Chuyện tình “Đi một về bốn” của vợ chồng Lào - Việt |
Xúc động ngày trở lại Việt Nam của cặp vợ chồng người Anh từng nguy kịch vì mắc COVID-19 |
Cặp uyên ương ghép từ hai nửa địa cầu
Căn phòng 2308, tòa nhà R1 chung cư Sunshie Riverside, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội là tổ ấm của gia đình anh Trần Tuấn Anh và người vợ Brizaida Hastie Gonzalez cùng ba người con.
Trong cuốn album ảnh cưới được anh chị giữ gìn hơn 10 năm qua vẫn lưu lại bức thư tình họ gửi cho nhau khi mới yêu. Anh Tuấn Anh cho biết: Anh và Brizaida quen nhau khi anh học chuyên ngành y khoa tại Đại học Y khoa La Habana, Cộng hòa Cuba. Giữa hai người không có tình yêu sét đánh. Họ cảm thấy phù hợp rồi yêu nhau từ thời sinh viên. Hai người lấy nhau vẫn còn tay trắng.
Trong ngày cưới anh chị được một người bạn Cuba cho mượn xe mui trần chạy khắp nơi trong thành phố chụp ảnh. Một người bạn Việt Nam cho mượn nhà bên bờ biển để làm “nhà trai”. Các sinh viên Việt Nam đang học tại Cuba lúc đó trang trí, tổ chức đám cưới.
Gia đình Việt Nam – Cuba Trần Tuấn Anh và Brizaida Hastie Gonzalez cùng 3 người con (Ảnh: KT). |
Sinh con khi cả hai vợ chồng còn đang học thạc sĩ, với trợ cấp hơn 100 USD trên tháng, năm 2013, để đưa vợ con về Việt Nam, bác sĩ Trần Tuấn Anh phải bán một căn nhà với giá 4.000 USD mà trước đó mẹ vợ cũng phải bán nhà đi để con rể và con gái đủ tiền mua căn nhà rộng hơn. Cùng với số tiền gom góp được, chuyến “đi một về bốn” của Trần Tuấn Anh đã thành hiện thực vào tháng 9/2013.
Hai bàn tay trắng, gia đình 4 người của Tuấn Anh chấp nhận thuê một căn phòng 25m2 không điều hòa, chỉ có một ô cửa rất nhỏ ở tạm rồi xin việc. Với kiến thức chuyên ngành, tay nghề cao, anh Tuấn Anh và vợ được nhận vào làm việc tại nhiều cơ sở thẩm mỹ lớn trong nước.
Trải qua quá trình học tập nghiêm túc, bồi dưỡng, nghiên cứu lâu dài ở cả trong nước cũng như quốc tế và đặc biệt hơn được sự tin tưởng và ủng hộ của khách hàng sau những thành quả mà bác sĩ đem lại, tháng 4/2020, bác sĩ Tuấn Anh quyết định xây dựng thương hiệu về phẫu thuật thẩm mỹ cho riêng mình.
Anh Tuấn Anh cho biết: Trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, tôi và Brizaida chưa bao giờ cho rằng hạnh phúc phải là đầu bạc răng long. Chúng tôi đều nghĩ rằng, hạnh phúc có thể chỉ là một đêm, một ngày hoặc 10 năm. Ngày mai, tương lai là thứ không đoán định được. Chính vì thế, ngày nào sống bên nhau là phải thật hạnh phúc ngày đó.
Bí quyết hạnh phúc của cặp vợ chồng Việt Nam - Israel
Cách đây ba mươi năm, chị Phạm Hồng Anh và anh Yosi Torgeman (người Israel) có duyên gặp gỡ khi anh Yosi đại diện cho một công ty Israel tới Việt Nam để liên doanh với một công ty đá quý sở tại. Từ đồng nghiệp, hai anh chị dần trở thành những người bạn thân thiết. Bốn năm sau anh chị nên duyên chồng vợ và có với nhau bé gái đầu tiên.
Vợ chồng chị Phạm Hồng Anh và anh Yosi Torgeman (Ảnh: KT) |
Chị Hồng Anh kể: Ngày đó, sợ con gái kết hôn với "Tây" là "mất con”, bố tôi đặt ra rất nhiều thử thách với anh Yosi Torgeman. Ông yêu cầu anh Yosi về Israel xin giấy xác nhận không phạm tội và còn độc thân. Chỉ sau 10 ngày anh đã trình được những giấy tờ này đến bố vợ tương lai. Cuối cùng, khi không còn kéo dài thời gian được nữa, ông lại viện cớ đám cưới có rể “Tây”, sẽ khó mời bạn bè, đồng nghiệp tới đông đủ. Thế nhưng khi đám cưới diễn ra, bạn bè đều có mặt đông đủ để chúc mừng gia đình ông.
Cuối năm 1997, gia đình nhỏ ba người sang Israel để giải quyết công việc của anh Yosi. Ban đầu, hai anh chị dự định nán lại ở Israel lâu nhất là 6 tháng, nhưng rồi lần lữa kéo dài thành 4 năm. Công việc phát triển thuận lợi, hai anh chị lần lượt có thêm hai người con và cuối cùng quyết định định cư lâu dài ở Israel, quê hương anh Yosi.
Ở xứ người, chị Hồng Anh phải một mình chăm con cái khi anh Yosi đi làm. Sống tình cảm và hướng nội, chị ít khi bộc bạch với gia đình chồng về nỗi nhớ nhà cùng những khó khăn khi làm vợ, làm mẹ, làm dâu. “Tôi đã gặp gia đình chồng trước đám cưới và nhanh chóng hòa đồng với họ. Nhưng sang Israel, phong tục, văn hóa mỗi nơi một khác, người Israel vốn thẳng thắn, họ chỉ hiểu được khi tôi mở lòng chia sẻ. Trong khi tôi vốn là con út trong nhà, đã quen cảnh được bố mẹ chiều chuộng. Ngôn ngữ chưa thông thạo, tính tôi lại không muốn làm phiền nhờ vả ai, vì thế càng khó khăn. Phải mất vài năm sau tôi mới dần quen được với nếp sống của người Israel".
Bên cạnh những khác biệt, chị Hồng Anh cho biết người Việt và người Israel cũng có nhiều điểm chung, nhất là trân trọng gia đình. Người Israel cũng thân thiện như người Việt. Đó cũng là những cơ sở vững chắc để anh chị cảm mến nhau buổi ban đầu và quyết định gắn bó với nhau.
Mỗi năm, chị Hồng Anh lại về Việt Nam hai, ba lần thăm người thân. Các chuyến thăm vào mùa hè chị đều có các con đi cùng. Giờ đây, hai vợ chồng chị cùng làm tại một công ty xây dựng gần Be’er Sheva, miền Nam Israel. Chị đã có thêm cái tên Hadas, bên cạnh cái tên Việt. “Đã 30 năm bên nhau, bí quyết để gia đình tôi hạnh phúc chính là vợ chồng tôn trọng lẫn nhau", chị Hồng Anh nói.
Cô gái Ukraine vượt định kiến lấy chồng Việt Nam
Anh Phan Vũ Sơn (ở Hà Nội) có vợ là chị Sophia (quốc tịch Ukraine). Trước đây hai người sinh sống và làm việc tại Ukraine và mới về Việt Nam định cư được hơn 4 năm.
Kể về chuyện tình của mình, anh Sơn cho biết, anh sinh ra và lớn lên ở Ukraine. Khi bước chân vào trường Đại học Ngoại giao, anh tình cờ được làm quen với một cô gái người Ukraine xinh đẹp, quyến rũ. Cô gái ấy học cùng trường với anh nhưng khác khoa (khoa Tiếng Việt) và hiện giờ đó là vợ anh.
Gia đình hạnh phúc của Phan Vũ Sơn và Sofia (Ảnh: KT). |
Để nên duyên vợ chồng, anh chị phải trải qua nhiều khó khăn. Hẹn hò không được bao lâu anh phải đi du học thạc sĩ ở Đức. Sau đó một thời gian, chị cũng sang Việt Nam học thạc sĩ. Gia đình hai bên không ủng hộ tình yêu của hai người vì những khác biệt về phong tục, tập quán và khoảng cách. Bằng tình yêu đích thực, họ đã vượt qua "định kiến" để ở bên nhau.
Sau bốn năm yêu nhau, Sơn và Sofia tổ chức đám cưới sau khi cả hai cùng hoàn thành chương trình thạc sĩ. Hôn lễ của cặp đôi được tổ chức ở cả Kiev lẫn Việt Nam.
Sofia dễ dàng thích nghi với cuộc sống và văn hóa quê chồng. Tuy nhiên, có những điều nàng dâu ngoại quốc vẫn rất bỡ ngỡ. Ví dụ, ở Việt Nam, trước khi dùng bữa, con cháu phải mời ông bà, bố mẹ ăn cơm, còn ở nước ngoài thì không có thói quen đó. Sofia ban đầu khá bỡ ngỡ nhưng lại chịu khó học hỏi, lắng nghe nên nhanh chóng hòa nhập được với lối sống và thói quen của người Việt.
Nhận thấy ẩm thực Việt rất phong phú, Sofia quyết tâm rèn luyện kỹ năng nấu nướng, chinh phục mẹ chồng bằng những món ăn ngon tự tay làm ra. Cô gái Ukraine cũng lấy lòng được gia đình chồng khi hoàn thành tốt trọng trách của một nàng dâu trưởng. Mỗi dịp Tết, cô tự tin vào bếp nấu các món truyền thống như chả nem, canh măng...
Về phía Sơn, anh luôn dành thời gian quan tâm vợ từ những điều nhỏ nhất. Khi cả hai chào đón cô con gái đầu lòng - bé Alice, anh thường xuyên hỗ trợ vợ chăm con, làm việc nhà... Thỉnh thoảng, chàng trai Việt lại vào bếp nấu những món ăn Ukraine giúp vợ nguôi ngoai nỗi nhớ quê.
Chuyện tình của cô gái Hà thành và chàng trai châu Phi
Lê Thu Phương (Hà Nội) và Cee Jay (người Nigeria) gặp nhau lần đầu vào tháng 3/2018. Lần đó, Cee Jay lên phố đi bộ Hồ Gươm gặp 2 cô gái. Chàng trai ngoại quốc nói vài câu bông đùa. Một cô gái bất ngờ quay lại đáp trả Cee Jay bằng tiếng Anh. Điều đó khiến anh chú ý và hỏi chuyện nhiều hơn.
Lúc này anh mới biết, cô gái mình vừa trò chuyện là Thu Phương. Hai ngày sau, Cee Jay quyết định nhắn tin hẹn gặp cô. Tình yêu cứ thế nảy nở giữa hai người. Khi đó công việc của anh không ổn định, thu nhập lại bấp bênh. Về phía Thu Phương, cô sinh ra trong gia đình gốc Hà Nội. Mẹ mất sớm nên Thu Phương hỗ trợ bố chăm sóc các em, lo toan mọi việc trong gia đình.
Đám cưới của Cee Jay và Thu Phương trên du thuyền 5 sao ngoài vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) (Ảnh: KT). |
Ngày biết cô yêu Cee Jay, bạn bè và người quen đều thắc mắc, tại sao một người xinh xắn, giỏi giang như cô lại trao trái tim cho chàng trai da màu chỉ có hai bàn tay trắng. Khi Cee Jay về ra mắt và đặt vấn đề kết hôn, bố Phương từng hỏi thẳng anh: "Liệu cậu có làm ra tiền để nuôi được vợ con hay không?".
Cee Jay không trả lời câu hỏi của bố vợ ngay mà chứng minh bằng hành động. Anh phát triển công việc truyền thông, làm giáo viên dạy tiếng Anh và mở một kênh YouTube. Dần dần, bố Phương cảm động trước sự chân thành của chàng trai xứ lạ dành cho con gái mình nên gật đầu đồng ý.
Cuộc tình của họ từng trắc trở khi Cee Jay hai lần đòi chia tay. Lần thứ nhất, công việc của anh gặp bế tắc, trong túi chỉ có 20 nghìn đồng và không biết ngày mai phải ăn gì. Anh đòi chia tay để Phương tìm bến đỗ mới. Lần thứ hai, công ty của Cee Jay phá sản, anh một lần nữa rơi vào khó khăn. Anh quyết tâm cắt đứt liên lạc với Thu Phương, chặn số điện thoại, Facebook… Anh còn thẳng thừng nói: “Anh hết yêu em rồi”.
Ngày Cee Jay về nước, anh không đủ tiền mua vé máy bay. Thu Phương biết chuyện, cầm tiền mặt đến hỗ trợ Cee Jay. Hai người thi thoảng vẫn nhắn tin thăm hỏi. Duyên số xui khiến, ngày Cee Jay quay lại Việt Nam, họ quyết định hàn gắn.
“Những lúc tôi không có gì trong tay, những lúc cuộc đời tồi tệ nhất, tôi quay lưng để em đi tìm hạnh phúc khác nhưng Phương vẫn chờ tôi, đưa tôi qua giai đoạn khủng hoảng”, Cee Jay tâm sự.
Trái ngọt cuộc hôn nhân của họ là cô con gái đầu lòng giống bố như tạc và làn da bánh mật, lai giữa bố và mẹ.
Sau hơn 2 năm kết hôn và có một cô con gái, cặp đôi đã tổ chức đám cưới vào đầu tháng 10/2020 trên du thuyền 5 sao ngoài vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).
Xúc động những câu chuyện tình yêu nảy nở trong bom đạn chiến tranh |
Chồng Mỹ vợ Việt bán bún đậu mắm tôm đắt khách ngay giữa thành phố New York |