Tổ chức SCI đề xuất triển khai dự án “Rừng cho trẻ em” tại Cà Mau |
Phòng tư vấn tâm lý cho học sinh |
Chị Phương Linh, cán bộ truyền thông Tổ chức Cứu trợ trẻ em kể với phóng viên tạp chí Thời Đại câu chuyện về Việt Anh, học sinh của một trường THCS đóng trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội). Việt Anh thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh, bánh ngọt, đồ uống có ga nên em nặng cân hơn các bạn cùng trang lứa. Những lần nghe các bạn gọi mình bằng biệt danh "béo", Việt Anh rất ngại ngùng và mặc cảm nhưng em không biết làm cách nào để giảm cân. Sau đó, Việt Anh được tham gia hoạt động về dinh dưỡng phù hợp ở trường trong Dự án “Sức khỏe và dinh dưỡng học đường”. Kiến thức về dinh dưỡng được trang bị đã giúp Việt Anh chủ động điều chỉnh chế độ ăn uống. Em ăn những bừa ăn lành mạnh hơn và đã chịu ăn rau xanh, đồng thời thường xuyên tập thể dục để rèn luyện sức khỏe.
Từ câu chuyện của mình, Việt Anh mong muốn được tham gia vào đội truyền thông để nói với các bạn trong lớp rằng việc cân bằng bữa ăn và những trò chơi (thể dục) phù hợp sẽ giúp các bạn có cuộc sống lành mạnh hơn.
Các em nhỏ tham gia tiết học lồng ghép sức khỏe cộng đồng. |
Một trường hợp khác được cán bộ truyền thông của Tổ chức chia sẻ là chị Nguyễn Hà My - nhân viên y tế một trường Tiểu học tại Tiền Giang. Tốt nghiệp chuyên ngành Y tá nhưng cơ cấu biên chế của trường chưa có vị trí chuyên trách chăm sóc sức khỏe học sinh, nên hơn 70% thời gian làm việc của chị Hà My liên quan đến các công việc hành chính khác. Kiến thức về chăm sóc sức khỏe không được trau dồi, áp dụng thường xuyên có nguy cơ mai một.
Một lần, một học sinh của trường đột nhiên ngất xỉu và ngã ra sân trường trong giờ ra chơi. Ban đầu, các bạn cùng lớp nghĩ là một trò đùa, nhưng sau một lúc không thấy Phú phản ứng, các bạn nhận ra rằng có điều gì đó không ổn. Bạn bè hỗ trợ đưa Phú đến phòng y tế ngay lập tức.
Chị My ra sức nhưng Phú không đáp lại. Phú còn thở nhưng môi tím tái, mắt nhắm nghiền và có một ít chất lỏng chảy ra từ miệng. Trong thời điểm khẩn cấp đó, những kiến thức từ khóa đào tạo sơ cấp cứu trước đó ít tuần đã giúp chị có những thao tác đúng để hỗ trợ Phú. Chị hướng dẫn các bạn học sinh đặt Phú nằm nghiêng rồi nhờ giáo viên khác gọi xe cứu thương. Chị cũng kiểm tra miệng Phú để đảm bảo không có gì mắc kẹt bên trong, lau hết chất lỏng còn sót lại và nới lỏng cổ áo của em. Một lúc sau, Phú tỉnh lại.
“Ngay lúc Phú mở mắt ra, tim tôi như ngừng đập, tôi thở phào nhẹ nhõm”, chị kể. Phú vẫn còn choáng váng và chỉ nhìn xung quanh một lúc. Sau 1-2 phút, Phú phản ứng: “Em ổn ạ”. Xe cứu thương tới, Phú được đưa đến trung tâm y tế gần đó để khám. Kết quả cho thấy sức khỏe của em bình thường. Nguyên nhân sự việc được cho là do em bỏ bữa sáng. Sau đó Phú đã bình phục và quay trở lại trường.
Đó là hai trong số những câu chuyện đổi thay tích cực Dự án “Sức khỏe và dinh dưỡng học đường” đưa đến. Dự án đã được thực hiện ở 3 quốc gia châu Á (bao gồm Trung Quốc, Philippines và Việt Nam) với mục tiêu cải thiện sức khỏe và kết quả học tập của trẻ em trong độ tuổi đi học thông qua việc tăng cường sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng tại trường học. 12 năm triển khai Dự án tại Việt Nam, đã có 122 khu vực rửa tay, nhà vệ sinh, vườn cây dinh dưỡng được cải thiện, 30.000 lớp học lồng ghép kiến thức chăm sóc sức khoẻ răng miệng, sức khoẻ học đường, 460 sự kiện truyền thông, 196 câu lạc bộ được tổ chức...
Phát biểu tại Hội thảo chia sẻ về công tác y tế trường học và tổng kết 12 năm triển khai Dự án “Sức khỏe và dinh dưỡng học đường” ngày 15/3 tại Vĩnh Phúc, bà Lê Thị Thùy Dương, Giám đốc Chiến lược, Chất lượng và Hiệu quả Chương trình, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, các can thiệp của dự án được xây dựng dựa trên nỗ lực chung nhằm thực hiện các Mục tiêu chiến lược quốc gia của Chương trình Sức khỏe học đường qua từng giai đoạn 2011-2015, 2016-2020 và 2021-2025. Không chỉ dừng lại ở các nội dung sức khỏe và dinh dưỡng học đường quen thuộc như: Sức khỏe răng miệng, dinh dưỡng theo độ tuổi, khám sức khỏe định kỳ, bảo vệ thị lực ở trẻ, dự án còn mở rộng với nhiều chủ đề "nóng hổi" đang được quan tâm như: giới và giới tính, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tâm thần, bạo lực học đường trên cơ sở giới...
Hội thảo chia sẻ về công tác y tế trường học và tổng kết Dự án “Sức khỏe và dinh dưỡng học đường” do Tổ chức Cứu trợ trẻ em phối hợp với Quỹ Mars Wrigley tổ chức. |
Theo bà Dương, qua 6 giai đoạn thực hiện, dự án đã hỗ trợ việc cải thiện cơ sở vật chất trường học gồm 122 khu vực rửa tay, nhà vệ sinh, vườn cây dinh dưỡng, tổ chức được hơn 30.000 lớp học lồng ghép kiến thức chăm sóc sức khoẻ răng miệng, sức khoẻ học đường, 460 sự kiện truyền thông cấp trường và tổ chức sinh hoạt với 196 câu lạc bộ.
Theo khảo sát cuối kỳ vào tháng 12/2023, tỷ lệ học sinh, người chăm sóc trẻ và giáo viên có sự cải thiện về kiến thức, thái độ và hành vi chăm sóc sức khỏe sau khi tham gia dự án lần lượt là 70,9%, 49,3% và 50,3%. Riêng trong năm học 2022-2023, tỷ lệ học sinh đánh giá nhà vệ sinh sạch sẽ và an toàn đã tăng 16,4% so với năm trước, và đây cũng là lý do chính giúp tỉ lệ sử dụng nhà vệ sinh tại trường đạt 84,5%.
"Liên kết giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh đã trở thành yếu tố quan trọng, giúp tăng cường thực hành chăm sóc sức khỏe học đường, với 98,6% phụ huynh tham gia chương trình tin nhắn đã chia sẻ và áp dụng các chủ đề này với con tại nhà. Với những kết quả tích cực này, mô hình can thiệp của dự án đã được nhân rộng thêm 142 trường ngoài dự án và nhận được phản hồi tích cực từ các địa phương. Đồng thời, 100% các trường tham gia dự án cam kết duy trì và nhân rộng các hoạt động giáo dục và truyền thông về sức khoẻ học đường trong thời gian tới", bà Dương chia sẻ.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Lê Văn Tuấn – Chuyên viên cấp cao Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục – Đào tạo cho biết: “Bộ Giáo dục & Đào tạo đánh giá cao kết quả đạt được của dự án, cũng như sự hợp tác, hỗ trợ của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đối với Bộ nhằm nâng cao chất lượng y tế học đường trong thời gian qua. Một số thành tựu nổi bật có thể kể đến là việc phối hợp xây dựng và ban hành bộ tài liệu thuộc chương trình “Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho nhân viên y tế trường học” theo Quyết định số 354/QĐ-BGDĐT ngày 22/01/2024, hợp tác xây dựng thông tư số 18/2023-TT-BGDĐT và hỗ trợ tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị về chủ đề y tế trường học. Công tác y tế trường học đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế như Tổ chức Cứu trợ Trẻ em nhằm nâng cao trình độ đội ngũ y tế trường học, cải thiện cơ sở vật chất, tăng cường các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh, cha mẹ và cộng đồng".
Trẻ em Hòa Bình, Lào Cai được hướng dẫn phân loại rác thải |
Tổ chức Cứu trợ Trẻ em: mang cơm có thịt, rau sạch đến với trẻ em vùng cao |