Từ năm 2011, cuộc nội chiến tại Syria đã cướp đi sinh mạng của khoảng 200.000 người, đồng thời khiến gần 4 triệu người khác phải trốn chạy khỏi quê hương. Trong số đó, có tới hàng nghìn trẻ em.
Tuổi thơ của hầu hết các em không được học hành đầy đủ, thiếu vắng những khoảnh khắc vui tươi hồn nhiên như bạn bè cùng trang lứa. Tất cả hồi ức của những đứa trẻ này chỉ toàn là bom đạn, mất mát, đau thương.
Giờ đây, nhiều em buộc phải cùng cha mẹ rong ruổi tới các nước châu Âu để xin lánh nạn. Cũng có những em kém may mắn hơn, sống lang thang vạ vật trên đường phố sau khi người thân yêu đã mãi mãi ra đi trong mưa bom bão đạn.
Những hình ảnh dưới đây mang đến một cái nhìn bi thảm về cuộc sống của trẻ em tị nạn Syria, thông qua giấc ngủ hiếm hoi của các em.
Abdul Karim (17 tuổi) ngủ trên đường phố ở Athens (Hy Lạp). Cậu thiếu niên di cư người Syria không còn tiền, sau khi dùng những đồng euro cuối cùng để mua vé phà tới thành phố này. Hiện tại, Abdul chỉ mong ước hai điều đơn giản là được ngủ trên giường và ôm em gái bé nhỏ của mình.
Ahmad (7 tuổi) ngủ ngay trên vỉa hè tại khu vực biên giới giữa Hungary và Áo. Sau khi rời bỏ nhà ở Idlib (Syria), gia đình cậu bé phải ngủ vạ vật tại bến xe bus, trên đường và trong rừng suốt hành trình di cư. Ahmad hiện vẫn bị thương ở đầu sau một trận ném bom đã khiến em trai cậu bé thiệt mạng.
Abdullah (5 tuổi) nằm dài trên tấm nệm bẩn thỉu, bên ngoài nhà ga trung tâm ở Belgrade (Serbia). Cậu bé bị bệnh về máu nhưng mẹ cậu không có đủ tiền để mua thuốc. Ngoài ra, Abdullah còn bị những cơn ác mộng về cái chết của em gái hành hạ mỗi ngày.
Đêm này qua đêm khác, 2 bé gái Ralia (7 tuổi) và Rahaf (13 tuổi) cùng bố ngủ trên tấm bìa carton ngoài đường ở thành phố Beirut (Lebanon). Mẹ và anh trai của 2 em đã thiệt mạng do trúng đạn pháo ở quê nhà Damascus (Syria).
Bé Ahmed (6 tuổi), ngủ ngay trên bãi cỏ ở Horgos (Serbia). Cậu bé di cư cùng với người chú sau khi bố Ahmed qua đời tại Deir ez-Zor (Syria).
Gulistan (6 tuổi) kể rằng em đã bị mất gối ngủ ở Kobane (Syria). Hàng đêm, cô bé đối mặt với những cơn ác mộng khi đang lánh nạn tại thành phố Suruc (Thổ Nhĩ Kỳ).
Một bà mẹ người Syria nằm ngủ với 3 đứa con nhỏ: Esra (11 tuổi), Esma (8 tuổi) và Sidra (6 tuổi) tại một trại tị nạn ở Majdal Anjar (Lebanon). Cô không ngừng mơ về người chồng đã mất tích, sau khi anh bị bắt cóc.
Em bé Sham (1 tuổi) ngủ ngoan trong vòng tay mẹ tại biên giới giữa Serbia và Áo. Hai mẹ con đang chờ đợi trong tuyệt vọng để được cùng những người di cư khác đi sang Áo.
Shehd (7 tuổi) ngủ trên đường phố Hungary. Em rất thích vẽ, nhưng sau những di chứng tâm lý nơi quê nhà, giờ đây Shehd chỉ toàn vẽ về vũ khí. Gia đình cô bé đang gặp rất nhiều khó khăn vì không đủ tiền để mua thực phẩm.
Hai mẹ con Moyad đang qua đường thì bị trúng bom trong một chiếc taxi. Mẹ em qua đời, còn em thì đang phải làm bạn với giường bệnh.
Mặc dù đã 20 tháng tuổi, nhưng Amir không thể nói. Mẹ cậu bé cho rằng con mình bị tổn thương từ khi mới chỉ là một thai nhi.
Fatima (9 tuổi) là một trong số ít những người di cư tới được Thụy Điển. Nhưng cô bé thường gặp ác mộng do bị ám ảnh bởi những gì đã từng nhìn thấy.
Shiraz (9 tuổi) nằm ngủ trên một chiếc nôi trong trại tị nạn ở Suruc (Thổ Nhĩ Kỳ). Cậu bé bị mắc bệnh máu trắng nhưng gia đình không đủ tiền để chữa trị.
Iman (2 tuổi) đang nằm điều trị viêm phổi và nhiễm trùng tại một bệnh viện ở Jordan. Trước kia, cô bé vốn là một đứa trẻ hoạt bát, thích chơi đùa. Giờ đây, Iman chỉ ngủ li bì suốt ngày.
Fara (2 tuổi) nằm ngủ trong chăn trên một chiếc giường tạm bợ ở Azraq (Jordan). Vốn là một fan hâm mộ bóng đá, hàng đêm bố em chúc ngủ ngon kèm lời thủ thỉ rằng hôm sau Fara sẽ có một quả bóng để chơi đùa.
Tamam (5 tuổi) có thể hồi tưởng lại những trận bom kinh hoàng trút xuống thị trấn quê hương Homs (Syria). Xa nhà đã 2 năm trời, cô bé đang nằm ngủ tại Azraq (Jordan).
Juliana (2 tuổi) nằm ngủ ngay trên cánh đồng ở Serbia. Bé gái và gia đình đã đi bộ suốt 2 ngày dọc những con đường của nước này để cố gắng vượt biên sang Áo.
Maram (8 tuổi) ngủ trên một chiếc giường tạm ở Amman (Jordan). Cô bé cùng với gia đình từng bị trúng một quả tên lửa. Sau 11 ngày hôn mê, giờ đây Maram đã tỉnh lại nhưng không thể nói được nữa vì một bên hàm đã bị hỏng.
Mohammed (13 tuổi) nằm nghỉ trên giường do gần kiệt sức khi tới Nizip (Thổ Nhĩ Kỳ). Cậu bé mơ ước một ngày nào đó có thể trở thành kiến trúc sư.
Walaa (5 tuổi) luôn sợ hãi khi nhìn thấy chiếc gối ngủ của mình vì nó gợi lại ký ức khủng khiếp tại thành phố quê hương Aleppo (Syria).
Lamar (5 tuổi) ngủ trong rừng gần Horgos (Serbia). Sau khi bị trúng bom, cả gia đình em đã phải lên đường lánh nạn. Trải qua 2 lần vượt biển trên một chiếc xuồng cao su nhỏ, họ vừa mới đến được biên giới Hungary – Serbia.
Hồng Anh
Nguồn bài viết : TK Keno cơ bản