TX. Phổ Yên (Thái Nguyên) nỗ lực giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số |
UNDP hoan nghênh Việt Nam đã kịp thời công bố số liệu thống kê về nghèo đa chiều trong đại dịch COVID-19 |
Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 với các tiêu chí xác định hộ nghèo về thu nhập và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản được nâng lên so với giai đoạn 2016-2020 nhằm mục tiêu không chỉ đảm bảo thu nhập tối thiểu mà còn hỗ trợ để cải thiện mức độ tiếp cận của người nghèo đối với các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin.
Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 đảm bảo quyền an sinh xã hội của người nghèo được toàn diện hơn. (Ảnh minh họa) |
Chuẩn nghèo mới đảm bảo quyền an sinh xã hội của người nghèo được toàn diện hơn thông qua các chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Các chỉ số đo lường đã được cập nhật, bổ sung nhằm nhận diện được bản chất của nghèo đói như chỉ số dinh dưỡng, tình trạng đi học của trẻ em, trình độ giáo dục của người lớn; đồng thời bổ sung các chỉ số đo lường thiếu hụt về việc làm của người nghèo. Đây là chỉ số phản ánh thu nhập và điều kiện bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân; chỉ số việc làm gắn với thu nhập cũng sẽ là cơ sở để phân loại đối tượng hộ nghèo để có các giải pháp tác động phù hợp, thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo có điều kiện, có thời gian. Bên cạnh đó, các chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản đối với người nghèo được nhà nước quan tâm, bù đắp bởi hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội hiện hành ngày được cải thiện và nâng cao để phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 với tiêu chí thu nhập đã tiếp cận bằng mức sống tối thiểu của người dân tại thời điểm năm 2021 với thu nhập bình quân đầu người một tháng tại khu vực nông thôn là 1.500.000 đồng, khu vực thành thị là 2.000.000 đồng.
Trên cơ sở chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, số lượng người nghèo được hưởng thụ chính sách tăng 2,3 lần tại thời điểm năm 2022, Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố thực hiện công tác rà soát, phân loại đối tượng hộ nghèo để làm căn cứ xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, giải pháp giảm nghèo, cụ thể:
Quốc hội, Chính phủ đã bố trí nguồn lực để thực hiện hệ thống chính sách giảm nghèo thường xuyên nhằm hỗ trợ mọi mặt về đời sống kinh tế, xã hội cho hộ nghèo như chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, hỗ trợ tiền điện, chính sách trợ giúp pháp lý.
Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn tối đa 100 triệu đồng không phải đảm bảo tiền vay, trường hợp vay vốn đi xuất khẩu lao động thì được vay tối đa bằng 100% chi phí người lao động đóng theo hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã ký với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp theo quy định pháp luật, lãi suất hiện nay là 6,6%/năm (0,55%/tháng). Nguời nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại từ nhà đến viện, từ bệnh viện về nhà khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà nước từ tuyến huyện trở lên, hỗ trợ một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế mà các đối tượng phải đồng chi trả theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn Luật đối với phần người bệnh phải đồng chi trả từ 100.000 đồng trở lên.
Trẻ em mẫu giáo, học sinh phổ thông được miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Người nghèo hỗ trợ vay vốn làm nhà ở, nước sinh hoạt và xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành là 46.000 đồng/hộ/tháng. Người nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn được cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, cấp phát miễn phí tờ rơi, băng đĩa pháp luật.
Song song với hệ thống chính sách giảm nghèo thường xuyên, Việt Nam phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo (từ năm 1998) tập trung hỗ trợ có mục tiêu cho các địa bàn đặc biệt khó khăn và người nghèo. Năm 2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình) với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Chương trình tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội vùng lõi nghèo, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người nghèo, đào tạo kỹ năng nghề, tạo việc làm tốt, hỗ trợ đối tượng yếu thế không rơi vào tình trạng nghèo đói.
Với quan điểm không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; đổi mới chính sách giảm nghèo, khơi dậy khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no của người dân và phát huy sức mạnh toàn diện của cả hệ thống chính trị trong công cuộc giảm nghèo trong điều kiện mới, Việt Nam đã và đang nỗ lực đảm quyền của người nghèo thông qua triển khai giảm nghèo bền vững. Từ đó sớm hoàn thành cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo đến năm 2030.
Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục duy trì nguyên tắc "ưu tiên phụ nữ hưởng lợi" |
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo |