Việt Nam trở thành đối tác thặng dư thương mại lớn nhất của Hàn Quốc |
Hà Nội - Seoul rực sáng trong tối kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt - Hàn |
Tình cảm nồng hậu của người Hàn Quốc
Ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Hàn Quốc, vẫn giữ nguyên ký ức ngày đầu tiên đặt chân đến xứ sở kim chi cách đây 30 năm để nhận nhiệm vụ Trưởng Văn phòng đại diện Việt Nam tại Hàn Quốc. Đó là một ngày vào tháng 11/1992, khi gia đình ông - gồm vợ chồng và hai con nhỏ - đến sân bay đã được đại diện Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đón tiếp nồng hậu. Một cuộc họp báo được tổ chức tại sân bay ngay sau đó. Gạt đi những ngỡ ngàng, lo lắng ban đầu, ông Nguyễn Phú Bình đã trả lời trôi chảy các câu hỏi của phóng viên Hàn Quốc.
"Tôi cảm nhận được tình cảm nồng hậu, sự quan tâm của các nhà báo và những người tôi tiếp xúc, trong đó có các quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc. Khi đó, Việt Nam không có tài sản gì ở Hàn Quốc, trừ một số ngôi nhà chế độ cũ để lại. Phía Hàn Quốc đã giúp sửa chữa nhà cửa để chúng tôi đặt Văn phòng liên lạc ở Hannam-dong", nguyên Đại sứ Nguyễn Phú Bình kể.
Các cựu đại sứ Việt Nam và Hàn Quốc hội ngộ nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (Ảnh: KGS). |
Cuối năm 1992, ông Nguyễn Phú Bình trình thư ủy nhiệm lên Ngoại trưởng Hàn Quốc Lee Sang-ok. Ông Lee tuyên bố Hàn Quốc sẵn sàng thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam, dù hai nước mới thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp văn phòng liên lạc vào tháng 4/1992.
Tháng 12/1992, Ngoại trưởng Lee Sang-ok sang thăm Việt Nam và ngày 22/12/1992 hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ. Ông Nguyễn Phú Bình trở thành Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Hàn Quốc.
Hai cán bộ ngoại giao Hàn Quốc tích cực hỗ trợ ông Nguyễn Phú Bình trong những ngày đầu Việt Nam lập văn phòng liên lạc tại Hàn Quốc là ông Kim Suk-woo, nguyên Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc, khi ấy là Cục trưởng châu Á - Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và ông Cho Won-il, nguyên Đại sứ Hàn Quốc nhiệm kỳ thứ ba tại Việt Nam, khi ấy là Cục trưởng Hợp tác kinh tế - Bộ Ngoại giao Hàn Quốc.
Theo lời kể của ông Bình, năm 1997, ông kết thúc nhiệm kỳ về nước thì ông Chol Won-il được bổ nhiệm làm Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam. Hai người bạn tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ vừa mang tính cá nhân vừa đóng góp vào quan hệ chung của hai nước.
Còn ông Kim Suk-woo sau đó trở thành Bí thư phụ trách lễ tân của Phủ Tổng thống. Ông đã hỗ trợ phía Việt Nam rất nhiều, dẫn đến những chuyến thăm Hàn Quốc thành công của Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào tháng 5/1993 và của Tổng Bí thư Đỗ Mười vào tháng 4/1995.
Đã đi trên 60 nước song chưa có nơi nào khiến ông Trần Trọng Toàn, nguyên Đại sứ Việt Nam nhiệm kỳ thứ 5 tại Hàn Quốc cảm nhận được sự gần gũi, tương đồng với Việt Nam như Hàn Quốc. Ông cho biết, lịch sử giao lưu giữa hai dân tộc Việt - Hàn bắt đầu cách đây hơn 900 năm, khi hai dòng họ Lý của Việt Nam di cư sang Hàn Quốc và trở thành cộng đồng góp phần bảo vệ và phát triển đất nước Hàn Quốc. Tình hữu nghị hai nước tiếp tục được củng cố trong lịch sử hiện đại với quan hệ thân thiết giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và người anh hùng giải phóng dân tộc của Hàn Quốc Baekbeom Kim Gu từ khi hai người hoạt động ở Trùng Khánh (Trung Quốc) vào những năm 1930.
"Sự tương đồng giữa Việt Nam và Hàn Quốc thể hiện trong mọi phương diện: từ địa lý đến lịch sử, văn hóa, nhân chủng học đến mục đích phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Chính những điều ấy đã thúc đẩy hai quốc gia, hahi dân tộc gắn bó. Chỉ trong vòng 30 năm, quan hệ hai nước đã phát triển nhanh chóng, vượt qua hình dung của tất cả mọi người", nguyên Đại sứ Trần Trọng Toàn nói.
Ngạc nhiên trước sự phát triển của Việt Nam
Nhiều cựu cán bộ ngoại giao của Hàn Quốc cũng chung cảm giác bất ngờ trước sự phát triển nhanh chóng của quan hệ Việt - Hàn. Ông Kim Suk-woo, nguyên Thứ trưởng Bộ Thống nhất, Chủ tịch Hội Liên hiệp nhân quyền chia sẻ: "Cách đây 30 năm, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp của Hàn Quốc nói với tôi rằng: Họ đánh giá Việt Nam chắc chắn sẽ thành công. Tôi cũng đã mong đợi, tưởng tượng về sự thành công của Việt Nam nhưng khi đặt chân lên mảnh đất này ngày hôm nay tôi vẫn rất ngạc nhiên trước sự phát triển rực rỡ của Việt Nam, của tình hữu nghị hai nước. Sự phát triển ấy đã vượt quá sức tưởng tượng của tôi".
"Người ta vẫn nhắc đến "kỳ tích sông Hàn" để nói về Hàn Quốc từ một quốc gia nghèo khó trở nên giàu mạnh như thế nào. Tôi tin rằng "kỳ tích sông Hồng" chắc chắn sẽ đến với Việt Nam bởi người Việt Nam chăm chỉ, siêng năng, sáng suốt, đặc biệt là ý chí phát triển rất mạnh mẽ.
Năm 1997, ông Cho Won-il được bổ nhiệm làm Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam. Trong nhiệm kỳ của ông, rất nhiều người Việt Nam đã đến Hàn Quốc học tập và lao động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Hàn Quốc. Cá nhân ông Cho cũng tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp của Hàn Quốc sang Việt Nam đầu tư.
"Với nỗ lực của các đại sứ, đã có rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đến Việt Nam và đến nay số doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam đã lên tới gần 10.000. Tôi rất vui khi Tập đoàn Samsung khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Hà Nội. Việt Nam cần có nhiều trung tâm R&D như vậy để tiếp cận kỹ thuật tiên tiến của các ngành công nghiệp dẫn đầu, nâng cao thu nhập cho người lao động, phát triển kinh tế. Tôi cũng hy vọng chính phủ Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ người Việt Nam sang Hàn Quốc học tập, làm việc, giao lưu về văn hóa để quan hệ hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp hơn", nguyên Đại sứ Cho Won-il nhấn mạnh.
Ông Lý Xương Căn: “Dòng máu Việt đã giúp tôi vượt qua những thách thức” |
Việt Nam - Hàn Quốc: Đi cùng nhau để đi xa |