Vì sao hơn 95% giáo viên vẫn than phiền về Thông tư 30?

{?$detail['time']}

Ngày 20/5, tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật đã tổ chức diễn đàn khoa học "Đánh giá kết quả 01 năm thực hiện Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT", về quy định đánh giá học sinh tiểu học.

Đa phần các ý kiến của các đại biểu đều đồng tình với tinh thần của Thông tư 30 về mặt chủ trương thậm chí nhiều ý kiến ca ngợi Thông tư 30 mang đầy tính nhân văn.

Có ý kiến còn cho rằng, việc áp dụng Thông tư 30 là một bước tiến, một sự tiến bộ làm thay đổi nhận thức của nhiều người về cách đánh giá nhận xét học sinh một cách toàn diện nhất.

Trong khi các chuyên gia, các nhà quản lý hết lời ca ngợi thì đa phần các thầy cô giáo trực tiếp thực hiện lại không đồng lòng và không ít học sinh, phụ huynh – những người trực tiếp thụ hưởng tính nhân văn, tiến bộ ấy lại không ủng hộ.

Tại sao giáo viên thấy áp lực, phụ huynh, học sinh lại không ủng hộ, trong bài viết này, cô giáo Đỗ Quyên chỉ ra điều này:

Không ít ý kiến cho rằng, giáo viên không đồng lòng với Thông tư 30 vì họ sợ thay đổi, sợ khổ.

Còn phụ huynh không ủng hộ vì họ chưa hiểu rõ tinh thần của Thông tư?

Nếu chỉ có dăm bảy giáo viên kêu ca, phàn nàn về tính hiệu quả của Thông tư 30 thì quy kết thầy cô ngại khổ, ngại khó và không chịu thay đổi còn có thể chấp nhận.

Vì sao hơn 95% giáo viên vẫn than phiền về Thông tư 30? (Ảnh minh họa)

Nhưng trước đó, để chuẩn bị cho Diễn đàn khoa học "Đánh giá kết quả 01 năm thực hiện Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT", Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam đã giao cho Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, một thành viên của Liên hiệp hội, tiến hành một cuộc khảo sát nhỏ ở một số tỉnh, thành phố về thực trạng thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT.

Cụ thể, là người thực hiện khảo sát thực trạng thực hiện thông tư 30 tại một số tỉnh, thành phố, PGS.TS Vũ Trọng Rỹ đã nêu rõ kết quả khảo sát thực tế: 95,2% số giáo viên được hỏi đều khẳng định: Thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30 giáo viên rất vất vả hơn nhiều so với trước đây, đặc biệt giáo viên ở vùng nông thôn, biểu hiện là mất nhiều thời gian để ghi nhận xét cho từng học sinh và cuối kỳ học, cuối năm học.

Làm sao giáo viên không than phiền khi mà hàng ngày thầy cô dạy tiểu học phải quay cuồng với những lời nhận xét vào vở từng học sinh trong khi các em lại tỏ ra thờ ơ và không hứng thú.

Hàng tháng, trong cuốn sổ theo dõi, thầy cô cũng phải nhận xét đầy đủ rồi đến cuối kỳ, giáo viên nào cũng phải đánh vật với cả chồng học bạ với nhiều thông tin cứ lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng vẫn phải làm.

Rồi cuối năm học thì bình chọn học sinh nổi trội như hiện nay đang gieo vào lòng con trẻ sự ganh đua, đố kị khi từng học sinh được thầy cô khuyến khích nhận xét về bản thân và về bạn của mình.

Nếu giáo viên vất vả mà chất lượng học tập của học sinh ngày càng tiến bộ thì sự hi sinh của các thầy cô giáo là việc nên làm và giáo viên cảm thấy ý nghĩa.

Thế nhưng, kể từ khi thực hiện Thông tư 30, không còn chấm điểm như trước thì học sinh càng lơ là trong việc học, giáo viên đã phải nghe không ít lời than phiền, trách móc từ phía phụ huynh theo kiểu: “Sao cô không chấm điểm mà cứ viết đỏ cả vở của cháu. Cô không chấm điểm nên cháu không chịu học bài ở nhà…”.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận khách quan rằng, sự mệt mỏi, áp lực dồn lên vai thầy cô tiểu học chưa hoàn toàn do Thông tư mà một phần do cách làm cứng nhắc của một số nhà quản lý.

Ví dụ, theo Thông tư 30 quy định về cách nhận xét, đánh giá học sinh có thể bằng lời hoặc bằng cách ghi nhận xét như sau: “Nhận xét bằng lời nói trực tiếp với học sinh hoặc viết nhận xét vào phiếu, vở của học sinh về những kết quả đã làm được hoặc chưa làm được; mức độ hiểu biết và năng lực vận dụng kiến thức; mức độ thành thạo các thao tác, kĩ năng cần thiết, phù hợp với yêu cầu của bài học, hoạt động của học sinh”.

Quy định như vậy nên khi học sinh làm bài sai, thầy cô cần chỉ ra các lỗi và yêu cầu học sinh sửa lại ngay vào vở là được. Cách làm này giúp thầy cô vừa chỉ cho học sinh biết lỗi sai của chính các em mà thầy cô vừa đỡ mất thời gian ngồi ghi nhận xét từng dòng vào vở học sinh.
Nhưng oái oăm thay, nhận xét bằng lời thì không có bằng chứng để lưu lại khi ai đó kiểm tra sách vở học trò.

Đã có nhiều giáo viên bị cấp trên, thanh tra, chuyên viên giáo dục kiểm tra vở học sinh xem giáo viên nhận xét học sinh ra sao, người thì chê nhận xét ít, người thì chê nhận xét còn chung chung…

Vì thế buộc giáo viên phải trau chuốt lời nhận xét cho thật hay, viết thật nhiều để không bị “chiếu tướng”, mà để làm được điều này thì giáo viên phải tranh thủ từng tí thời gian như giờ ra chơi, thời gian nghỉ tiết để nhận xét.

Để giáo viên không còn thấy Thông tư 30 áp lực thì chính các nhà quản lý cần phải thay đổi cách kiểm tra đánh giá của mình với các thầy cô giáo.

Nguồn bài viết : mketqua1.net

Top