện đứng hàng đầu thế giới về độ sạch, độ tuổi của cây, số lượng vùng trà và cây trà. Nếu cứ như vậy thì trong tương lai gần, trà Shan cổ thụ Việt sẽ đánh một dấu son trên bản đồ trà thế giới.

Chương trình Xuân quê hương 2021 sẽ được tổ chức theo hình thức phù hợp
Do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Chương trình Xuân quê hương 2021 không thể đón bà con trực tiếp đến chung vui nên sẽ được tổ chức theo hình thức phù hợp.
Trao gởi kim cương - Đón xuân yêu thương cùng Thế Giới Kim Cương
Với ý nghĩa phong thủy giúp thu hút tài vận, đem đến may mắn, trang sức kim cương không chỉ nâng tầm phong cách, khẳng định đẳng cấp của chủ nhân mà còn là món quà đầu xuân hoàn hảo khiến bất cứ ai cũng mong đợi.
Nghệ An: Giao lưu hữu nghị chào Xuân 2021 cùng sinh viên quốc tế
Ngày 27/12, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức giao lưu hữu nghị chào Xuân mới 2021 cùng sinh viên quốc tế.
Top