Theo ngôn ngữ địa phương, Ima Keithel có nghĩa là “chợ của những bà mẹ”. Đây là khu chợ chỉ toàn phụ nữ bán hàng lớn nhất châu Á, với khoảng 4.000 nữ thương nhân, phục vụ hàng nghìn lượt khách mỗi ngày. Ngoài ra, khu chợ cũng là nơi để người dân tụ họp, thảo luận về các vấn đề chính trị – xã hội quan trọng của đất nước.
Khu chợ được hình thành từ nhiều thế kỷ trước, vào thời đại Manipur còn được cai trị bởi các vị vua. Khi đó, truyền thống “Lallup” vẫn được duy trì từ đời này sang đời khác, yêu cầu những nam công dân thuộc cộng đồng người Meitei ở địa phương phải phục vụ quốc vương mỗi khi được triệu tập.
Vì thế, cánh phụ nữ trong gia đình sẽ chịu trách nhiệm nuôi con và buôn bán. Dần dà, mọi người quen với nếp suy nghĩ này, và những thế hệ thương nhân nữ cứ nối tiếp nhau, giành hết vị trí của các đấng mày râu trong ngành kinh doanh. Điều thú vị là, cho đến nay, chỉ có phụ nữ đã lập gia đình mới được phép buôn bán tại chợ.
Suốt hàng trăm năm qua, khu chợ bị nhiều thế lực khác nhau gây áp lực bắt phải thay đổi, với mục đích kiểm soát thương mại địa phương và làm giảm tính độc lập tự chủ của phụ nữ Manipur. Tuy nhiên, những nữ nhân mạnh mẽ đã đứng vững trước mọi sức ép.
Trong thời kỳ Ấn Độ còn là thuộc địa của Anh, phụ nữ địa phương đã 2 lần đứng lên tổ chức các cuộc “Nupi Lal” (chiến tranh của phụ nữ) vào năm 1904 và 1939. Đến khi Ấn Độ giành được độc lập vào năm 1947, họ tiếp tục bị đe dọa phải di dời khỏi Ima Keithel, nhưng phụ nữ Manipur vẫn kiên cường trụ vững.
Hoạt động buôn bán ở Ima Keithel chỉ bị gián đoạn hoàn toàn trong một giai đoạn hồi Thế chiến II, khi nơi đây trở thành chiến trường đẫm máu giữa quân đội Anh và phát xít Nhật.
Thậm chí, hồi năm 2003, lúc chính quyền địa phương lên kế hoạch giải tán chợ và thay thế bằng một siêu thị hiện đại hơn, toàn bộ giới thương nhân phụ nữ đã đoàn kết phản đối quyết định này, và cuối cùng nhà chức trách đã phải chịu thua.
Giờ đây, Ima Keithel càng trở nên khang trang với 4 tòa nhà lớn được xây dựng từ nguồn vốn của chính phủ. Khu chợ trở thành nơi tụ họp của rất nhiều thành phần thương nhân khác nhau về sắc tộc và tôn giáo, cùng với lượng du khách lớn từ khắp nơi trên thế giới đổ về.
Ở Ima Keithel, phụ nữ buôn bán rất nhiều loại hàng hóa. Có một tòa nhà được dành riêng cho việc mua bán trái cây và rau quả, trong khi những tòa còn lại là khu vực của đồ thủ công mỹ nghệ và đồ trang sức. Hầu hết các cửa hàng đều được truyền từ đời mẹ sang đời con gái, qua nhiều thế hệ.
“Tôi đang ngồi bán hàng tại cùng một nơi mà phụ nữ từ 4 thế hệ trước trong gia đình đã kinh doanh. Đối với hầu hết nữ giới ở đây, nó giống như là kiểu doanh nghiệp gia đình” – bà cụ Anoubi Dei, một thương nhân 81 tuổi, cho biết.
Theo nghiên cứu, hầu hết các nữ chủ nhân tại chợ Ima Keithel kiếm được khoảng 1.000–2.000 USD/năm. Mặc dù rất chăm chỉ làm ăn, nhưng lợi nhuận mà họ thu được không cao, trong khi thị trường vẫn đang bị đe dọa bởi sự xâm nhập quy mô lớn của các sản phẩm giá rẻ và công nghệ mới từ trong và ngoài nước.
Tiến sĩ Shristi Pukhrem nhận định: “Loại hình chuỗi cửa hàng bán lẻ, hàng hóa nhập khẩu với giá cả cạnh tranh đang tác động tiêu cực đến sản phẩm trong nước và thị trường bản địa. Bên cạnh đó, giới nữ thương nhân đang phải đối mặt với thách thức không nhỏ từ những kẻ cho vay nặng lãi ở địa phương”.
Tuy nhiên, bà Pukhrem vẫn bày tỏ kỳ vọng lớn lao vào tương lai của Ima Keithel như là “biểu tượng cho quyền lực của phụ nữ Manipur” trong xã hội hiện tại và tương lai.
“Sự tiên phong làm chủ doanh nghiệp của phụ nữ tại Ima Keithel không chỉ đơn thuần chỉ là các nhà cung cấp nhỏ. Họ là thành phần cốt lõi trong nền kinh tế, văn hóa và chính trị của Manipur. Phụ nữ chúng tôi đã có thể kế thừa và phát huy truyền thống lâu đời cũng như nếp sống của người dân địa phương. Đó cũng là tinh thần mạnh mẽ của phụ nữ Manipur, nhằm giúp cho xã hội tiến bộ hơn” – nữ tiến sĩ này nhấn mạnh thêm.
Hồng Anh
Nguồn bài viết : CR Thể Thao