Khai thác di sản văn hóa tăng “sức bật” cho ngành Du lịch vùng dân tộc thiểu số |
Trải nghiệm sắc màu thổ cẩm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam |
Chị Tướng Thị Lý (bên phải) luôn chau truốt, tâm huyết với từng đường kim, nét thêu, để mỗi sản phẩm thổ cẩm hoàn thiện đều đảm bảo chất lượng nhất khi đến tay người tiêu dùng |
Còn đó nỗi lo mai một
Thổ cẩm là một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của dân tộc Dao. Đây không chỉ là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống, mà qua đó còn cho thấy sự khéo léo, tinh tế và đầy kiên trì của người phụ nữ Dao. Bởi để làm ra một sản phẩm thổ cẩm hoàn chỉnh, có thể mất 1 tuần, 1 tháng, thậm chí có những trang phục thổ cẩm phải mất cả năm trời.
Vốn sinh ra trong một gia đình đã ba đời gắn bó với nghề thổ cẩm, ngay từ khi còn nhỏ, chị Tướng Thị Lý đã được mẹ truyền dạy làm nghề. Nhờ thế, những chi tiết, ý nghĩa từng hoa văn, biểu tượng, từng công đoạn đã trở nên quen thuộc, gắn bó với cả tuổi thơ chị.
Tuy nhiên, cùng sự phát triển của xã hội, chị Lý dần nhận thấy nghề thổ cẩm của dân tộc đang dần bị mai một, vì hiện rất ít người theo nghề, đặc biệt là thế hệ trẻ. “Mình hiểu rằng đây không đơn thuần chỉ là một nghề, mà nó là văn hóa, là bản sắc dân tộc được trao truyền từ thế hệ trước, mà thế hệ trẻ mình cần phải có ý thức gìn giữ, bảo tồn. Do đó, mình quyết tâm bám trụ với nghề”, chị Lý chia sẻ.
Từng công đoạn hoàn thiện sản phẩm thổ cẩm truyền thống được chị Lý trau chuốt, tỉ mỉ |
Không chỉ cần mẫn làm nên sản phẩm, mà chị Lý còn vận động, tập hợp hàng chục phụ nữ dân tộc Dao cùng duy trì, phát triển nghề thổ cẩm truyền thống. Mỗi người một phần việc, người đảm nhận thêu hoa văn trên áo, trên yếm, người nhuộm vải… Chị Lý nhận phần thiết kế, may đo, hoàn thiện và bao tiêu sản phẩm, tạo nên một dây chuyền sản xuất trang phục thổ cẩm chuyên nghiệp cho cả nam và nữ ngay tại thôn. Các chị em cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ giúp nhau, cùng đa dạng, nâng cao chất lượng và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Cứ thế, hơn 10 năm qua, từng đường kim, mũi chỉ, nét hoa văn, họa tiết trên thổ cẩm người Dao quần trắng đang được chị Lý, cùng hội chị em trong thôn hàng ngày gìn giữ, những sắc màu thổ cẩm dần được hồi sinh. Cũng nhờ đó, chị Lý có thêm thu nhập 4 - 7 triệu đồng/tháng. Các chị em trong nhóm cũng tận dụng những thời gian nông nhàn, thêm công việc, thêm khoản thu cho gia đình.
Sáng tạo để thích ứng
Cũng chính từ tình yêu với nghề, tự hào bản sắc văn hóa, chị Lý vẫn luôn trăn trở tìm hướng đi mới để giữ nghề, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc trong sự phát triển chung của xã hội.
Các bà, các mẹ đảm nhiệm công đoạn thêu |
Chị Lý bảo, điểm nhấn trên bộ trang phục thổ cẩm người Dao chính là họa tiết hoa văn. Trước đây, các bà, các mẹ thường không quá chú trọng thêu thùa, do đó các chi tiết thêu thường rất nhỏ và đơn giản. “Giờ thì khác trước rồi, ai cũng có nhu cầu làm đẹp, mình phải bắt theo xu hướng đó, sáng tạo đa dạng, làm mới các chi tiết hoa văn, sao cho vừa phù hợp, vừa đáp ứng thị hiếu. Có vậy thì sản phẩm mới được đón nhận”, chị Lý cho biết.
Do vậy, ngoài việc tự thiết kế, khi gặp một họa tiết đẹp, chị Lý cũng thường chụp lại, gửi cho các chị em trong nhóm tham khảo. Trong quá trình thêu, chị sẽ trực tiếp góp ý, chỉnh sửa, vừa để phù hợp, vừa để đẹp mắt. Nhờ thế, các sản phẩm mà chị Lý và hội chị em làm ra như có sức sống, từ các chi tiết cây cỏ, động vật, chim muông, đến mô phỏng các hoạt động của con người, làm nên sự sống động cho từng chi tiết trên trang phục.
Để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, chị Lý đặc biệt chú trọng đến các họa tiết thêu trên trang phục thổ cẩm |
“Nhìn vậy thôi, chứ công đoạn thêu hoa văn này cũng kỳ công và mất nhiều thời gian lắm. Nhất là những trang phục mặc đám cưới hay trang phục sử dụng khi biểu diễn ấy, họa tiết hoa văn đa dạng, cầu kỳ, mà chỉ những người có tình yêu thật sự với thổ cẩm, kiên trì mới có thể làm được thôi”, chị Lý bộc bạch.
Cũng chính nhờ sự chau chuốt trong công việc, cùng sự thay đổi, thích ứng với nhu cầu người tiêu dùng, những bộ trang phục thổ cẩm dân tộc mà chị cùng các chị em trong thôn làm ra được đông đảo người dân đón nhận. Đó chính là động lực để chị tiếp tục sáng tạo và gắn bó với nghề.
“Mà hơn thế, nhiều năm trở lại đây, dân tộc mình đã khôi phục việc mặc trang phục truyền thống trong các dịp quan trọng như cưới hỏi, hiếu hỷ… Đặc biệt, các em học sinh cũng mặc trang phục dân tộc khi đến trường rồi. Mình vui lắm, bởi đây là tín hiệu tốt cho thấy nghề truyền thống đang dần hồi phục, nét đẹp bản sắc văn hóa của dân tộc mình đang được giữ gìn, phát huy”, chị Lý vui vẻ chia sẻ.
Ông Hoàng Văn Hưởng - Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Đức đánh giá cao những sáng tạo, độc đáo trong các sản phẩm mà chị Lý và các chị phụ nữ làm ra |
Đặc biệt, trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet, chị Lý cùng các chị em không chỉ duy trì kênh bán hàng trực tiếp tại một số chợ lân cận, mà còn quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thổ cẩm trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Với chị, đây là cách làm hiệu quả, vừa giúp giảm thời gian tiêu thụ sản phẩm, vừa giúp sản phẩm được quảng bá rộng rãi. Từ đó góp vào hành trình đưa những sắc màu thổ cẩm rực rỡ sắc màu đi đến nhiều nơi, mang theo nét đẹp văn hóa bao đời của người dân tộc Dao nơi đây.
Giữ gìn, phát triển nghề truyền thống không chỉ là câu chuyện phát triển kinh tế, mà còn là cách bảo lưu nét văn hóa, bản sắc của mỗi địa phương. Đáng mừng là, trong sự giao thoa, hội nhập văn hóa mạnh mẽ hiện nay, vẫn có những người giống như chị Lý, luôn tâm huyết, cần mẫn và sáng tạo không ngừng trong giữ gìn, bảo tồn nghề truyền thống, để bản sắc văn hóa dân tộc được nối tiếp trao truyền và trường tồn với thời gian.
Học sinh dân tộc thiểu số ít người được tuyển thẳng vào trường phổ thông dân tộc nội trú |
Cải thiện sinh kế cho 6.000 người dân tộc thiểu số Sơn La |