Quảng bá văn hóa Việt Nam qua “kênh” di sản |
Phát huy ưu thế của kiều bào trẻ trong quảng bá văn hóa Việt |
Nhật Bản: Ưu tiên nguồn lực quảng bá văn hóa
Nhật Bản được biết đến là một quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên, thường xuyên phải đối mặt với hiểm họa từ động đất, sóng thần. Tuy nhiên, nhắc đến Nhật Bản, thế giới cũng nhớ đến những đức tính, phẩm chất tốt đẹp của con người nơi đây như: tinh thần kỷ luật, ý chí mãnh liệt, tính cộng đồng cao, lòng trung thành, ý thức tôn trọng truyền thống, nỗ lực vươn lên…
Điều này là kết quả của quá trình quảng bá văn hóa Nhật Bản ra thế giới. Là quốc gia có nền văn hóa độc đáo, đặc sắc, Nhật Bản luôn chú trọng bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống đồng thời không ngừng tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, quảng bá giá trị văn hóa Nhật Bản ra thế giới.
Theo các chuyên gia nghiên cứu, chiến lược ngoại giao văn hóa Nhật Bản hướng đến các mục tiêu: Tăng cường hiểu biết của thế giới về Nhật Bản, nâng cao hình ảnh, lòng tin của các quốc gia đối với Nhật Bản; tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn minh, văn hóa; nuôi dưỡng những giá trị văn hóa chung của nhân loại.
Thực hiện mục tiêu này, Nhật Bản dành nhiều nguồn lực đầu tư cho việc quảng bá các hoạt động, sự kiện văn hóa như: tổ chức các lễ hội hoa anh đào; giới thiệu, trình diễn âm nhạc; quảng bá nghệ thuật xếp hoa giấy, cắm hoa, trà đạo, truyện tranh sang các nước.
Nhật Bản cũng đầu tư vốn, nguồn lực thành lập các trung tâm dạy tiếng Nhật cho người nước ngoài; tài trợ sinh viên các nước sang du học, đồng thời tăng số lượng sinh viên Nhật Bản ra nước ngoài học. Quảng bá văn hóa của Nhật Bản còn được nâng lên tầm cao mới với việc khẳng định trong văn kiện có tính cương lĩnh ngoại giao văn hóa quốc gia là “Giao lưu văn hóa của quốc gia hòa bình” do cựu Thủ tướng Nhật Bản Koizumi phê duyệt năm 2005.
ThS. Phạm Thị Thu Hà (Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa đại chúng Nhật Bản đã và đang ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống văn hóa thế giới. Đó là kết quả của quá trình xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ngoài do chính phủ Nhật Bản đề xướng. Hơn nữa, chính sách này trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước trong thời đại mới.
Mỹ: Mở rộng không gian văn hóa ở các nước
Đối với Mỹ, việc phát huy sức mạnh mềm thông qua truyền bá văn hóa Mỹ, giá trị Mỹ ra bên ngoài được chính giới Mỹ đặc biệt coi trọng.
Trong bài viết chia sẻ về “Kinh nghiệm ngoại giao văn hóa của Mỹ và bài học đối với Việt Nam”, ông Hà Kim Ngọc lúc bấy giờ là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cho biết: Cách thức triển khai ngoại giao văn hóa của các cơ quan đại diện Mỹ ở nước ngoài, cách làm của Đại sứ quán Mỹ và Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam là ví dụ sinh động của việc quảng bá văn hóa Mỹ ra thế giới. Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh xây dựng hẳn một “không gian Mỹ” có tên Trung tâm Mỹ (American Center) để công chúng tới tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu.
Tại đây, một khối lượng tư liệu lớn về đất nước, con người, chính sách Mỹ được trình bày dưới dạng thư viện, để người dân Việt Nam, nhất là học sinh, sinh viên tới tham quan, sử dụng và học tiếng Anh (Mỹ). Trung tâm này cũng thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, buổi tập huấn, câu lạc bộ tiếng Anh (Mỹ), câu lạc bộ tranh biện, đọc và thảo luận về sách, chiếu phim, triển lãm, biểu diễn âm nhạc miễn phí dành cho công chúng.
Pháp: Xây dựng mạng lưới quảng bá văn hóa rộng lớn tại các nước
Từ năm 1999, Pháp đã thực hiện những cải cách mạnh mẽ, trong đó nhấn mạnh việc quảng bá rộng rãi hình ảnh nước Pháp đến nhân dân trong và ngoài nước thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng có vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Pháp.
Những mục tiêu cụ thể chính sách ngoại giao văn hóa của Pháp hướng đến là bảo tồn và phát huy giá trị di sản, quảng bá và phát huy giá trị của các sản phẩm sáng tạo đương đại của Pháp ra toàn cầu và thúc đẩy lợi ích kinh tế.
Sự hiện diện văn hóa của Pháp tại các nước được cụ thể hóa bằng hệ thống các trung tâm văn hóa, trung tâm nghiên cứu, các trường phổ thông, các dự án hợp tác.,, Ông Etienne Rolland-Piegue, Tham tán Hợp tác và Văn hóa, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2021 cho biết: Chính sách quảng bá văn hóa của Pháp ở nước ngoài được triển khai qua mạng lưới rộng khắp với 500 Viện Pháp trực thuộc các Đại sứ quán, 835 cơ quan Alliances françaises, 27 viện nghiên cứu và 522 trường phổ thông các cấp.
Mạng lưới các cơ quan này đã góp phần triển khai rộng rãi hoạt động văn hóa của Pháp ở nước ngoài, trong đó truyền bá và giảng dạy tiếng Pháp giữ một vị trí quan trọng. Tiếng Pháp hiện có hơn 300 triệu người sử dụng trên thế giới và với những biến động về dân số hiện nay, tiếng Pháp có thể trở thành ngôn ngữ được sử dụng nhiều thứ ba trên thế giới trong thế kỷ 21. Nhiều người học tiếng Pháp cùng với tiếng Anh như ngoại ngữ thứ nhất hoặc thứ hai. Các trường trung học của Pháp ở nước ngoài thu hút con em từ số lượng lớn các gia đình người nước ngoài bị thu hút bởi hệ thống chất lượng cao và các giá trị giáo dục mà hệ thống trường Pháp chia sẻ và tôn vinh.
Việt Nam: Quảng bá văn hóa nâng “chất” quan hệ với các nước
Mười năm qua, ngoại giao văn hóa Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu cả về mặt lý luận, chính sách và triển khai trong thực tiễn. PGS, TS. Lê Thanh Bình (Học viện Ngoại giao) cho biết: Các hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa ngày càng trở thành một kênh chuyên nghiệp, hiệu quả góp phần nâng tầm vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế. Giao lưu văn hóa không chỉ đẩy mạnh quan hệ với các nước mà còn truyền bá văn hóa nước nhà đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, gắn kết kiều bào với quê hương, đất nước, thẩm thấu văn hóa Việt Nam tới cộng đồng nước sở tại.
Hình ảnh về đất nước, văn hóa, lịch sử, con người, chính sách của Việt Nam được quảng bá, phổ biến, giúp nhân dân thế giới hiểu biết, yêu mến Việt Nam (Ảnh: Trọng Khang). |
Nhiều hoạt động như ngày, tuần, tháng văn hóa Việt Nam, biểu diễn nghệ thuật, lễ hội văn hóa - du lịch, chiếu phim, các hoạt động giao lưu văn hóa được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã đem lại sự thấu hiểu, cảm mến, thân thiện, để lại ấn tượng đẹp đối với cộng đồng quốc tế.
Các “Năm Việt Nam” tại nhiều nước như Liên bang Nga, Trung Quốc, Lào… hay tổ chức năm chéo Việt - Pháp, Pháp - Việt; Việt - Nga, Nga - Việt…; các lễ hội Việt Nam hằng năm với lượng khách tham gia hàng trăm nghìn người tại Nhật Bản, Hàn Quốc đang trở thành kênh thu hút đầu tư, du lịch tới Việt Nam. Mô hình trung tâm văn hóa, nhà văn hóa Việt Nam tại Pháp, Đức, Thái Lan, Lào… góp phần tích cực kết nối, truyền bá các nét đặc sắc, điển hình của văn hóa, nghệ thuật Việt Nam tới người bản địa và cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở nước sở tại.
Tại nhiều tổ chức về văn hóa của thế giới đại diện Việt Nam đã thể hiện được sự năng động, tinh thần trách nhiệm, đóng góp một số sáng kiến được ghi nhận, góp phần nâng cao vị thế đất nước.
Thông qua các hoạt động quảng bá văn hóa đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh một Việt Nam hiện đại nhưng vẫn giữ giá trị truyền thống, cởi mở, thân thiện, thủy chung với bạn bè, tôn trọng đối tác, trách nhiệm với công việc chung của thế giới. Đồng thời các hoạt động quảng bá văn hóa cũng là những cơ hội tốt để người dân trong nước tiếp xúc và hiểu hơn về nhiều nền văn hóa trên thế giới.
Xây dựng “Góc Việt Nam”, “Không gian Việt Nam – Hồ Chí Minh” ở nước ngoài |
Ẩm thực – ‘Đại sứ’ quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới |