Thương mại điện tử dùng tiền mặt: “Trăm dâu” đổ đầu… người tiêu dùng!

2025-01-17 20:39:36
Các nghiên cứu, các phát ngôn từ những tổ chức trong và ngoài nước gần đây khi đề cập đến tỉ lệ thanh toán dùng tiền mặt trong thương mại điện tử (TMĐT) đều đổ trách nhiệm lên người tiêu dùng. Điều này là hoàn toàn không công bằng!

Trên 90% thanh toán tiền mặt - lỗi tại người dùng?

Tuyến thông tin thứ nhất từ một cuộc hội thảo về hiến kế phát triển kinh tế số, một quan chức Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương cho rằng, cho dù TMĐT Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ nhanh, từ 25-30%/năm trong 5 năm trở lại đây, nhưng phương thức thanh toán chủ yếu vẫn dùng tiền mặt.

Năm 2018, tổng giá trị giao dịch của TMĐT Việt Nam đạt 8 tỉ USD, nhưng chỉ có từ 3-5% lượng giao dịch thanh toán không sử dụng tiền mặt, tương ứng với khoảng 80% lượng khách hàng sử dụng phương thức thanh toán "nhận hàng, trả tiền" hay còn gọi là COD.

Tuyến thông tin thứ hai đến từ báo cáo "Số hóa tiền mặt tại ASEAN – ý nghĩa đối với các nhà quản lí nguồn vốn doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tương lai" của ngân hàng Standard Chartered. Theo ngân hàng này, Việt Nam có tỉ lệ thanh toán tiền mặt trong TMĐT (COD) cao nhất, với 90,17%.

Hai nguồn thông tin với con số chênh lệch nhau, nhưng điều quan trọng là mẫu số chung. Mẫu số chung đó không chỉ là tỉ lệ thanh toán tiền mặt trong mua hàng trực tuyến tại Việt Nam ở mức cao trên 90%. Mà cùng với mẫu số chung này, có một sự đánh giá rất đồng thuận cùng qui trách nhiệm cho người tiêu dùng, "trăm dâu đổ đầu tằm" lên người dùng. Không thanh toán trực tuyến, nghĩa là không trả tiền trước - lỗi tại người dùng. Nhận hàng rồi mới trả tiền, nghĩa là thanh toán sau - lỗi tại người dùng. Hiện đã có bao nhiêu phương thức thanh toán trực tuyến từ các loại thẻ, từ các ví điện tử, từ tài khoản ngân hàng… mà sao không sử dụng? - lại lỗi tại người dùng…

Nhìn chung, cứ lấy người tiêu dùng ra chịu trách nhiệm chung chung là dễ nhất. Còn trách nhiệm thúc đẩy của các cơ quan quản lí nhà nước, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán và trung gian thanh toán, các nhà bán hàng qua website, mạng xã hội, của các tổ chức có chức năng và nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.v.v… lại không được đề cập tới. Vậy có công bằng không?

COD là "thành trì" che chắn rủi ro cho người dùng

Chiếu theo các con số trong báo cáo của Standard Chartered, người Việt còn nặng thói quen dùng tiền mặt (với tỉ lệ dân số có tài khoản ngân hàng mới đạt 30,8%, tỉ lệ người dùng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ lần lượt là 4,12% và 26,74%) là không hề sai.

Tuy nhiên nên nhớ rằng, thói quen dùng tiền mặt trong cuộc sống hàng ngày với tỉ lệ "đội sổ" khu vực Đông Nam Á về thanh toán bằng tiền mặt trong TMĐT lại không hoàn toàn giống nhau. Thậm chí, có nhiều yếu tố quyết định khác nhau rất cơ bản.

thanh toán không dùng tiền mặt

Cần biết rằng, TMĐT đã manh nha tại Việt Nam hơn chục năm nay, nhưng nó chỉ thực sự phát triển thành một xu thế rõ rệt và không thể đảo ngược là trong khoảng 5 năm trở lại đây. Khoảng 4-5 năm trở về trước, Lazada chính là sàn TMĐT B2C (từ doanh nghiệp bán đến tay người dùng đầu cuối) sớm sủa nhất được đầu tư một cách mạnh mẽ vào Việt Nam. Trong thời kì đầu ngành TMĐT còn rất nhiều vấn đề, đặc biệt trong đó chính là các cam kết bán hàng, giao hàng gắn với chất lượng không được như mong muốn của người tiêu dùng.

Và một trong các cách để giải quyết vấn đề, được chính Lazada khuyến cáo người tiêu dùng là nhận hàng rồi mới trả tiền (COD) để "nắm đằng chuôi". Dần dà về sau, các sàn TMĐT khác như Tiki, Sendo, Shopee, Adayroi cũng như hàng trăm sàn nhỏ và website bán hàng khác cùng với hàng chục ngàn hộ kinh doanh bán hàng qua Facebook đã sử dụng phương thức COD. Để rồi từ đó, bất cứ một sàn TMĐT nào áp dụng cứng nhắc phương thức thu tiền trước mà không có phương thức COD, sẽ rất khó thu hút người tiêu dùng và bán được hàng.

Bởi nếu sử dụng phương thức trả tiền trước, trước hết là sẽ có nhiều rủi ro cho bên mua. Nhiều trường hợp mua hàng từ các hộ kinh doanh qua mạng xã hội, hàng hóa nhận được kém chất lượng, bị lỗi.v.v… sẽ rất khó đổi lại, hoặc việc đổi trả được chăng hay chớ, bên bán chây ì vì đã nắm tiền trong tay nên chẳng việc gì phải khẩn trương đổi hàng. Trường hợp đối với các sàn lớn, nếu đã thanh toán trước và lại từ chối nhận hàng vì liên quan vấn đề chất lượng, người tiêu dùng lại phải trải qua các bước thủ tục rất mất thời gian, thậm chí cứ phập phồng không biết có được hoàn trả lại tiền hay không. Qui trình này, thường nhanh nhất cũng phải mất ít nhất một tuần làm việc cho đến nửa tháng mới có thể biết được đích xác món tiền có được hoàn trả vào tài khoản hay không.

Trong khi đó ngược lại, nếu sử dụng phương thức thanh toán COD, các nhiêu khê, phiền phức trên được đơn giản, triệt tiêu đi rất nhiều, người tiêu dùng cảm thấy chắc ăn và yên tâm hơn.

Trong bối cảnh TMĐT Việt Nam còn quá nhiều vấn đề về chất lượng hàng hóa, sản phẩm bán ra, COD đang trở thành một trong những "thành trì" giúp người tiêu dùng "nắm đằng chuôi" và bảo vệ họ. COD vẫn còn phổ biến trong TMĐT Việt Nam một khi vấn đề niềm tin về chất lượng hàng hóa bán ra tại các sàn, các trang Facebook không được sớm cải thiện và nâng cao. Khi đó, không thể cứ đổ tất cả lên đầu người tiêu dùng. TMĐT Việt Nam còn nặng thanh toán COD, một phần trách nhiệm rất lớn thuộc về các sàn TMĐT, bên bán hàng.

Dạ Thảo

Nguồn bài viết : Trò Baccarat trực tiếp trực tuyến

Top