Đây được coi là biện pháp ngăn ngừa tiêu cực xảy ra nơi học đường xuất phát từ vấn đề tâm lý đang ngày càng gia tăng.
Nhu cầu cao về tư vấn
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, lứa tuổi học sinh (HS) càng lớn, quan hệ xã hội càng phức tạp, nên rất cần được tư vấn, định hướng để hoàn thiện nhân cách, hiểu biết, ứng xử tình huống trong quan hệ xã hội. “Tôi được các trường phổ thông nước ngoài chia sẻ, nếu nhà trường tư vấn kịp thời và tốt sẽ thay đổi nhận thức của HS, dẫn dắt các em có hành động chuẩn mực, không đi theo xu hướng tiêu cực. Nếu không làm tốt tư vấn tâm lý ban đầu sẽ dẫn đến những căn bệnh khó chữa như trầm cảm, rối loạn tâm lý” - ông Tiến chia sẻ. Và không chỉ HS, mà cả giáo viên (GV) cũng cần được tư vấn tâm lý. Bởi như ông Tiến phân tích, vụ việc ở trường Tiểu học Nam Thành Công (quận Đống Đa) vừa qua gây bức xúc trong xã hội, cô giáo phê bình HS trước lớp, bắt nghỉ học một ngày để suy nghĩ về tội mất trật tự. Hành động của cô có thể tác động lớn tới tâm lý HS, bằng chứng là HS này đòi chuyển trường, thế nên GV cũng cần được tư vấn tâm lý.
Hình ảnh học sinh tiểu học đánh nhau được lan truyền trên mạng. (ảnh cắt từ clip)
Trước vấn đề này, bà Lê Quỳnh Lan - Quản lý vùng dự án Hà Nội, thuộc Tổ chức quốc tế Plan tại Việt Nam nhấn mạnh, bạo lực giới trong học đường không thể chấm dứt hoàn toàn, nhưng sẽ giảm thiểu được thông qua tư vấn. Theo đó, hoạt động tư vấn tâm lý học đường sẽ thực hiện theo nhóm hoặc toàn trường thông qua sinh hoạt dưới cờ, hướng dẫn chiến lược, phòng ngừa, ngăn chặn phát sinh mâu thuẫn học đường. Tham vấn tâm lý là chủ chốt của phòng tư vấn với 2 hình thức tham vấn cá nhân hoặc nhóm tập trung cho những HS có kết quả học tập sa sút, HS sợ đi học. Nhiệm vụ quan trọng nữa là tư vấn cho phụ huynh, GV, người liên quan vì chính bản thân GV chủ nhiệm cũng là đối tượng cần được chia sẻ, trợ giúp.
Lo thiếu người, thiếu phòng tư vấn
Ảnh minh họa
Trưởng phòng Tư tưởng chính trị, Sở GD&ĐT Phạm Ngọc Tuấn khẳng định, việc thành lập phòng tư vấn trong trường đã có quy định rõ trong các văn bản của Bộ GD&ĐT và hướng dẫn của Sở GD&ĐT. Trong đó nêu rõ các trường tiểu học, THCS, THPT bố trí GV tham gia công tác tư vấn, thay vì tăng biên chế phụ trách riêng việc này. Tuy nhiên, tại nhiều quận, huyện, việc triển khai còn nhiều khó khăn. Đại diện Phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết, Phòng đã triển khai đến tất cả các nhà trường, hiện đã định hướng 1 ngày/tuần, phụ huynh thấy đây là việc thiết thực. Qua quá trình triển khai, các trường đều phản ánh cần phối hợp với chuyên gia tư vấn cho HS, bởi họ là người có chuyên môn sâu, lại là thành viên ngoài nhà trường nên HS dễ tìm đến để chia sẻ vấn đề cá nhân, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến áp lực, bất đồng với thầy cô, nhà trường.
Khó khăn về cơ sở vật chất cũng khiến các trường lo ngại không bố trí được phòng riêng để tư vấn, trong khi đây lại là yêu cầu bắt buộc đối với công tác tư vấn chuyên sâu. Quận Cầu Giấy phản ánh, các trường của quận rất đông HS, phòng học còn chưa đủ, nói gì đến phòng tư vấn tâm lý. Các trường tại huyện Chương Mỹ cũng chung khó khăn này. Đó là chưa kể khó khăn về tình trạng thiếu kỹ năng tham vấn cho HS, thiếu kinh phí, chế độ hỗ trợ cho cán bộ làm công tác tư vấn...
Theo Kinh tế & Đô thị
Nguồn bài viết : Trực tiếp bóng đá hôm nay