6 giờ ngày thứ ba, thông tin từ trạm rađa trên đảo Bạch Long Vỹ báo về hệ thống rađa của tàu: Có tàu cá Trung Quốc (TQ) vào sâu trong vùng biển Việt Nam, cách đường phân định biên giới trên biển 5 hải lý, cách đảo Bạch Long Vỹ 12 hải lý theo hướng đông đông nam.
Từ cabin chỉ huy, thuyền trưởng - thượng úy Nguyễn Thế Duyệt ra lệnh cho tàu nhổ neo...
Từ trên boong cabin, thuyền trưởng Duyệt dùng ống nhòm quan sát mục tiêu phía trước. Vừa nghe báo động, cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng vào nhiệm vụ đã được phân công từ trước. Tất cả trong trang phục thủy thủ và mặc áo phao sẵn sàng.
Tàu nhổ neo, bắt đầu tăng tốc thẳng tiến hướng đông. Gần nửa giờ, ở đường chân trời bóng dáng một con tàu dần hiện ra. Tàu CSB 2008 tiến lại gần.
Từ cabin, giọng nói to, rõ ràng vang lên qua loa: “Cảnh sát biển Việt Nam thông báo: Đây là vùng biển của Việt Nam. Các vị đang vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam. Chúng tôi yêu cầu các vị ngừng ngay hành vi vi phạm và nhanh chóng ra khỏi vùng biển Việt Nam”.
Hệ thống loa từ cabin liên tục phát mệnh lệnh đanh thép trên bằng 3 thứ tiếng: Việt, Trung và Anh.
Lúc này có thể nhìn rõ con tàu sơn xanh đỏ và có số hiệu ghi bằng chữ TQ. Tàu CSB 2008 ở sát sau đuôi, vượt lên song song với mạn trái tàu cá Trung Quốc.
Cảnh sát biển trên tàu CSB 2008 tuần tra xua đuổi tàu cá Trung Quốc
Hệ thống loa tuyên truyền vẫn vang đều. Tuy nhiên, tàu cá này đã đổi hướng bỏ chạy vào vùng biển Việt Nam. Tàu CSB chạy theo sát. Trước sự cương quyết của cảnh sát biển Việt Nam, cuối cùng chiếc tàu cá kia bỏ chạy.
Ngay lúc đó xuất hiện thêm một tàu cá TQ khác vào sâu trong vùng biển Việt Nam, cách đường phân định biên giới trên biển 4 hải lý. Tàu CSB 2008 tăng tốc bám sát. Lần này là một tàu cá Trung Quốc khác với kích thước nhỏ hơn. Cảnh sát biển Việt Nam yêu cầu chủ tàu dừng ngay hoạt động vi phạm nhưng chiếc tàu này không chấp hành. Tăng tốc, tàu CSB 2008 chạy gần sát mạn tàu cá.
Trung úy Sáng tiến sát ra boong tàu, tay ra hiệu chỉ hướng, buộc tàu cá rời khỏi khu vực này về lại vùng biển Trung Quốc. Trước sự cương quyết của cảnh sát biển Việt Nam, chiếc tàu cá TQ vi phạm chủ quyền buộc phải nổ máy rời đi.
Nhìn 2 tàu cá rút chạy, đại úy Vũ Mạnh Khởi lại nhớ về những chuyến đi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm tra kiểm soát trên biển của mình vào 2 cái tết Nguyên đán năm 2014 và 2015.
“Lần ấy, mỗi đợt đi kéo dài 45 ngày. Tôi vẫn nhớ vào mùng 2 tết năm 2014, tôi đi trên tàu 8003 trực ở khu vực gần đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Lúc ấy, chúng tôi gặp rất nhiều tàu cá TQ. Anh em các bộ phận như trinh sát, pháp luật phải sang tàu họ giải thích cho ngư dân họ biết đang vi phạm lãnh hải Việt Nam và đề nghị họ quay về biên giới nước họ. Nếu họ không nghe, chúng tôi sẽ lập biên bản sai phạm” - đại úy Khởi kể.
Rồi anh nói tiếp: “Đối với cảnh sát biển Việt Nam, việc đối mặt thường xuyên tàu cá TQ còn là nhiệm vụ. Chúng tôi kiên quyết xử lý họ và không lo lắng gì cả”.
Nhiều lần đi làm nhiệm vụ ở vịnh Bắc bộ, thuyền trưởng Duyệt cho biết: “Có ngày chúng tôi phải xua đuổi hàng chục tàu cá TQ. Tàu cá TQ thường có tàu mẹ rất to và các tàu con. Họ ùa vào, lợi dụng sóng to gió lớn để xâm phạm, đánh bắt trái phép. Tàu CSB 2008 có tốc độ lớn, dễ xoay chuyển hướng nhưng nhiều tàu cá TQ rất to âm mưu đâm vào, anh em phải tránh” - thuyền trưởng Duyệt nói.
Kể về sự lì lợm của tàu cá TQ, đại tá Trần Văn Rồng - phó chính ủy Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 1 - cho biết: Nhiều tàu cá cố tình không ra khỏi vùng biển Việt Nam, lẩn trốn rồi tìm cách quay lại. Thậm chí họ có hành động khiêu khích kém văn hóa như... cởi quần, chổng mông... Tuy nhiên, cảnh sát biển chúng tôi “luôn tỉnh táo, xử lý đúng đối sách, không để nước ngoài tạo cớ, gây xung đột”.
Đại tá Rồng cho biết vùng biển do Bộ tư lệnh Cảnh sát biển vùng 1 quản lý (trải dài trên 10 tỉnh, TP có biển, từ cửa sông Bắc Luân thuộc tỉnh Quảng Ninh tới đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị) là vùng biển rất “nhạy cảm” vì giáp ranh với TQ. Nơi này có rất nhiều tàu cá TQ sang đánh bắt, mua hải sản trái phép.
Ngoài ra, đây cũng là vùng biển mà các đối tượng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả... từ TQ về rất nhiều.
Tàu là nhà, biển đảo là quê hương
Trên chiếc tàu cá cũ kỹ đánh bắt ở vịnh Bắc bộ, ngư dân Nguyễn Văn Thiêm, quê Thái Bình, nói: “Nhờ sự có mặt của các anh cảnh sát biển, ngư dân chúng tôi cảm thấy vững tin, yên tâm hơn để đi đánh bắt cá, nhất là những lúc sóng to gió lớn hay bị tàu Trung Quốc quấy rối”.
Ngoài nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, cảnh sát biển còn là lực lượng gắn với những nhiệm vụ thầm lặng khác như tìm kiếm cứu nạn, khám bệnh, tuyên truyền pháp luật cho ngư dân khi vào vùng đánh cá chung của Việt Nam với Trung Quốc. Đại tá Trần Văn Rồng bảo cảnh sát biển Việt Nam coi “tàu là nhà, biển đảo là quê hương”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam
Đón nhận danh hiệu Anh hùng
Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam vừa tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đại tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã đến dự lễ.
Tại buổi lễ, thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam - thay mặt các thế hệ cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam nhìn nhận qua 17 năm xây dựng, trưởng thành, tuy còn non trẻ nhưng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã có những bước phát triển lớn, toàn diện, đúng hướng và đang tiếp tục bước đi vững chắc về mọi mặt, đảm bảo điều kiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng biển; khả năng sẵn sàng chiến đấu ngày càng hoàn thiện, đủ sức đáp ứng yêu cầu tuần tra, kiểm soát, quản lý vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của đất nước; hợp tác tìm kiếm cứu nạn ở những vùng biển xa kịp thời, hiệu quả.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới tặng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển.
Chủ tịch nước ghi nhận, biểu dương những cố gắng và nỗ lực phấn đấu của cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thời gian qua.
Chủ tịch nước lưu ý trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường; các hoạt động tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và các vùng biển trọng điểm của Việt Nam vẫn tiềm ẩn những nhân tố mất ổn định.
Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn, môi trường biển, đảo đã và đang đặt ra những nhiệm vụ rất nặng nề cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có trọng trách của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Theo Tuổi Trẻ
Nguồn bài viết : Quán bar & câu lạc bộ