HOẠT ĐỘNG TRONG NGÀNH

Hòa bình dưới "mái nhà chung" cho tất cả mọi người

2024-12-20 19:19:55
Ra đời mái nhà chung của cộng đồng người Việt Nam tại Malta
Những người bạn đến từ ‘mái nhà chung’ ASEAN

"Hơn bao giờ hết, bây giờ chúng ta cần phát huy tinh thần đoàn kết toàn cầu, cùng hành động tập thể, cam kết và tin tưởng lẫn nhau. Hãy bắt đầu tại đây và ngay bây giờ! Hãy cùng gióng lên lời kêu gọi về một thế giới hòa bình cho tất cả mọi người!"

Đây là thông điệp của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra trong lễ thỉnh chuông hòa bình khai mạc Ngày Quốc tế Hòa bình (21/9), được tổ chức đúng vào Tuần lễ Cấp cao khóa họp 77 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc.

Ngày Quốc tế Hòa bình được Liên hợp quốc khởi xướng năm 1981 và lần đầu tiên được tổ chức tháng 9/1982.

(Nguồn: internationaldayofpeace)

Năm 2002, Đại Hội đồng chính thức quyết định ngày 21/9 hằng năm là Ngày Quốc tế Hòa bình, với mong muốn củng cố và thúc đẩy những lý tưởng hòa bình, cũng như khuyến khích toàn nhân loại cùng hành động và hợp tác vì mục tiêu hòa bình cho mọi quốc gia, mọi dân tộc.

Ngày Quốc tế Hòa bình năm nay đặc biệt hơn mọi năm khi thế giới đang đối mặt với sự chia rẽ do tác động của đại dịch COVID-19 và xung đột gây ra đối với đời sống kinh tế-xã hội.

Liên hợp quốc cho rằng “thúc đẩy sự hòa hợp và lòng khoan dung để chấp nhận sự khác biệt về giới tính, sắc tộc và biên giới là quan trọng hơn bao giờ hết và điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn là chỉ hạ vũ khí.”

Với tinh thần này, Liên hợp quốc đã chọn chủ đề của Ngày Quốc tế Hòa bình năm nay là “Chấm dứt phân biệt chủng tộc. Kiến tạo hòa bình.”

Phân biệt chủng tộc có xu hướng gia tăng trên toàn thế giới trong những năm trở lại đây và trở nên nghiêm trọng hơn sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, làm kéo dài tình trạng bất bình đẳng. Theo đó, những người thuộc các nhóm sắc tộc, cộng đồng thiểu số, người bản địa và người không phải là công dân sở tại dễ bị tổn thương hơn và chịu tác động nhiều hơn của đại dịch COVID-19, một phần do bị phân biệt đối xử trong các chương trình chăm sóc sức khỏe.

Theo báo cáo của Cơ chế Chuyên gia Liên hợp quốc về quyền phát triển công bố cuối tuần qua, ở Mỹ, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở người gốc Phi cao hơn 2 lần so với các nhóm chủng tộc khác trong nước. Người gốc Phi ở Mỹ có tuổi thọ thấp hơn đáng kể so với người da trắng.

Trong khi đó, ở Anh, nữ giới và nam giới gốc Phi lần lượt có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao gấp 4,3 và 4,2 lần so với những người da trắng.

Dữ liệu từ Australia và Canada cho thấy các dân tộc bản địa cũng có tuổi thọ ít hơn đáng kể so với các nhóm sắc tộc khác. Tương tự, người Digan trên khắp châu Âu có tuổi thọ trung bình ít hơn từ 5 đến 20 năm, trong khi tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh thuộc tộc người này cao gấp 2 đến 3 lần so với dân số chung.

Thành kiến về màu da và chủng tộc cũng là yếu tố chính gây bất hòa trong xã hội. Báo cáo của Ủy ban Liên hợp quốc về xóa bỏ phân biệt chủng tộc (CERD) công bố tháng trước cho thấy tình trạng gia tăng đáng kể tội ác thù hận cũng như các phát ngôn thù hận nhằm vào các cộng đồng thiểu số và các nhóm sắc tộc tại Mỹ.

Đặc biệt cộng đồng người Mỹ gốc châu Á tiếp tục đối mặt với những hành vi thù ghét, phân biệt chủng tộc và bài ngoại, do những thành kiến cho rằng họ phần nào chịu trách nhiệm gây ra COVID-19.

Theo báo cáo công bố đầu năm nay của Asian American Pacific Islander (AAPI), một tổ chức tổng hợp hàng đầu về các vụ việc chống lại người Mỹ gốc Á, từ tháng 3/2020 đến tháng 10/2021, tổ chức này đã nhận được báo cáo về khoảng 11.000 vụ kỳ thị đối với người châu Á trên toàn nước Mỹ, trong đó chiếm nhiều nhất là số vụ quấy rối bằng lời nói, tiếp đến là hành động vũ lực.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại khóa họp 77 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Tháng 3 vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã phải ký ban hành luật quy định hành động tư hình do phân biệt chủng tộc là tội ác hận thù liên bang. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ ban hành luật liên bang chống tư hình do phân biệt chủng tộc.

Trong khi đó, ở Đức, cứ 5 người thì có 1 người từng có trải nghiệm liên quan phân biệt chủng tộc. Ở Anh, tâm lý kỳ thị chủng tộc len lỏi cả vào nơi công sở, với khoảng 41% số lao động là người da màu và dân tộc thiểu số cho biết họ đã bị đối xử bất công tại nơi làm việc trong 5 năm qua.

Các hành vi phân biệt chủng tộc và bài ngoại cũng đang xảy ra hằng ngày hằng giờ ở khu vực biên giới những quốc gia chứng kiến xung đột khiến nhiều người dân phải di tản sang những nước láng giềng. Nhiều người di cư và người xin tị nạn phải sống trong điều kiện khổ sở, bị đe dọa tính mạng, không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres, chủ nghĩa chủng tộc đang tiếp tục “đầu độc” các thiết chế và cấu trúc xã hội, tiếp tục là nguyên nhân gây bất bình đẳng dai dẳng, tiếp tục khước từ quyền cơ bản của con người.

Chủ nghĩa chủng tộc phá hủy các xã hội, làm suy yếu các nền dân chủ, xói mòn tính hợp pháp của các chính phủ và cản trở quá trình phục hồi bền vững và toàn diện sau đại dịch COVID-19.

Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng hành động để xóa bỏ vấn nạn phân biệt chủng tộc cũng như những thách thức chung khác như nghèo đói, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học...

Trong khi đó, Chủ tịch Cơ chế chuyên gia Liên hợp quốc về quyền phát triển - ông Mihir Kanade, cho rằng phân biệt chủng tộc là một trong những trở ngại lớn nhất đối với việc thực hiện quyền được phát triển.

Theo ông, bất bình đẳng theo chủng tộc đã không nhận được sự quan tâm như các dạng bất bình đẳng khác được nêu trong Chương trình nghị sự 2030 về các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Ông nhắc lại lời kêu gọi cộng đồng quốc tế tái khẳng định cam kết đối với các quyền phổ biến của con người và các giá trị chung nhằm bảo vệ sự bình đẳng cũng như phẩm giá của tất cả trong và ngoài khuôn khổ quyền phát triển.

Trong cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa bài ngoại và các hình thức phân biệt chủng tộc khác, Việt Nam luôn thể hiện mạnh mẽ quyết tâm cùng với cộng đồng quốc tế.

Năm 1981, Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước Ngăn ngừa và loại bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc. Cùng năm đó, Việt Nam gia nhập Công ước quốc tế về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng và Công ước quốc tế về ngăn chặn và trừng trị tội phân biệt chủng tộc.

Với chính sách và pháp luật thể hiện tinh thần tiến bộ, bình đẳng, công bằng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cả ở trên bình diện quốc tế và quốc gia.

Ngày Quốc tế Hòa bình hằng năm là dịp để nhắc nhở rằng chúng ta đang sống dưới một “mái nhà chung,” do đó hòa bình có ý nghĩa và tầm quan trọng đối với toàn nhân loại.

Tuy nhiên, hòa bình chỉ có thể đạt được nếu mọi quốc gia, dân tộc và mọi người cùng nỗ lực và quyết tâm xóa bỏ sự phân biệt, vượt qua ranh giới về chủng tộc và tầng lớp để tất cả có thể hưởng quyền bình đẳng, như tuyên bố của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres: “thúc đẩy hòa bình là nhiệm vụ hàng đầu của Liên hợp quốc, nhưng kiến tạo hòa bình là nghĩa vụ của mỗi người”.

600 trẻ em, giáo viên huyện Mai Châu (Hoà Bình) tham dự “Ngày hội Bảo vệ môi trường”
Ngày 18/6/2022, tổ chức Good Neighbors International (GNI) tại Việt Nam cùng phối hợp với UBND huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) tổ chức “Ngày hội Bảo vệ môi trường” và “Lễ tổng kết dự án Ánh sáng xanh”.
Mai Châu, Hòa Bình: Tăng cường vai trò của phụ nữ trong bảo vệ môi trường sống, vì sức khỏe cộng đồng
Vừa qua, Ban Thư ký Quỹ Thúc đẩy sáng kiến Tư pháp (JIFF) đã tổ chức đoàn thăm thực địa triển khai dự án "Tăng cường vai trò của phụ nữ trong bảo vệ môi trường sống, vì sức khỏe cộng đồng” tại xã Vạn Mai, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.
Top