Trường trung cấp Luật Đồng Hới: nuôi dưỡng ước mơ của lưu học sinh Lào

2024-12-20 19:55:39
Bế mạc Đại hội thể thao lưu học sinh Lào toàn thành phố Hà Nội năm 2019 Khai mạc Đại hội thể thao lưu học sinh Lào tại Hà Nội 500 lưu học sinh Lào trải nghiệm homestay Việt Nam

Lar Siripanyo (tỉnh Savannakhet), lưu học sinh Lào đang theo học lớp trung cấp Luật LK2F cho biết, lúc đầu mới sang Việt Nam, em gặp rất nhiều khó khăn trong học tập cũng như trong cuộc sống. Vì không thành thạo tiếng Việt, em không biết làm thế nào để giao tiếp với mọi người. Nhưng nhờ sự chỉ dạy tận tình của thầy cô, nên bây giờ em dần hoàn thiện kỹ năng đọc hiểu tiếng Việt.

Theo học tại trường từ năm 2016, Lar Siripanyo có 1 năm học dự bị tiếng Việt. Để khắc phục những rào cản về ngôn ngữ và hiểu thêm về văn hóa, phong tục Việt, Lar Siripanyo đã tham gia các buổi sinh hoạt do trường tổ chức và về sinh sống tại gia đình các cán bộ, giáo viên trong nhà trường.

Trong các cuộc điện thoại với bố mẹ mỗi tuần, em thường chia sẻ về cuộc sống, về học tập của em tại Việt Nam. Lar Siripanyo là một trong những lưu học sinh Lào có sức học tốt tại trường. Chia sẻ về kế hoạch phát triển trong tương lai, Lar Siripanyo cho biết: “Tháng 10-2019, em sẽ tốt nghiệp trung cấp Luật. Và sau khi tốt nghiệp, em sẽ tiếp tục học lên cao hơn để thực hiện ước mơ trở thành một luật sư giỏi”.

Một lớp học của lưu học sinh Lào tại Trường trung cấp Luật Đồng Hới.
Cũng giống như Lar Siripanyo, những ngày đầu sống và học tập tại Đồng Hới, Anouvong Silavanh (Viêng Chăn), lưu học sinh đang theo học trung cấp Luật lớp LK2D gặp khá nhiều khó khăn. Đầu tiên là về ngôn ngữ giao tiếp và việc ăn ở, đi lại. Vì chưa thông thạo tiếng Việt nên việc học tập khá trắc trở.

Thời gian đầu, Anouvong Silavanh hiểu bài ít, tiếng Việt cũng khó, có nhiều câu, nhiều từ không thể dịch được, nhất là những từ chuyên ngành. Bên cạnh đó, do chưa quen với khí hậu nên em đau ốm liên miên, tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ tận tâm của thầy, cô giáo, em đã vượt qua những khó khăn ấy.

"Nhà trường cũng rất quan tâm tổ chức cho các em những ngày lễ, tết như Tết Bunpimay, ngày Quốc khánh Lào, tổ chức các hoạt động ngoại khóa ở trường và các chuyến dã ngoại…Ước mơ của em là sau này ra trường sẽ làm việc tại các cơ quan pháp lý ở Lào", Anouvong Silavanh chia sẻ

Bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng phòng Đào tạo và công tác học sinh Trường trung cấp Luật Đồng Hới cho biết, hiện nay, trường có 251 lưu học sinh Lào đang theo học, trong đó có 140 lưu học sinh THPT học chương trình 2 năm, 111 lưu học sinh THCS học chương trình 3 năm. Học kỳ I (năm học 2018-2019), trong tổng số lưu học sinh Lào đang theo học tại trường, có 3 học sinh đạt xuất sắc, 36 học sinh giỏi, 89 học sinh khá, 66 học sinh trung bình khá…

Theo bà Oanh, nhà trường đã bố trí cho các lưu học sinh ở ký túc xá miễn phí. Mỗi phòng ở, Ban quản lý ký túc xá quan tâm bố trí đầy đủ thiết bị đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập, như: bàn, ghế, tủ, ti vi, quạt, điều hòa, kết nối mạng internet...

Để quản lý tốt số lượng lưu học sinh đang theo học, hàng tháng, hàng quý, nhà trường phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, báo cáo tình hình, kết quả học tập của các em cho Tổng lãnh sự quán CHDCND Lào tại TP. Đà Nẵng và gia đình được biết.

“Rào cản lớn nhất đối với các lưu học sinh đang theo học tại trường là ngôn ngữ tiếng Việt. Để khắc phục rào cản đó, nhà trường tổ chức nhiều buổi phụ đạo tiếng Việt; đưa học sinh về sống, sinh hoạt tại các gia đình cán bộ, giáo viên để học sinh hiểu hơn về phong tục, tập quán, văn hóa Việt.

Bên cạnh đó, nhiều khoa chuyên môn đã xây dựng một bộ thành ngữ pháp lý dành riêng cho lưu học sinh Lào để các em hiểu rõ hơn về ngôn ngữ chuyên ngành…”, bà Oanh chia sẻ.

Thầy giáo Võ Khắc Hoan, quyền Hiệu trưởng Trường trung cấp Luật Đồng Hới cho hay, trên cơ sở nhiệm vụ chính trị được giao là đào tạo nguồn nhân lực pháp luật cho các tỉnh Bắc miền Trung, Tây Nguyên Việt Nam và nước bạn Lào, từ tháng 2-2015, Trường trung cấp Luật Đồng Hới đã bắt đầu tuyển sinh và đào tạo cho lưu học sinh Lào.

Đến nay, trường đã tuyển sinh và đang đào tạo khóa thứ 2 cho lưu học sinh Lào. Đa số, các em học tại trường theo diện tự túc, không được hưởng chính sách học bổng từ Chính phủ của hai nước.

Để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các em lưu học sinh Lào học tập, nhà trường đã áp dụng mức thu học phí thấp hơn so với các cơ sở đào tạo khác. Mặt khác, nhà trường còn miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền ăn và sinh hoạt phí, áo quần cho gần 100 lưu học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trong khi đó, nhà trường phải liên kết với các cơ sở đạo tạo khác để đào tạo tiếng Việt cho các em…vì vậy, làm ảnh hưởng đến cân đối thu chi của nhà trường…

Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn, nhà trường sẽ tập trung đào tạo có chất lượng số lượng lưu học sinh Lào đang theo học tại trường, tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh cho các em tự rèn luyện, nâng cao kỹ năng hoạt động tập thể; tìm hiểu thêm về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam và động viên, khuyến khích các em học tập tốt hơn...

Bế mạc Đại hội thể thao lưu học sinh Lào toàn thành phố Hà Nội năm 2019

TĐO - Chiều ngày 7/4, tại Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể Thao (TDTT) Hà Nội diễn ra lễ bế mạc Đại hội thể thao ...

Khai mạc Đại hội thể thao lưu học sinh Lào tại Hà Nội

TĐO - Sáng ngày 06/04/2019, Đại hội thể thao lưu học sinh Lào toàn thành phố Hà Nội lần thứ 13 năm 2019 chính thức ...

500 lưu học sinh Lào trải nghiệm homestay Việt Nam

“Đưa lưu học sinh Lào đi thực tế tại nhà dân” là một mô hình học tập tiên tiến, gắn lý thuyết với thực hành, ...

Top