Ông Nguyễn Đức Tài là đồng sáng lập, cựu CEO Tập đoàn Thế Giới Di Động, tuy nhiên đã tuyên bố nhường ghế CEO cho người khác hồi đầu năm nay, chỉ giữ lại chức Chủ tịch HĐQT.
Mỗi người có một giai đoạn lịch sử, phải chấp nhận nó
Tại Đại hội cổ đông thường niên Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) hồi cuối tháng 3/2019, ông Nguyễn Đức Tài thông báo rời ghế CEO của công ty này. Cùng lúc đó, ông Trần Kinh Doanh, cựu CEO Công ty CP Thế Giới Di Động, được nhắm đến cho vị trí CEO của MWG, tức công ty mẹ quản lý tất cả các công ty khác được biết đến của Thế Giới Di Động.
Ông Nguyễn Đức Tài (đứng) cùng với những nhân vật chủ chốt của Thế Giới Di Động tại Đại hội cổ đông công ty năm 2019 - Ảnh: Hải Đăng |
Nói tại thời điểm đó, ông Tài cho biết sắp tới sẽ có quy định người giữ chức Chủ tịch HĐQT của một công ty sẽ không được kiêm nhiệm vị trí CEO, do đó Thế Giới Di Động muốn tiên phong thực hiện trước. Hiện tại các chuỗi bán lẻ và nhiều công ty khác trong ngành, còn nhiều người vẫn đang kiêm nhiệm cả hai chức vụ này.
Tại buổi gặp mặt một số cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 15 năm thành lập, ông Nguyễn Đức Tài cho biết hoàn toàn tin tưởng, và yên tâm với đội ngũ kế thừa, gồm ông Trần Kinh Doanh và ông Đoàn Văn Hiểu Em (sinh năm 1984) đang giữ chức CEO Công ty CP Thế Giới Di Động.
Đang từ một người "hét ra lửa", tập trung quyền lực trong tay, lại là một trong 5 người sáng lập Thế Giới Di Động, vì sao ông Tài có thể rời chiếc ghế quản lý cao nhất của tập đoàn chỉ sau 15 năm?
Trả lời câu hỏi này của PV ICTnews, ông Tài cho biết yên tâm với đội ngũ kế thừa, và cho rằng mỗi người có một giai đoạn lịch sử nhất định, phải hiểu giai đoạn lịch sử của mình.
“Mỗi người có giai đoạn lịch sử của mình. Nếu không tôn trọng giai đoạn lịch sử mà vẫn tiếp tục ở vị trí đó thì sẽ trở thành rào cản cho sự phát triển”, ông Tài phân tích.
Ông Tài cho rằng mình đã góp phần đưa Thế Giới Di Động từ doanh nghiệp nhỏ thành một công ty lớn. Ông Trần Kinh Doanh có vai trò đưa công ty đó ra toàn quốc. Còn ông Đoàn Văn Hiểu Em kế thừa, tiếp tục phát triển chuỗi bán lẻ di động và điện máy.
“Giả sử bây giờ tôi vẫn ở vị trí CEO Thế Giới Di Động, còn anh Doanh vẫn vừa lo bách hoá vừa lo điện máy thì sẽ bị quá tải bởi công việc, dẫn đến cản trở sự phát triển nhanh của Bách hoá Xanh”, ông Tài nói. “Nếu không trao quyền, Bách hoá Xanh và Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh khó phát triển được như hôm nay”.
Hiện nay tại Thế Giới Di Động, ông Tài không còn tham gia công việc điều hành. Vị chủ tịch HĐQT này phụ trách quan hệ với nhà đầu tư, và sẽ tham gia vào các vấn đề nhân sự cấp rất cao.
“Vai trò của tôi tại Thế Giới Di Động hiện nay chủ yếu ở giá trị tinh thần”, ông Tài chia sẻ.
Nếu ông là giá trị tinh thần của Thế Giới Di Động, ai là giá trị tinh thần của ông?
Trả lời PV ICTnews, ông Tài cho biết từ trước đến nay ông chưa thần tượng ai. Người để ông quý, nể thì có, nhưng người cụ thể mà ông thần tượng thì không.
Ông Nguyễn Đức Tài - Ảnh: Hải Đăng |
“Tuy nhiên, bỏ qua khía cạnh tôn giáo, chỉ nói về mặt con người, thì có lẽ tôi thần tượng Chúa”, ông Tài giải thích.
Ông cho rằng hầu hết những quyết sách của ông, những chiến lược kinh doanh của ông đều có nét tương đồng với những lời dạy của Chúa. Ông cho rằng từ hàng ngàn năm trước đã có “người” nghĩ ra các triết lý như vậy để đến hôm nay vẫn áp dụng được thì “người” đó rất tài ba.
“Người có niềm tin tôn giáo thì cho rằng có sự sắp đặt, người không tin thì nghĩ rằng mình may mắn. Tôi cho rằng tôi rất may mắn”, ông Tài chia sẻ.
“Tôi nghĩ rằng tài năng, trí tuệ của mình có được với một nhiệm vụ nào đó. Tài sản tôi có được cũng có ý nghĩa gì đó”. Ông Tài nói cảm thấy tự hào vì mang lại cuộc sống ấm no cho hơn 40 ngàn nhân viên công ty, trong đó nhiều người trở nên giàu có một cách lương thiện.
Ông Tài cùng với Thế Giới Di Động cũng mới lập một công ty chuyên hoạt động từ thiện, để san sẻ khó khăn với những người kém may mắn.
Nguồn bài viết : VR Xổ Số