286 lưu học sinh Lào - Campuchia bắt đầu học tiếng Việt tại Trường Hữu nghị 80 |
Quân đội Việt Nam - Lào - Campuchia diễn tập chung |
Vào trung tuần tháng 7/2024, tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), Công an thành phố Viêng Chăn (Lào) đã tiến hành trao trả 7 nạn nhân người Việt Nam nằm trong đường dây mua bán người từ Việt Nam sang Lào. Nạn nhân được giải cứu gồm có 5 nam, ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An và 2 nữ ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
Công an Lào và Việt Nam tổ chức bàn giao, đưa nạn nhân mua bán người về Việt Nam. Ảnh: Anh Đường |
Qua điều tra xác minh, đầu tháng 3/2024, các nạn nhân quen biết một người phụ nữ thông qua mạng xã hội tại Lào. Người này dụ dỗ 7 nạn nhân làm hộ chiếu để xuất cảnh sang Thái Lan bán vé số, mỗi tháng trả 17 đến 20 triệu đồng. Nhưng khi sang Lào, chúng đưa các nạn nhân đến đặc khu kinh tế Bò Kẹo làm việc với hình thức lập các tài khoản Zalo, App Walmark, Facebook ảo lừa đảo qua mạng để chiếm đoạt tài sản. Mỗi ngày chúng bắt các nạn nhân phải làm việc từ 13 đến 18 giờ đồng hồ. Nhận thấy đây là việc làm sai trái, vi phạm pháp luật, nên các nạn nhân đã tìm cách liên lạc về với gia đình, làm đơn cầu cứu bội đội biên phòng để được giải cứu.
Đây chỉ là một trong những vụ việc giải cứu nạn nhân mua bán người được hai cơ quan chức năng Việt Nam và Lào phối hợp thực hiện. Vào tháng 6 và tháng 8/2024, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh, Bộ đội Biên Phòng Hà Tĩnh phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm mua bán người - Bộ Công an Lào đã đấu tranh, triệt phá thành công tổ chức tội phạm hoạt động mua bán người, lừa đảo qua mạng với quy mô lớn ở đặc khu Tam Giác Vàng (Lào). Qua đó, bắt giữ 162 đối tượng (cả 2 giai đoạn), giải cứu 48 nạn nhân liên quan đến hành vi mua bán người đưa từ Lào về Việt Nam.
Đại tá Phạm Thanh Phương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, việc phá thành công các chuyên án này là chiến công đặc biệt xuất sắc của Công an Việt Nam, Công an Lào trong công cuộc đấu tranh với bọn tội phạm lừa đảo qua không gian mạng xuyên quốc gia đang hoành hành. Thành công của chuyên án là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị nghiệp vụ Việt Nam và Lào, góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội của hai nước Việt - Lào.
Khu vực biên giới Việt - Lào có địa hình hiểm trở. Lợi dụng điều này, các tội phạm mua bán người sử dụng nhiều thủ đoạn hoạt động. Chính vì vậy, từ năm 2010, Bộ Công an Việt Nam và Bộ An ninh nước CHDCND Lào tổ chức Lễ ký kết Hiệp định hợp tác song phương Việt Nam - Lào về phòng chống buôn bán người và bảo vệ nạn nhân bị buôn bán. Hiệp định là một biện pháp hiệu quả trong đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán người và góp phần tăng cường hợp tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi của hai nước Việt Nam – Lào.
Thời gian qua, hai bên đã chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình hình hoạt động tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới giữa Việt Nam – Lào, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị, đoàn kết, gắn bó bền chặt, lâu đời giữa hai nước.
Cụ thể, cơ quan chức năng 2 nước duy trì kênh thông tin để thường xuyên cập nhật, trao đổi tình hình có liên quan, duy trì giao ban thường niên, gặp gỡ, trao đổi đoàn các cấp, nhất là các địa phương đối đẳng. Tích cực đẩy mạnh các hoạt động truyền thông chung, nhất là ở khu vực biên giới mỗi nước để nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống mua bán người, xuất cảnh trái phép, lao động và di cư tự do bất hợp pháp. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm phát hiện, xác minh, khởi tố điều tra vụ, việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người hoạt động trên lãnh thổ hai nước.
Tăng cường công tác quản lý nghiệp vụ số đối tượng có tiền án, tiền sự và có biểu hiện nghi vấn cấu kết hình thành các đường dây, băng nhóm. Phối hợp tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới giữa Việt Nam – Lào. Nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy trình chuẩn phù hợp với tình hình hoạt động tội phạm mua bán người và pháp luật của mỗi nước.
Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng Việt Nam và Cục Cảnh sát phòng chống mua bán người, Tổng Cục Cảnh sát, Bộ An ninh (Lào) ký biên bản ghi nhớ hợp tác phòng chống mua, bán người. Ảnh: Duy Khiêm |
Mới đây, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng Việt Nam và Cục Cảnh sát phòng chống mua bán người, Tổng Cục Cảnh sát, Bộ An ninh (Lào) đã tổ chức chương trình hội nghị ký biên bản ghi nhớ hợp tác phòng chống mua, bán người.
Biên bản ghi nhớ được ký kết sẽ là văn kiện pháp lý quan trọng để các đơn vị chức năng thuộc hai nước Việt Nam và Lào triển khai các hoạt động cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người; giải cứu, hỗ trợ, bảo vệ và chuyến tuyến nạn nhân bị mua bán; góp phần khẳng định nỗ lực, quyết tâm chính trị của Chính phủ hai nước trong phòng, chống mua bán người với cộng đồng quốc tế.
Việc kí kết cũng khẳng định Việt Nam và Lào là những thành viên tích cực trong thực thi Công ước của Liên hiệp quốc về phòng, chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia và Nghị định thư Pa-léc-mô về phòng, chống mua bán người.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ đội biên phòng Việt Nam đã phối hợp với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới Lào bắt giữ, xử lý 41 vụ/86 đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép; phối hợp tiếp nhận, giải cứu 90 công dân Việt Nam là nạn nhân của tội phạm mua bán người . |
Hợp tác trong lĩnh vực khoa học giữa Việt Nam – Lào: hiện thực hóa các nội dung lãnh đạo hai Đảng, hai Chính phủ thống nhất |
Việt Nam – Lào: Chung tay bảo vệ rừng, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên ở tuyến biên giới |