Sáng 18/4, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng. Các đại biểu chất vấn nhiều nội dung, trong đó có vấn đề giải pháp cơ bản để nâng cao hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, từ tháng 1/2017, Bộ LĐ-TB&XH đã chính thức bắt tay thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, Bộ tập trung sửa đổi thể chế, ban hành 37 văn bản khác nhau về giáo dục nghề nghiệp...
Về giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 10 nhóm giải pháp cơ bản: Xây dựng các chuẩn giáo dục nghề nghiệp; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào GDNN; đổi mới cơ chế hoạt động cơ sở GDNN theo hướng tăng cạnh tranh, tự chủ, bảo đảm hiệu quả; đổi mới chương trình tuyển sinh; tổ chức đào tạo và đánh giá kết quả đào tạo; tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng nhu cầu đổi mới nâng cao chất lượng GDNN; quản lý chất lượng GDNN; tăng cường quản lý nhà nước GDNN; tăng cường truyền thông.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) đề cập đến việc thanh niên học nghề nhưng ra trường lại không có việc làm và đặt câu hỏi: “Bộ trưởng có giải pháp giải quyết tình trạng này thế nào?”.
Theo Bộ trưởng Dung, trong 10 nhóm giải pháp trên, Bộ tập trung vào 3 đột phá nhằm giải quyết tốt hơn vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi ra trường gồm.
Thứ nhất, tăng cường tự chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Việc này nhằm khuyến khích các trường hạch toán như doanh nghiệp, tự đào tạo, tự quyết định bộ máy, mã ngành.
Ông Đào Ngọc Dung cho biết, từ nay tới năm 2020, ngân sách Nhà nước giảm 7% khi chi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, để các cơ sở tăng cường tính tự chủ.
Thứ hai, tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo. Cụ thể, doanh nghiệp được tham gia ký kết với cơ sở giáo dục trong giảng dạy, thực thành, thực tập (có trả lương cho học sinh, sinh viên) và tiếp nhận sinh viên ngay khi ra trường. “Hiện đã có 6 trường đào tạo nghề cam kết sinh viên ra trường thì sẽ có việc làm. Nếu không có việc làm, trường hoàn tiền lại cho sinh viên”, ông Dung chia sẻ.
Thứ ba, tập trung nâng cao chất lượng của giáo dục nghề nghiệp để hệ thống này tiếp cận được chuẩn giáo dục đào tạo nghề của quốc tế thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế để xác định chuẩn kiểm định nghề và chuẩn của giáo viên dạy nghề.
Ông Đào Ngọc Dung bày tỏ quan điểm, đào tạo nghề phải dự báo được việc làm và mức thu nhập. Chủ tịch UBND địa phương là người phải chịu trách nhiệm về việc này. Nếu không xác định được thì không tổ chức thực hiện đào tạo nghề.
Minh Anh