Giới thiệu nhà văn vĩ đại của văn học Brazil Machado de Assis đến công chúng Việt Nam |
Đại sứ Brazil Fernando Apparício da Silva: Tình cảm nhân dân rất quan trọng cho quan hệ hai nước |
Quang cảnh buổi họp nghiệm thu Dự án Từ điển Bồ-Việt. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Phát biểu tại sự kiện, TS. Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội, Trưởng Nhóm triển khai Đề án Từ điển Bồ-Việt cho biết: Brazil là quốc gia sử dụng tiếng Bồ Đào Nha đông nhất thế giới. Trong quá trình triển khai các hoạt động hợp tác, hữu nghị với phía Brazil, lãnh đạo Hội nhận thấy ngôn ngữ là công cụ tất yếu, cầu nối quan trọng hàng đầu nhằm thúc đẩy sự hợp tác, phát triển giữa hai quốc gia.
Sự ra đời của cuốn từ điển này được kỳ vọng giúp người dân Việt Nam nâng cao hiểu biết về đất nước và con người Brazil, đồng thời là công cụ đắc lực hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam làm việc, sinh sống, học tập tại Brazil.
Trải qua 5 năm nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, Dự án Từ điển Bồ-Việt đang dần hoàn thiện và bước vào những giai đoạn cuối. Vì vậy, Hội tổ chức buổi nghiệm thu để Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến từ Hội đồng thẩm định, từ đó có những chỉnh sửa phù hợp để có thể sớm hoàn thiện và phát hành.
TS. Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Brazil phát biểu tại buổi họp. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Từ điển chuyên đề Bồ-Việt gồm 3 phần. Phần 1 cung cấp các thông tin cần yếu , phổ quát, chính xác về tiếng Bồ Đào Nha và các vấn đề liên quan đến cộng đồng sử dụng tiếng Bồ. Phần 2 là 17 chuyên đề sử dụng nhiều trong giao tiếp thuộc tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội như: Giao tiếp trong đời sống hàng ngày, Gia đình, Giáo dục, Sức khoẻ, Nhà hàng và ẩm thực, Mua sắm, Thể thao, Văn hoá và lễ hội... Phần 3 có khoảng 20.000 từ vựng, có phần đối chiếu, các ví dụ giải thích, bối cảnh sử dụng.
Theo đánh giá của các thành viên Hội đồng nghiệm thu, Dự án Từ điển Bồ-Việt là một công trình khoa học có giá trị về nhiều phương diện. Phương diện nổi bật nhất là tính ứng dụng thiết thực.
GS.TS Hoàng Trọng Phiến phát biểu tại buổi họp. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Phát biểu tại buổi họp Hội đồng nghiệm thu, GS.TS Hoàng Trọng Phiến (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Cuốn sách được biên soạn bằng ngữ liệu và phương pháp mới nhất, hướng tới mục đích vừa phục vụ cho việc học tập, giảng dạy tiếng Bồ Đào Nha tại Việt Nam vừa giúp đỡ thiết thực cho người Việt Nam có nhu cầu đi làm việc, buôn bán tham quan du lịch ở các nước nói tiếng Bồ Đào Nha. Ngoài ra, cuốn từ điển cũng mong muốn trở thành cầu nối góp phần truyền bá văn hóa của các nước nói tiếng Bồ Đào Nha nói chung, đặc biệt là văn hóa Bồ Đào Nha, Brazil nói riêng tại Việt Nam”.
Cũng theo GS.TS Hoàng Trọng Phiến: "Công trình rất công phu, có tính khoa học, có tính thực hành, các chủ đề thiết yếu, căn bản gắn với các hoạt động giao tiếp cộng đồng. Nói một cách khác, đây là một kiểu mẫu làm từ điển chủ đề song ngữ rất hay ở nước ta..."
Nhận xét về bản thảo của Từ điển Bồ Đào Nha -Việt Nam, GS.TS Mai Ngọc Chừ (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng ưu điểm và đóng góp lớn nhất của công trình này là từ điển không chỉ là ... từ điển. Công trình thực chất vừa là sách học, dạy tiếng Bồ vừa là từ điển.
GS.TS Mai Ngọc Chừ cũng cho rằng đây là công trình được biên soạn công phu, nghiêm túc, có giá trị thực tiễn cao, cấu trúc cuốn sách logic, hợp lý, nội dung sách phong phú, bao quát cả phần dạy tiếng Bồ giao tiếp lẫn từ điển Bồ - Việt.
Thay mặt ban lãnh đạo Hội hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Brazil, bà Nguyễn Thu Giang, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội tặng hoa cảm ơn GS.TS Hoàng Trọng Phiến. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Phát biểu kết luận buổi họp, TS. Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội đề nghị nhóm tác giả tiếp thu và tiến hành chỉnh sửa để sớm có bản thảo hoàn chỉnh. Trên cơ sở đó Hội sẽ tiến hành những bước tiếp theo với nhà xuất bản để đảm bảo xuất bản từ điển trước khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần III của Hội.
Đại sứ Phạm Thị Kim Hoa: Brazil là đối tác lớn, quan trọng hàng đầu tại Nam Mỹ của Việt Nam |
Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Brazil: Nhịp cầu vững bền của tình dân hai nước |