Những vấn đề này được xới lên tại buổi giao ban với sở, ngành, quận, huyện về công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý chủ trì chiều 10/10.
Tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp
Năm 2017, TP giao chỉ tiêu xây dựng 80 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó, mầm non 29 trường, tiểu học 22 trường, THCS 22 trường và THPT 7 trường. Tính đến tháng 10/2017, tổng số trường được kiểm tra thẩm định công nhận là 17 trường, đạt 21,5% kế hoạch. Một số quận đã hoàn thành tốt chỉ tiêu TP giao, riêng 7 đơn vị mới thực hiện một phần chỉ tiêu, cụ thể: huyện Ba Vì 2/3, Đông Anh, Đống Đa 1/2… Đặc biệt, có 22 đơn vị chưa hoàn thành chỉ tiêu nào như Ba Đình, Cầu Giấy, Chương Mỹ, Thạch Thất, Ứng Hòa… Lý do các địa phương nêu ra là do khó khăn về kinh phí.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Thu Anh)
Lãnh đạo huyện Phú Xuyên cho biết, đây là một trong những địa phương xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia thấp nhất TP (27,3%). Nguyên nhân là do những năm trước, việc đầu tư cơ sở vật chất khó khăn, ngân sách hỗ trợ cho giáo dục chỉ đủ để xóa phòng học nhờ, tạm và gom điểm trường. “2 năm gần đây tỷ lệ có nâng lên nhưng so với toàn TP vẫn thấp. TP giao xây dựng trường đạt chuẩn là 70% vào cuối 2020, song huyện chỉ dám phấn đấu 50%” - đại diện này cho biết.Tương tự, huyện Ba Vì cũng khó khăn trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, hiện huyện mới đạt 33% trường chuẩn đạt chuẩn. Huyện phấn đấu đến năm 2020 đạt trên 50% trường chuẩn.
Phải làm thực chất
Trước chỉ tiêu đến năm 2020, 70% trường học toàn TP đạt chuẩn quốc gia, câu hỏi đặt ra với Hà Nội là có chấp nhận nợ tiêu chí với những trường đạt chuẩn cũ nay đã đến thời hạn công nhận lại hay không? Tính đến cuối năm 2017, toàn TP có 205 trường học các cấp đến thời điểm cần công nhận lại điều kiện đạt chuẩn quốc gia. Nhưng đến ngày 5/10, TP mới quyết định công nhận lại 24 trường. Danh sách 181 trường còn lại đang xếp hàng với dự kiến khả năng tối đa là 115 trường hoàn thành thủ tục công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn tiếp theo.
Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho biết, huyện có 77 trường, hiện có 44,2% trường đạt chuẩn. Từ năm 2009 đến nay có 13 trường chuẩn quốc gia cần công nhận lại. Riêng trong năm 2017 huyện phải đầu tư, sửa sang cho 7 trường để được công nhận đạt chuẩn lại nhưng kinh phí rất lớn. Đơn cử như trường Tiểu học Phù Lưu Tế thiếu 10 tỷ đồng để hoàn thiện thiết bị dạy học. Năm 2016, huyện này cũng dành hơn 10 tỷ đồng cho các trường cần đầu tư cơ sở vật chất để được công nhận đạt chuẩn lại nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Hiện vẫn còn trường nợ hạng mục để được công nhận lại. Việc tìm nguồn phân bổ kinh phí cho 13 trường chuẩn quốc gia cần công nhận lại đang là bài toán khó cho lãnh đạo địa phương này.
Lãnh đạo UBND huyện Thanh Oai cũng cho biết, việc đầu tư để các trường đạt chuẩn quốc gia cũ được công nhận lại là không khả thi nếu chỉ bổ sung kinh phí sửa chữa, nâng cấp. Có những trường xuống cấp nhiều, muốn đạt chuẩn chỉ có thể đầu tư xây mới. Hiện, Thanh Oai còn tới 16 trường chuẩn quốc gia cũ cần phải công nhận lại.
Trước phản ánh của các quận, huyện về khó khăn trong việc công nhận lại những trường đạt chuẩn quốc gia cũ, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết, TP yêu cầu Sở GD&ĐT thẩm tra đúng điều kiện đạt chuẩn thì mới công nhận lại. Dù sẽ không hoàn thành kế hoạch nhưng không thể vì chỉ tiêu mà làm không thực chất. “Sở GD&ĐT cần có giải pháp thực hiện chỉ tiêu 70% trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020. Riêng với các trường công nhận lại, nếu đủ điều kiện thì công nhận. Đến thời điểm công nhận lại mà không đủ điều kiện thì phải đưa ra khỏi danh sách trường chuẩn quốc gia và công bố công khai để các quận, huyện quan tâm, đầu tư đúng mức đối với chỉ tiêu này” - Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý chỉ đạo.
Theo Kinh tế & Đô thị