Lời yêu từ trái tim

2025-01-17 20:38:19

- Ổng cụt hết hai tay mà cái gì cũng muốn làm. Năm nay sáu mươi tư rồi, tui không cho làm gì nữa. Nghỉ!

Nói nghỉ là nghỉ vậy, chứ ông là người không ngồi một chỗ được. Mỗi ngày đều lọ mọ lo cho bầy gà, vịt ăn. Thêm cỏ cho mấy con bò, rồi quay ra chăm đứa cháu ngoại năm tuổi, lu bu tối ngày. Người vợ có duyên, nét mặt phúc hậu đã tiết lộ một bí mật đời tư, rằng chính bà là người chủ động tìm đến với ông. Năm mười sáu, mười bảy tuổi, cô thôn nữ Phan Thị Rồi nghe các bác, các chú thường ca ngợi về lòng dũng cảm của anh lính Phan Văn Gởi, dám liều mình bung nắp hầm bí mật tiêu diệt địch để bảo vệ cán bộ và đồng đội, bị địch bắn nát bàn tay trái mà vẫn kiên cường chiến đấu. Ai cũng coi đó là hành động anh hùng.

- Hồi đó ổng là người trong mộng của tui đó, mà có biết mặt nhau đâu. Sau giải phóng mới gặp được thì ổng cụt luôn cánh tay phải rồi.

Ông nói năm đó gặp cô Rồi, thấy người ta vừa đẹp vừa giỏi thì mình thiếu tự tin, rồi tránh né. Dù có tới bốn bằng diệt Mỹ và xe cơ giới, thành tích đầy mình, đem so sánh với người đẹp vẫn không giống ai. Cứ nói “mỹ nhân gặp anh hùng” ở đâu, chứ với Ba Gởi tay như vầy, mặc cảm lắm. Vậy mà cô Rồi “cưa” đổ, nói thương thực lòng, như kiểu ngày xưa các mỹ nữ đem lòng cảm phục, yêu mến những người quân tử, anh hùng vậy. Một chiều năm 1976, Ba Gởi và một người bạn thương binh mù, dắt díu nhau trên con lộ đất gập ghềnh về Phước Đông, Gò Dầu, Tây Ninh. Hình ảnh đó làm cô thôn nữ quặn lòng. Sau khi Ba Gởi rời trại thương binh về nhà, cô hối làm đám cưới liền.

Cưới xong, từ năm 1977 tới năm 1986, hai vợ chồng sinh liền năm người con, hai trai, ba gái. Thời gian đó thực sự là thử thách lớn với người vợ đảm đang, trung hậu, vừa là dịp để người chồng thể hiện ý chí “anh hùng” của mình giữa đời thường. Gian khổ trần ai, vì quê hương vừa qua khỏi hai cuộc chiến tranh. Mỹ cút xong thì Khmer Đỏ tới. Chiến tranh bầm dập đất đai, con người, nhất là với gia đình thương binh bậc 1/4 như Ba Gởi. Cấy lúa, trồng mì, nuôi heo, nhà nông nên đụng việc gì làm việc nấy, miễn là có gạo rau nuôi con. Vì ở chung với ba mẹ chồng, nên trách nhiệm của đôi vợ chồng càng nặng nề hơn, vừa làm con báo hiếu ba mẹ, vừa làm cha mẹ nuôi các con nhỏ. Bà kể:

- Chín năm trời tôi không dám xài tiền trợ cấp thương binh của ổng. Để dành nuôi ba mẹ chồng. Sau nầy ông bà nội qua đời, số tiền đó mới được chuyển qua nuôi bầy trẻ.

Ông bà Ba Gởi vui cùng con cháu.

Ông lắc đầu, cười buồn:

- Nhằm nhò gì! Tiếp đó còn hai thằng em trai. Thằng Tư bệnh dầm dề rồi cũng không qua khỏi. Thằng Út bị tai nạn giao thông nằm một chỗ rồi cũng chết. Lúc đó, mình phải nghị lực lắm để khỏi gục xuống vì tuyệt vọng. Tôi biết ơn má sắp nhỏ vì bả hết lòng gánh vác việc nhà chồng.

Bữa cơm đãi khách được ông Ba Gởi bày dưới tán cây xanh mát ở góc sân. Thịt gà rang lá giang chua, rau cỏ trồng trong vườn nhà, canh chua cá lóc hấp dẫn, ngon miệng được bàn tay nội trợ khéo léo của bà Ba chế biến. Nhìn ông Ba Gởi dùng ngón tay còn lại giữ muỗng, tự xúc cơm ăn, thấy thương quá. Ông không muốn mình là người tàn phế. Cuộc đấu tranh trong thời chiến và cả trong thời bình luôn thúc đẩy nghị lực trong ông bằng những việc quá sức mình. Bà tâm sự:

- Hồi các con còn nhỏ, ổng lo cho tui lắm, chỉ sợ vợ cực khổ. Mùa gặt, nước ngập ruộng, một mình ổng vác lúa lên xuồng.

- Làm sao ảnh vác lúa được?

- Thì tụi tui cứ bó sẵn từng bó lớn, bốc lên vai cho ổng, rồi với cánh tay trái cụt ngón đó, ổng giữ chặt bó lúa, bì bõm lội đi. Thấy tội lắm, nói nghỉ đi mà không nghe.

Sau này ông Ba Gởi lãnh nhiệm vụ chăn đàn bò của nhà. Được chăm sóc tốt đàn bò ấy sinh con, sinh cháu, bán đi có tiền nuôi cả năm đứa con của anh chị học tới đại học. Người dũng sĩ năm nào, ốm tong teo, da đen sạm, suốt ngày rong bò từ trảng này qua cánh đồng nọ. Một người phụ nữ dám hy sinh tuổi xuân cho mình, dám ghé vai gánh nặng gia đình với mình, tại sao mình không xả thân vì người ta, ông Ba Gởi tâm niệm vậy.

Người ta còn hai cánh tay mà có lúc còn mệt mỏi vì lao động nặng nhọc, huống hồ ông còn chưa trọn cánh tay. Những lúc gồng mình ôm khúc cây chuối về xắt cho vịt, lệch người ôm bao gạo, bao phân, bó củi… cơ thể mất cân bằng, đau nhức, còn ê ẩm sau đó ba bốn ngày, ông vẫn ráng làm, cắn răng lại chịu đau, tất cả cũng vì muốn chia sẻ với vợ, giữ cho gia đình không thiếu đói. Biết chồng là người đàn ông bản lĩnh, nhưng sức khỏe ông ra sao thì bà cũng rành “sáu câu”, dù ông luôn cười tươi, luôn nói mình vẫn bình thường. Nên bà mới khéo léo “đẩy” chồng qua công việc nhẹ hơn như chăn bò, nuôi vịt xiêm: “Chớ tánh ổng lì lắm. Muốn gì là làm bằng được”.

Ước vọng của ông bà là mấy người con phải được học hành tới nơi, tới chốn. Từ những năm cuối thập kỉ bảy mươi, đất nước còn khó khăn chung, lo có cơm gạo hàng ngày cũng đã “oải”, huống chi việc học hành của con nhỏ. Ba người con đầu là Phan Văn Giản (SN 1977); Phan Thị Trang (SN 1979); Phan Thị Hoàng (SN 1981) đều sinh ra, lớn lên trong thời điểm đó, và vẫn được ba mẹ tạo điều kiện tốt nhất để tới trường.

Hai người con Phan Văn Trung (SN 1984) và Phan Thị Kiên (SN 1986) sau này đỡ cực hơn các anh chị vì kinh tế gia đình ổn định. Kết quả từ sự lao động hết mình của người vợ đảm đang và người chồng thương binh không muốn mình tàn phế là các con đều tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định, người công tác trong lực lượng công an nhân dân, người là giáo viên, người là bộ đội.

Trong buổi gặp mặt gia đình, cô gái út Phan Thị Kiên, hiện là Bí thư Huyện đoàn huyện Gò Dầu, chia sẻ với tôi:

- Ai đó muốn lấy nhà văn, doanh nhân hoặc những người nổi tiếng làm thần tượng. Riêng em, thần tượng cuộc đời chính là tình yêu của ba mẹ, nhất là ba - người “anh hùng” trong mắt các con.

Theo Phụ nữ TP.HCM

Nguồn bài viết : Tải game Baccarat

Top