Bước phát triển mới trong quan hệ hữu nghị, hợp tác và giao lưu nhân dân Việt Nam – Ma-rốc

2024-12-20 19:36:30
Việt Nam - Ma-rốc: Trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới
Ma-rốc khẳng định sẽ nỗ lực và đột phá trong các nội dung hợp tác xây dựng mối quan hệ hai nước

Ban chấp hành Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Ma-rốc khóa I (2021-2026) ra mắt các đại biểu.

Ma-rốc và Việt Nam đã có mối quan hệ song phương lịch sử tốt đẹp kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1961. Ngày 13/12/2021, tại Hà Nội, Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Ma-rốc, tổ chức thành viên thứ 117 của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam chính thức được thành lập, đánh dấu một cột mốc mới trong thúc đẩy quan hệ giữa hai nước thêm bền chặt và phát triển.

Chú trọng nhiệm vụ đẩy mạnh giao lưu hữu nghị giữa hai nước

Ngày 13/12, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội thành lập Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Ma-rốc. Đại hội đã ra mắt Ban chấp hành Hội và nhất trí bầu ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông giữ chức Chủ tịch Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Ma-rốc khóa I (2021-2026).

Ngoài việc chính thức đưa Hội vào hoạt động, các đại biểu đã trao đổi, xác định, nhất quán phương hướng, nội dung hoạt động của Hội trong khóa I nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, dưới sự chỉ đạo của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội sẽ phối hợp với Đại sứ quán Ma-rốc tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc, các cơ quan hữu quan, các bộ, ngành, đơn vị, các tổ chức của Việt Nam và Hội hữu nghị Ma-rốc – Việt Nam để thực hiện chương trình hoạt động.

Ông Nguyễn Quang Khai, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Ma-rốc trình bày phương hướng, nhiệm vụ của Hội.

"Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Ma-rốc sẽ có nhiệm vụ quan trọng, góp phần cùng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam triển khai tốt đường lối đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng đề ra là xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại; góp phần “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước; đóng góp vào việc phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước", ông Nguyễn Quang Khai, nguyên Đại sứ Việt Nam tại một số nước Trung Đông, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Ma-rốc nhấn mạnh.

Phương hướng của Hội cũng nhấn mạnh: về công tác phát triển Hội, khuyến khích và hỗ trợ các địa phương thành lập Hội; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Hội với các cơ quan, đoàn thể, cơ sở, địa phương để hoạt động Hội đạt được hiệu quả thiết thực; Phát triển hội viên là các doanh nghiệp có quan hệ hợp tác hoặc mong muốn hợp tác với châu Phi; Xây dựng đội ngũ hội viên nòng cốt có nhiệt huyết, điều kiện và năng lực để tổ chức, triển khai các hoạt động của Hội. Đặc biệt, mời các chuyên gia, nhân sỹ, các nhà hoạt động trên các lĩnh vực tham gia công tác Hội.

Hội sẽ đẩy mạnh hơn nữa trong việc giữ mối liên hệ và trao đổi thông tin thường xuyên với Hội hữu nghị Ma-rốc- Việt Nam, Đại sứ quán Ma-rốc tại Việt Nam. Đặc biệt, tranh thủ mở rộng quan hệ với các tổ chức, cá nhân, các nhà hoạt động có uy tín của Ma-rốc để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Hội.

Ngoài ra, Hội cũng sẽ đẩy mạnh công tác giao lưu hữu nghị giữa hai nước thông qua việc tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, kinh tế, giáo dục nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của hai nước. Thường xuyên tổ chức các chuyến thăm và tìm hiểu kinh tế, xã hội địa phương. Hội sẽ làm cầu nối cho các địa phương, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học… của Việt Nam và Ma-rốc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phát triển; thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác, đầu tư, kinh doanh… trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm trên cơ sở cùng có lợi.

Bước phát triển mới trong quan hệ hữu nghị, hợp tác, giao lưu nhân dân Việt Nam - Ma-rốc

Phát biểu tại Đại hội, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam bày tỏ sự tin tưởng về quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam - Ma-rốc sẽ ngày càng bền chặt và phát triển hơn thông qua hoạt động của Hội.

"Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, Việt Nam và Ma-rốc đã tích cực triển khai trao đổi đoàn các cấp, ký kết các hiệp định, thỏa thuận, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục đào tạo, xây dựng mối quan hệ hợp tác và kết nghĩa giữa các địa phương của hai nước. Hội hữu nghị Ma-rốc – Việt Nam cũng đã được thành lập. Việc Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Ma-rốc được thành lập và đi vào hoạt động là một bước phát triển mới trong quan hệ hữu nghị, hợp tác và giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Ma-rốc. Hội sẽ là cầu nối thúc đẩy các hoạt động giao lưu hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, thương mại giữa nhân dân hai nước" - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Phương Nga chia sẻ.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga khẳng định Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ phối hợp và hỗ trợ những hoạt động của Hội để nâng cao hiệu quả hoạt động giao lưu giữa nhân dân hai nước.

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cũng nhấn mạnh: Đại hội XIII của Đảng xác định “Tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả...” Là lực lượng nòng cốt về đối ngoại nhân dân, một trong ba trụ cột của đối ngoại Việt Nam, toàn thể hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị đang tích cực triển khai thực hiện các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga kỳ vọng: Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Ma-rốc là một hội mới, sẽ có những hoạt động mới với nội dung và hình thức phong phú. Nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ mà Hội đã đề ra trong trong nhiệm kỳ đầu tiên, Chủ tịch Nguyễn Phương Nga cũng góp ý bổ sung thêm một số nội dung, cụ thể là:

Hội cần xây dựng chương trình hành động và kế hoạch hoạt động trong nhiệm kỳ, trong đó, chú trọng công tác xây dựng cơ chế phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức đã có quan hệ và kinh nghiệm hoạt động với Ma-rốc như Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị, Viện Nghiên cứu Trung Đông – Châu Phi và Hội Cựu Chiến binh Việt Nam...

Điểm thuận lợi của Hội là đã có đối tác là Hội Hữu nghị Ma-rốc-Việt Nam với Chủ tịch và các hội viên yêu quý Việt Nam, nhiệt tình, tâm huyết, mong muốn góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác và sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Do đó, sau Đại hội, Hội cần nhanh chóng thiết lập quan hệ, sử dụng công nghệ thông tin để giữ mối liên hệ mật thiết, thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm để cùng nhau phối hợp triển khai các hoạt động giao lưu nhân dân phù hợp với tình hình thực tiễn và khả năng có thể.

Đại hội thành lập hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Ma-rốc diễn ra ngày 13/12/2021.

Tích cực hợp tác với hai Đại sứ quán Việt Nam ở Ma-rốc và Ma-rốc tại Việt Nam; Chủ động nghiên cứu, linh hoạt và sáng tạo trong các hình thức hoạt động, gắn hoạt động giao lưu hữu nghị với hoạt động xúc tiến hợp tác kinh tế - thương mại và với cộng đồng người Việt tại Ma-rốc...

Cần chú trọng công tác xây dựng và phát triển tổ chức, mời đại diện các tỉnh, thành phố Việt Nam đã ký kết hợp tác hữu nghị với Ma-rốc tham gia các hoạt động Hội; cùng nhau tìm các giải pháp để nhằm thúc đẩy hợp tác hữu nghị giữa các địa phương của hai nước.

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga tin tưởng Hội sẽ triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa, góp phần vào việc tăng cường sự giao lưu hiểu biết giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Ma-rốc nói riêng và nhân dân các nước châu Phi nói chung. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ phối hợp và hỗ trợ những hoạt động của Hội để nâng cao hiệu quả hoạt động giao lưu giữa nhân dân hai nước.

Đồng cảm trong quá khứ là nền móng cho tương lai

Phát biểu tại Đại hội, ông Jamale Chouaibi, Đại sứ Ma-rốc tại Việt Nam cho biết: hợp tác giữa Ma-rốc và Việt Nam đã có bước phát triển tích cực, cùng chia sẻ một di sản lịch sử phong phú, thể hiện ở những giá trị chung, đặt nền móng vững chắc cho một tương lai thịnh vượng giữa hai nước, vượt qua địa lý và rào cản văn hóa.

Quan hệ giữa nhân dân Ma-rốc và Việt Nam bắt đầu từ những năm 40 của thế kỷ XX khi nhân dân Việt Nam đang tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhận thức được tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, chia sẻ khát vọng hòa bình, nhiều người lính Ma-rốc đã rời bỏ hàng ngũ quân xâm lược để gia nhập quân đội Việt Minh, không ngại gian khổ, hy sinh, sát cánh cùng nhân dân Việt Nam chiến đấu vì độc lập, tự do. Hòa bình lập lại, những người lính Ma-rốc tiếp tục ở lại lao động sản xuất, xây dựng gia đình tại Việt Nam.

ông Jamale Chouaibi, Đại sứ Ma-rốc tại Việt Nam khẳng định hai nước sẽ tiếp tục phối hợp hơn nữa trong tương lai.

Trong năm 2021, hai nước đã diễn ra nhiều cuộc tiếp xúc như: giữa các Bộ trưởng Ngoại giao; giữa Chủ tịch Hạ viện Ma-rốc và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, hội thảo trực tuyến quan trọng về năng lượng tái tạo và mô hình phát triển kinh tế mới của Ma-rốc và Việt Nam. Ngoài ra, dự án do Đại sứ quán Ma-rốc và IFI đồng thực hiện về lịch sử và ký ức được thực hiện bằng cách sản xuất một bộ phim về chuyến tham quan ảo cổng Ma-rốc tại Ba Vì. Bộ phim có chia sẻ xúc động của các cựu binh Ma-rốc đã góp phần tạo nên bản hùng ca kháng chiến chống thực dân của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, việc bổ nhiệm Lãnh sự danh dự Vương quốc Ma-rốc tại Thành phố Hồ Chí Minh mới đây cũng đã tạo động lực mới cho các mối quan hệ thương mại, kinh tế và văn hóa giữa hai nước.

"Cho phép tôi khẳng định quyết tâm của Đại sứ quán trong việc hỗ trợ Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Ma-rốc bằng mọi cách có thể để xây dựng mối quan hệ đối tác vững chắc với Hội hữu nghị Ma-rốc - Việt Nam. Thông qua việc ký kết Biên bản ghi nhớ đề ra một kế hoạch hành động quan trọng để thực hiện trong thời gian tới góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế và giao lưu văn hóa và giáo dục hai nước. Đại sứ quán sẽ phối hợp với Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Ma-rốc trong việc tổ chức các hội thảo và sự kiện có sự tham gia của các học giả và doanh nhân nhằm đạt được mục tiêu chung là củng cố và mở rộng hơn nữa quan hệ đối tác của chúng ta" - Đại sứ Ma-rốc tại Việt Nam khẳng định

Để tăng cường trao đổi giao lưu nhân dân, ông Jamale Chouaibi mong muốn hai nước cùng nhau khởi động hợp tác phi tập trung thông qua việc khuyến khích kết nghĩa giữa các thành phố, cảng biển, trường đại học và các viện chuyên ngành khác. Nhiều dự án đã và đang được triển khai như kết nghĩa giữa thành phố Hồ Chí Minh và Casablanca, Đà Nẵng và Tangiers, Nha Trang và Agadir.

Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Chủ tịch Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Ma-rốc khóa I phát biểu tại Đại hội.

Phát biểu bế mạc Đại hội, ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Ma-rốc khóa I hy vọng và tin tưởng ngoài sự cố gắng và nỗ lực của từng thành viên, Hội cũng sẽ nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan hữu quan, của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Đại sứ quán hai nước để Hội có thể hoàn thành tốt các phương hướng, nhiệm vụ mà Hội đã đề ra, góp phần vun đắp, phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị hợp tác giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Ma-rốc, phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần gìn giữ hoà bình hợp tác hữu nghị và phát triển trong khu vực và thế giới.

60 năm quan hệ Việt Nam - Ma-rốc: Cùng xây dựng những "công trình" kiến tạo có ý nghĩa
Không ngừng thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Ma-rốc ngày càng phát triển
Top