Nghệ An: Vượt suối lấy vợ ngoại

2025-01-17 20:38:19

Những nàng dâu, chú rể chưa nhập quốc tịch

Đến bản Ta Đo, trong căn nhà mái tranh lơ phơ, phên vách thủng lỗ chỗ. Bên bậu cửa xập xệ, chúng tôi gặp người phụ nữ khoảng 40 tuổi gầy da màu đồng hun mang quốc tịch Lào lấy chồng về bản Ta Đo tên là Hoa Phò Nhân đã gần hai mươi năm nay. Chúng tôi hỏi chồng có nhà không, chị ngơ ngác rồi nói bằng tiếng Khơ Mú, đành nhờ trưởng bản Lương Xuân Liễu dịch: “Hỏi hai người trước đây cưới nhau đã lâu chưa, có giấy tờ kết hôn gì không? Chị ta ngạc nhiên nói: “Giấy tờ kết hôn là cái chi? Ưng nhau thì lấy thôi! Cách đây 17 mùa rẫy rồi, theo phong tục nhà trai đưa vòng tai vàng, bạc nén sang, cha mẹ đồng ý rồi rước bộ đường rừng về Ta Đo”.

Chị kể: “Hồi ấy, chồng đưa vịt sang Na Mương bán, trông nó hiền lắm, ai ngờ lấy nhau được ba mùa rẫy, nó theo người rủ vào rừng chặt trộm gỗ bán, có tiền mua rượu uống rồi cả hút thuốc phiện, chích hêrôin. Hết tiền nó về nhà lấy lúa, xoong nồi, lợn… bán, không cho nó đánh đập”.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Học Phò Núi cũng lấy vợ người Lào là chị Học Mẹ Xít. Anh Núi kể: Ngày ấy, bên Lào vợ tôi, cô Xít cùng gia đình nhà ngoại sống du canh du cư trên núi cao. Xít lúc đó là cô gái xinh xắn, lại siêng năng, cần cù. Chúng tôi gặp nhau, nảy nở tình yêu thương thắm thiết nên duyên vợ chồng về ở với nhau. Cuộc sống hạnh phúc, vợ chồng có 2 mặt con nhưng còn khó khăn lắm, chúng tôi chỉ lo nhất là miếng ăn hằng ngày, nhà chỉ đủ ăn được mấy tháng thu hoạch lúa rẫy, còn lại cứ ăn sắn, khoai và măng rừng.

Theo ông Phò Dậu, Bí thư Đảng ủy xã Mường Típ: Bản Ta Đo có 63 hộ, 430 khẩu chủ yếu người Khơ Mú, có khoảng 10 cô dâu “ngoại quốc”, tính cả xã khoảng 80 cô dâu Lào, đối ứng lại có 50-70 phụ nữ Việt lấy chồng Lào. Cũng như những phụ nữ Lào lấy chồng Việt, họ chỉ biết tiếng Khơ Mú, chứ không biết tiếng Lào nên hội họp, sinh hoạt đoàn thể đều không được tham dự, phận làm dâu chỉ biết lầm lũi trên nương rẫy và về nhà phục dịch chồng con.

Ký kết giữa bản Ta Đo, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn (Việt Nam) và bản Na Mương, cụm bản Phà Vén, huyện Noọng Hét (Lào) tại xã Mường Típ về phối hợp, hỗ trợ trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa chính quyền và nhân dân 2 bản. (Ảnh tư liệu Bộ đội biên phòng 543 xã Mường Típ)

Tình không biên giới

Trao đổi về tình trạng cưới vợ, cưới chồng “ngoại quốc” tự do không có đăng ký kết hôn vùng biên giới hai nước Việt- Lào tại xã Mường Típ với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Văn Đề, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết: Huyện Kỳ Sơn có 192 km đường biên giới tiếp giáp với các tỉnh Bô Li Khăm Xay, Xiêng Khoảng nước bạn Lào. Tại các bản Ta Đo, Xốp Típ, Phà Nọi, Vang Phao, Na My tỷ lệ các cặp vợ chồng Việt - Lào khá đông. Việc cưới hỏi lấy nhau không có một giấy tờ tuỳ thân, ở hẳn đất nước Việt Nam như ở đây là hoàn toàn sai.

Đơn giản người nước bạn Lào muốn sang Việt Nam thì phải có chứng minh thư, giấy thông hành. Hoặc phải trình báo cơ quan biên phòng, chính quyền sở tại để được cấp giấy lưu trú trong khu vực biên giới có thời hạn nhất định. Theo Luật Biên giới quốc gia thì chúng tôi có quyền trục xuất họ ra khỏi biên giới, ngược lại phía nước bạn Lào cũng vậy… Việc lấy vợ, lấy chồng ngoại quốc phải được Chính phủ hai nước đồng ý cho phép kết hôn, sau đó phải có các thủ tục nhập cư, nhập quốc tịch.

Cô dâu người Lào ở bản Ta Đo, xã Mường Típ.

Tình trạng lấy chồng, lấy vợ bất hợp pháp để lại những hậu quả khôn lường, trước hết gia đình đó bị thiệt thòi về quyền lợi như: Con cái đẻ ra không được làm giấy khai sinh do bố mẹ không có giấy đăng ký kết hôn, chứng nhận giữa hai chính quyền. Người vợ Lào không thể được họp hành, tham gia sinh hoạt các đoàn thể… Mặc dù cán bộ dân số UBND xã đã đến tận các gia đình vận động thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình, nhưng họ cứ im lặng ăn hỏi, cưới dâu bên Lào cho con trai Việt. Họ chưa làm các thủ tục trước khi kết hôn đúng theo quy định của pháp luật. Từ đó, việc đăng ký khai sinh cho các con đến tuổi đi học cũng như để quản lý hộ tịch, hộ khẩu gặp nhiều khó khăn. Ông Hoàng Văn Hiếu, Trưởng phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn cho biết thêm.

Phụ nữ Lào lấy chồng sinh con tại bản Ta Đo, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn.

“Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước” đã được ký từ ngày 8/7/2013. Thỏa thuận tạo cơ sở pháp lý để hai nước hợp tác giải quyết cơ bản vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước đã tồn tại từ hàng chục năm nay, góp phần ổn định cư dân biên giới, củng cố an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội.

Tuy nhiên, người dân vùng biên giới vẫn chưa thực sự nắm rõ và thực thi đúng luật định đã thỏa thuận. Bà con nên thực hiện khai báo với chính quyền địa phương, đăng ký kết hôn theo đúng qui định pháp luật để những mối tình “qua sông” đơm hoa kết trái như một sự hợp thức hóa, ổn định được cuộc sống vùng biên hẻo lánh của đồng bào.

Theo Văn Hóa

Nguồn bài viết : TK đầu

Top