Thực hiện kế hoạch của Quân chủng Hải quân tổ chức Đoàn công tác số 11 đi thăm quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK-I năm 2024, từ ngày 24-30/4/2024, phóng viên VietnamPlus đã tham gia Đoàn công tác số 11 đi thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I. Đặc biệt, chuyến tàu công tác có sự tham gia của 68 kiều bào đến từ 22 quốc gia trên thế giới. Đây là những cá nhân tiêu biểu cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, có năng lực và tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ chuyến công tác.
Hành trình Tàu 561 đón đoàn công tác xuất phát từ Cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân đến thăm các đảo Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đá Đông B, Đá Tây A, Trường Sa và Nhà giàn DK-I/14.
Trong 6 ngày hành trình, các đại biểu trong Đoàn công tác đã được trải qua nhiều cung bậc của tình cảm. Để rồi, mỗi thành viên trong chúng tôi nhận thức sâu sắc và hiểu rõ hơn về biển, đảo quê hương. Trải qua thực tiễn đó, chúng tôi phần nào cảm nhận được những khó khăn, gian khổ, sự cống hiến hy sinh của các cán bộ, chiến sỹ Hải quân và nhân dân trên đảo. Chúng tôi đã vô cùng cảm động và trân quý các anh - “những người con trung hiếu, kiên cường,” đang ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ “tấm lá chắn - phên giậu” của Tổ quốc.
Chuyến đi là bài học thực tế quý giá đối với các thành viên trong Đoàn công tác. Đến với Trường Sa là “mang ra tình cảm, mang về niềm tin.” Đúng vậy, mỗi người trong chúng tôi giờ đây đều ‘ghi lòng tạc dạ” về “Chủ quyền là thiêng liêng” và cùng tự nguyện, tự giác nâng cao trách nhiệm với biển, đảo Tổ quốc.
Vượt qua hành trình hơn 200 hải lý theo hướng Đông Nam, quần đảo Trường Sa hiện ra trước mắt chúng tôi. Vùng biển đảo thiêng liêng, gắn bó “máu thịt” với “mẹ hiền” - Tổ quốc.
Từ nhiều thế kỷ nay (ít nhất là từ thế kỷ 17), Việt Nam đã xác lập, thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đến nay, Việt Nam và nhiều nước trên thế giới hiện còn lưu giữ nhiều tài liệu, sách cổ, văn bản pháp lý, bản đồ thể hiện việc thực thi chủ quyền của Việt Nam.
Quần đảo Trường Sa gồm hơn 100 hòn đảo đá, cồn san hô và bãi cát, nằm cách thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa khoảng 248 hải lý, cách đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận khoảng 203 hải lý. Quần đảo có một số đảo quan trọng, như Trường Sa, An Bang, Ba Bình, Nam Yết, Loại Ta, Thị Tứ, Song Tử Đông, Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đá Đông B, Đá Tây A… Diện tích toàn bộ phần đất nổi của quần đảo khoảng 3 km2.
Cách đây 49 năm, ngày 29/4/1975, các chiến sỹ Quân chủng Hải quân Việt Nam đã thần tốc, táo bạo, bất ngờ, tranh thủ thời cơ tấn công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Theo luật pháp quốc tế đương thời, Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc đánh chiếm bằng vũ lực vào các năm 1956 và 1974, một số bãi ngầm ở quần đảo Trường Sa bị đánh chiếm vào năm 1988.
Trưởng đoàn công tác số 11, Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân cho biết tình hình trên Biển Đông nói chung và các vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Nước ngoài, trong đó các nước lớn thường xuyên có ý đồ đối với khu vực biển đảo của Việt Nam đang đóng giữ. Trước tình hình đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân và chỉ huy các cấp, các ngành của Quân chủng thường xuyên giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ phải nắm chắc nhiệm vụ và trách nhiệm của mỗi quân nhân đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo.
“Theo đó, các cán bộ, chiến sĩ thường xuyên nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác huấn luyện. Đây là nhiệm vụ quan trọng, để giúp cho cán bộ, chiến sĩ có đủ khả năng và năng lực xử lý các tình huống khi có vấn đề xảy ra,” Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện nhấn mạnh.
Chuẩn Đô đốc chia sẻ rằng các cán bộ, chiến sỹ trên đảo luôn phải cảnh giác, tuần tra, quan sát các vùng biển được phân công bảo vệ. Trường hợp có tình huống phức tạp xảy ra trên biển, các cán bộ, chiến sỹ đảm bảo quán triệt và nắm vững đường lối, quan điểm xử trí của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt không là chủ quan, mắc mưu khi xử lý những tình huống khiến cho tình hình an ninh vùng biển phức tạp thêm.
Theo Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện, nhiệm vụ là phải giữ vững môi trường hòa bình. Đây quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là phải giữ vững các điểm đảo đang đóng quân đồng thời cũng phải giữ vững ổn định môi trường biển. Điều này cũng là yêu cầu rất quan trọng đối với các lực lượng trên quần đảo Trường Sa, để góp phần xây dựng trường hòa bình với các nước trong khu vực.
Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện cũng cho hay về tầm quan trọng của các đoàn công tác đưa người dân đến với các vùng biển, đảo.
“Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân đã tổ chức các chuyến đưa đoàn đại biểu của các cơ quan Trung ương, địa phương và kiều bào nước ngoài ra thăm, kiểm tra và động viên quân dân đóng trên các điểm đảo của quần đảo Trường Sa. Đây là một trong những chủ trương lớn, nhằm để giáo dục cho nhân dân cả nước, các cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng người Việt ở nước ngoài nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước nói chung và đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói riêng,” Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện nói.
Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện cho biết thông qua các chuyến đi này, nhận thức và trách nhiệm công dân của các đại biểu cũng lớn hơn và hiệu quả hơn. Các cơ quan, tập thể, nhân dân và kiều bào ở nước ngoài được tuyên truyền sâu rộng. Thông qua các chuyến đi, nhân dân cả nước và các cơ quan, ban, ngành của Trung ương, địa phương đã huy động các nguồn lực để xây dựng, củng cố các công trình trên biển, đảo. Điều này góp phần nâng cao năng lực của các đơn vị bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
“Các đại biểu đã đến các điểm đảo, trực tiếp đã nhìn thấy và cảm nhận về những đổi thay hàng ngày của biển, đảo. Đây cũng là nguồn cổ vũ, động viên to lớn thứ đối với quân, dân và các lực lượng trên các điểm đảo. Hơn thế nữa, đây cũng là nguồn cổ vũ, động viên đối với hậu phương, gia đình của các cán bộ, chiến sĩ đang đóng quân trên quần đảo trường Sa,” Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện nói
Cùng với đồng bào trong nước, hàng triệu người dân Việt Nam ở nước ngoài cũng luôn hướng về Trường Sa thân yêu. Ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Trưởng Đoàn đại biểu kiều bào trong chuyến công tác, cho biết việc tổ chức các đoàn công tác thăm Trường Sa và Nhà giàn DK-I nhằm góp phần quan trọng trong việc lan tỏa tình yêu quê hương đất nước, biển đảo trong cộng đồng người Việt Nam sống ở nước ngoài. Đây là dịp để bà con được chứng kiến tận mắt quyết tâm và các thành tựu của Đảng và Nhà nước trong việc giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, qua đó tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Thêm vào đó, ông Nguyễn Mạnh Đông nhấn mạnh các chuyến công tác ra Trường Sa là dịp để kiều bào từ nhiều nơi trên thế giới gặp gỡ, giao lưu, gắn kết với nhau và nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trong nước, từ đó góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khẳng định tấm lòng hướng về quê hương, chung tay cùng nhân dân trong nước trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển “quê mẹ” - Việt Nam. Đây cũng chính là tinh thần của Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW và mới đây nhất là Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác Người Việt Nam ở Nước ngoài trong tình hình mới.
“Việc tổ chức Đoàn kiều bào thăm Trường Sa và Nhà giàn DK-I khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam. Điều này góp phần tăng cường đại đoàn kết và hòa hợp dân tộc, giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài cùng chung tay đóng góp vào công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương,” ông Đông nói.
Ông Nguyễn Mạnh Đông cho biết kể từ năm 2012 đến nay, 600 đại biểu kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tới thăm Trường Sa và Nhà giàn DKI. Trong các chuyến đi, bà con đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, đóng góp về cả vật chất và tinh thần, hướng về biển, đảo quê hương. Từ năm 2012-2024, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã quyên góp ủng hộ xây dựng một số công trình trên các điểm đảo, quà là hiện vật và nhu yếu phẩm gửi tặng các điểm đảo và Nhà giàn DK-I. Tổng số tiền ủng hộ lên tới gần 30 tỷ đồng. Bên cạnh đó, kiều bào cũng thành lập các diễn đàn, Câu lạc bộ Trường Sa - Hoàng Sa, Quỹ vì biển đảo Việt Nam… ở nhiều quốc gia như Ba Lan, Pháp, Hàn Quốc, Singapore…. Tại đây, kiều bào đã tăng cường nghiên cứu các biện pháp, sáng chế mới, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Nhiều hội thảo, triển lãm, sáng tác văn, thơ… đã được tổ chức, nhằm khẳng định tình yêu đất nước của kiều bào, góp phần tuyên truyền mạnh mẽ đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế về chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Tham gia trong Đoàn công tác số 11, chị Cao Hồng Vinh, Ủy viên Ban chấp hành Hội người Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan đồng thời là thành viên Ban Liên lạc người Việt Nam tại châu Âu vì biển đảo Việt Nam, cho biết đã rất xúc động và vinh dự được ra thăm Trường Sa và Nhà giàn DK-I.
Chị Vinh chia sẻ đây là lần thứ hai ra tham quan đảo và thật sự vui mừng khi chứng kiến sự “thay da, đổi thịt” về mọi mặt nơi đây. Chị nhấn mạnh sự thay đổi này thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, của toàn dân, toàn quân trong việc khẳng định chủ quyền trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
“Tôi đã có dịp ra thăm Trường Sa vào năm 2012. Từ đó đến nay, các kiều bào trong Đoàn công tác đã có những hoạt động thiết thực, như thành lập các Câu lạc bộ Hoàng Sa-Trường Sa, Câu lạc bộ Yêu biển đảo Việt Nam, các Quỹ vì Trường Sa. Chúng tôi đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học và triển lãm biển đảo Việt Nam, nhằm ủng hộ, lan tỏa tình yêu biển đảo đến cộng đồng người Việt trên toàn cầu và bạn bè quốc tế. Và, mỗi kiều bào sau khi trở về từ các Đoàn công tác sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình trong những hoạt động hướng về Trường Sa thân yêu,” chị Vinh khẳng định./.
Bài 1:
Tình hình trên Biển Đông và các vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là phải giữ vững môi trường hòa bình và ổn định.
Bài 2:
Đảo Sinh Tồn Đông có vị trí quan trọng trong hệ thống phòng thủ trên quần đảo Trường Sa. Các cán bộ, chiến sĩ luôn quán triệt sâu sắc tình hình, nhiệm vụ, tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao.
Bài 3:
Mỗi cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên đảo Len Đao luôn khẳng định quyết tâm vững vàng, không nao núng tinh thần, kiên quyết, kiên trì giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống.
Bài 4:
Nếu đảo Đá Đông hiên ngang giữa biển trời mênh mông, thì đảo Đá Tây lại vững vàng trở thành “căn cứ” an toàn của ngư dân ra khơi suốt dọc vùng duyên hải miền Trung, đến cực Nam của Tổ quốc.
Bài cuối:
Sau những chuyến công tác đến với Trường Sa, mỗi đại biểu ở một vị trí và có những cách riêng lan tỏa về tinh thần yêu thương và trách nhiệm bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.
Bài 1:
Tình hình trên Biển Đông và các vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là phải giữ vững môi trường hòa bình và ổn định.
Bài 2:
Đảo Sinh Tồn Đông có vị trí quan trọng trong hệ thống phòng thủ trên quần đảo Trường Sa. Các cán bộ, chiến sĩ luôn quán triệt sâu sắc tình hình, nhiệm vụ, tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao.
Bài 3:
Mỗi cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên đảo Len Đao luôn khẳng định quyết tâm vững vàng, không nao núng tinh thần, kiên quyết, kiên trì giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống.
Bài 4:
Nếu đảo Đá Đông hiên ngang giữa biển trời mênh mông, thì đảo Đá Tây lại vững vàng trở thành “căn cứ” an toàn của ngư dân ra khơi suốt dọc vùng duyên hải miền Trung, đến cực Nam của Tổ quốc.
Bài cuối:
Sau những chuyến công tác đến với Trường Sa, mỗi đại biểu ở một vị trí và có những cách riêng lan tỏa về tinh thần yêu thương và trách nhiệm bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.