Chuyên đề cơ sở

Việt Nam - Singapore: kết nối, hội nhập và cùng phát triển

2024-12-20 19:00:20
Kết nối, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp của Singapore cho doanh nghiệp trẻ Việt Nam
Singapore luôn hoan nghênh những mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam

Thời Đại trân trọng giới thiệu bài viết của Đại sứ Nguyễn Đức Hùng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội hữu nghị Việt Nam - Singapore, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Singapore nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm ngày thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Singapore.

Những tương đồng về lợi ích chiến lược

Đối với Việt Nam, tư tưởng “làm bạn với tất cả các nước” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố từ những năm đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đường lối ngoại giao Việt Nam đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên đề cập đến tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (tháng 8/2016 ): "hoạt động đối ngoại đã làm nên nhiều thành tích vẻ vang, xây dựng nên một trường phái ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" - mềm mại mà cứng cỏi, nhân ái mà quật cường, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người…” và tái khẳng định tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (tháng 12/2021): “chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển", thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”.

Đại sứ Nguyễn Đức Hùng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội hữu nghị Việt Nam - Singapore (Ảnh: NVCC).

Đối với Singapore, thế giới quan của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã và đang để lại dấu ấn và ảnh hưởng sâu đậm. Theo GS Ang Cheng Guan, trưởng khoa Nghiên cứu Quốc tế, trường S.Rajaratnam, Đại học NTU Singapore, ông Lý Quang Diệu nhìn thấy sự tồn tại của các quốc gia nhỏ như Singapore luôn gắn với sự ổn định và thịnh vượng của láng giềng và sự cân bằng năng động cùng tương tác kinh tế giữa các cường quốc.

Ông kiên định với các nguyên tắc cơ bản trong triết lý đối ngoại: Singapore cần linh hoạt và tỉnh táo trong bất kỳ sự dàn xếp hay thay đổi cán cân quyền lực nào và cũng hết sức nhất quán trong quan điểm về cân bằng quyền lực, mối tương liên giữa kinh tế - chính trị và vai trò của các cường quốc trong hệ thống quan hệ quốc tế.

Thủ tướng Lý Hiển Long, người kế tục xuất sắc sự nghiệp của ông Lý Quang Diệu, trong bài nói về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của Singapore (ngày 27/11/2015) cho biết: Chính sách đối ngoại của Singapore là cân bằng giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lý tưởng, hiểu rõ đâu là lợi ích căn bản và thực ra những lợi ích này không thay đổi trong suốt 50 năm qua. Đó là: hòa bình thế giới; một trật tự quốc tế mà trong đó các nước tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế; thiết lập một mạng lưới bạn bè và đồng minh mà Singapore có thể cùng làm việc; có một khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, ổn định và an toàn; và cuối cùng là giữ vững chủ quyền và quyền quyết định tương lai của đất nước.

Trên bình diện quốc tế, Singapore phải là thành viên chủ động, xây dựng, tìm cách mang lại các giá trị gia tăng cho cộng đồng quốc tế và làm cho đất nước Singapore quan trọng với các nước khác. Trong khu vực, Singapore phải tìm ra mục tiêu chung với các nước láng giềng. Sự thành công của Singapore, dù ở trong hay ngoài nước, đều phụ thuộc vào sự đoàn kết toàn dân và có niềm tin vững chắc rằng Singapore sẽ đủ sức trường tồn và nổi trội.

Hợp tác kinh tế Việt Nam – Singapore: điểm sáng trong khu vực

Sự tương đồng về tầm nhìn xa của lãnh đạo hai nước đối với vận mệnh mỗi nước và tương lai khu vực, về lợi ích chiến lược của mỗi nước trong bối cảnh những biến chuyển mạnh mẽ về địa - chính trị, địa - kinh tế, về tinh thần tự lực tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của hai dân tộc đã trở thành mẫu số chung, động lực to lớn tạo bước đi vững chắc trong quan hệ hai nước suốt nửa thế kỷ qua, đặc biệt trong những thập kỷ đầu thế kỷ 21.

Đại sứ Nguyễn Đức Hùng (thứ sáu từ trái sang) cùng Đoàn công tác Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam tham quan Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc hồi tháng 5/2023 (Ảnh: Thành Luân).

Singapore là đối tác kinh tế quan trọng, hiện đứng đầu ASEAN và thứ hai thế giới về đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn 70,8 tỉ USD, chiếm 22,9% tổng vốn FDI đăng ký. Các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) tiếp tục hoạt động rất hiệu quả và là biểu tượng của thành công trong hợp tác đầu tư. Hiện có 12 VSIP tại 9 tỉnh, thành phố của Việt Nam với tổng diện tích khoảng 7.517ha. Các VSIP đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy cao, thu hút được 17,6 tỷ USD tổng vốn đầu tư, tạo việc làm cho gần 300.000 lao động trực tiếp.

Mới đây, hai bên đã hợp tác khởi công xây dựng Cảng cạn (Superport) ở huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc - dự án góp phần tiếp nhận, thông quan và giải phóng hàng hoá nhanh qua đường hàng không, đường bộ và đường thủy, là dự án thuộc mạng lưới kho bến thông minh ASEAN (Asean Smart Logistic Network). Sau VSIP, Superport có thể sẽ là câu chuyện thành công, biểu tượng mới của hợp tác kết nối kinh tế giữa hai nước.

Việt Nam và Singapore đều là thành viên của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Trên cơ sở nhận thức chung về tính bổ trợ của hai nền kinh tế, hai bên thúc đẩy các hiệp định thương mại mà Việt Nam và Singapore cùng tham gia nhằm tăng cường hợp tác, đóng góp vào quá trình hồi phục kinh tế của mỗi nước, cũng như của khu vực hậu đại dịch.

Trên các diễn đàn đa phương, Việt Nam và Singapore phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức, diễn đàn đa phương, như Liên hợp quốc, ASEAN, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)… cũng như trong các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm. Hai bên khẳng định quyết tâm đóng góp tích cực, xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm và tiếng nói chung của Hiệp hội trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

Quan hệ giao lưu nhân dân giữa hai nước đã được chú trọng từ khi Việt Nam gia nhập ASEAN (1995). Song kể từ khi Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam thành lập Hội hữu nghị Việt Nam - Singapore (VSFA - năm 2014) quan hệ đối ngoại nhân dân với Singapore mới thực sự phát triển mạnh mẽ và ngày càng mở rộng trên cơ sở thực hiện những thỏa thuận hợp tác tạo hành lang pháp lý, cùng với nhiều dự án hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực, từ thiện nguyện, nhân đạo, giáo dục, y tế, giao lưu văn hoá đến hỗ trợ tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại, đầu tư kết nối doanh nghiệp hai bên.

Các chương trình và hoạt động giao lưu nhân dân của VSFA vừa nhằm mục tiêu không ngừng tăng cường hiểu biết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước vừa phục vụ thiết thực các chương trình và những ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và các địa phương nói riêng, góp phần lầm sâu sắc thêm nội dung quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Năm 2023 đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Singapore. Hai nước cùng nhau kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với trọng tâm thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược, trong đó ưu tiên tăng cường tin cậy chính trị, tiếp tục có các biện pháp cụ thể, thiết thực mở rộng và nâng cao hiệu quả kết nối hai nền kinh tế, hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, tạo xung lực mới mạnh mẽ hơn đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới.

Ba yếu tố thiết yếu góp phần bồi đắp tình hữu nghị Việt Nam - Singapore:

Lợi ích quốc gia - dân tộc về tồn tại và phát triển của đất nước ta tương đồng với lợi ích của các đối tác, phù hợp với xu thế phát triển trong bối cảnh những biến đổi mạnh mẽ về địa - chính trị, địa - kinh tế ở Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung.

Sự trùng hợp về lợi ích chiến lược giữ vững môi trường hoà bình, ổn định trong khu vực; mục tiêu đoàn kết, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN và nhu cầu kết nối cùng phát triển bền vững.

Nhu cầu và quyết tâm xây dựng quan hệ đối tác chiến lược làm nền tảng vững chắc lâu dài, tạo ra những cơ hội mới và triển vọng sáng sủa cho quá trình mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác, kết nối giữa hai nền kinh tế và hội nhập quốc tế nói chung của Việt Nam và Singapore.

"Chúng tôi khuyến khích học sinh, sinh viên Việt Nam tiếp cận học bổng của Singapore"
Quỹ Quốc tế Singapore tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực y tế, văn hóa, nguồn nước tại Việt Nam
Top