Tri ân chiến sĩ vì hòa bình Madeleine Riffaud |
Trao quà và thư chúc mừng tới chiến sỹ vì hòa bình Madeleine Riffaud |
Theo tờ Le Monde (Pháp), sinh ngày 23/8/1924 tại Arvillers, miền Bắc nước Pháp, Madeleine Riffaud lớn lên trong bầu không khí đau thương của vùng Picardy, nơi hậu quả khốc liệt của Thế chiến thứ nhất vẫn còn hiện hữu. Bà thường gọi đó là “một nghĩa địa thực sự”. Tham gia kháng chiến ở tuổi 18, với mật danh "Rainer" lấy cảm hứng từ nhà thơ Rainer Maria Rilke, Madeleine đã trải qua nhiều trận đánh ác liệt trong lòng nước Pháp bị Đức Quốc xã chiếm đóng. Năm 1944, bà thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt một sĩ quan Đức ngay trên cầu đi bộ Solférino giữa Paris. Được Charles de Gaulle vinh danh và nhận Huân chương Croix de Guerre, Madeleine trở thành biểu tượng cho ý chí bất khuất của người dân Pháp.
Chiến sĩ vì hòa bình Madeleine Riffaud. (Ảnh: LP/Bastien Moignou)x |
Sau chiến tranh, với tư cách là phóng viên của báo Nhân đạo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp, bà đã đến nhiều vùng chiến sự, từ Algeria đến Việt Nam. Năm 1955, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, bà lần đầu đến Việt Nam làm phóng sự và vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1964, bà trở lại Việt Nam, tiếp tục hành trình vào miền Nam để tận mắt chứng kiến cuộc chiến đấu của người dân nơi đây.
Madeleine Riffaud là nữ phóng viên nước ngoài đầu tiên được đi theo cuộc chiến đấu của quân giải phóng trong các căn cứ bưng biền của “Việt Cộng”. Trở về Pháp, bà cho ra đời tác phẩm "Trong chiến khu Việt Cộng", được Tổ chức Quốc tế các Nhà báo (OIJ) trao giải thưởng vào năm 1966.
Madeleine Riffaud đã nhận được nhiều danh hiệu cao quý nhất của nước Pháp như Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh (1946) và Huân chương Quốc công của Chính phủ Pháp (2009). |
Khi Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam, Madeleine tiếp tục đến Hà Nội và Hải Phòng để quay phim, đưa tin về cuộc chiến đấu kiên cường của nhân dân Việt Nam. Những thước phim quý giá bà thực hiện đã trở thành bằng chứng mạnh mẽ tố cáo cuộc chiến tranh phi nghĩa, giúp Việt Nam nhận được thêm sự ủng hộ quốc tế và tạo lợi thế trên bàn đàm phán Hiệp định Paris.
Những bài báo và tác phẩm của bà về cuộc sống và những hy sinh đau thương của nhân dân Việt Nam là tư liệu vô giá, giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về cuộc kháng chiến vĩ đại của Việt Nam.
Madeleine Riffaud vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/9/1966 tại Hà Nội. (Ảnh tư liệu: KT) |
Bà từng chia sẻ: Những trải nghiệm sống cùng nhân dân Việt Nam dưới làn bom đạn đã giúp mọi người hiểu tại sao và bằng cách nào một cuộc kháng chiến "có thể kéo dài cả nghìn năm nếu cần". Đối với bà, đó chính là tinh thần yêu nước, ý chí quyết đấu tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam.
Với những đóng góp lớn lao, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã trao tặng bà Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (1984) và Huân chương Hữu nghị (2005). Năm tháng trôi qua, dù tuổi cao sức yếu, Madeleine Riffaud vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt cho Việt Nam, đất nước mà bà luôn coi là “Tổ quốc thứ hai” của mình. Bà nói: “Thật vui mừng khi thấy Việt Nam ngày càng vững mạnh”.
Trong thư chúc mừng bà Madeleine Riffaud sinh nhật lần thứ 100 hồi tháng 8/2024, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Hoài Trung viết: "Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng những đóng góp to lớn của đồng chí, từ khi còn là phóng viên chiến trường của Báo Nhân Đạo, bằng những thước phim và các bài viết quý báu của mình, đã góp phần tố cáo cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam, góp phần giúp cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam giành được sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ thế giới đi đến thắng lợi cuối cùng. Tình cảm đặc biệt mà đồng chí dành cho đất nước và nhân dân Việt Nam từ trước tới nay luôn là nguồn cổ vũ và khích lệ tinh thần lớn lao giúp chúng tôi đạt được nhiều kết quả và thành tựu mới, to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa". Cũng nhân dịp bà Madeleine Riffaud tròn 100 tuổi, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ tịch Hội hữu nghị và hợp tác Việt - Pháp viết trong thư chúc mừng: "Nhiều thập kỷ đã trôi qua kể từ khi Việt Nam giành được tự do, hòa bình sau muôn vàn mất mát đau thương do chiến tranh liên miên gây ra, nhân dân Việt Nam chưa bao giờ quên những người bạn vĩ đại đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp hòa bình, thống nhất đất nước của họ. Madeleine Riffaud vẫn ở trong trái tim chúng tôi như người bạn tuyệt vời. Cuộc đời hoạt động của bà là biểu tượng của lòng dũng cảm và chủ nghĩa nhân văn, sự chung thủy và kiên trì theo đuổi các giá trị hòa bình và tình anh em. Tình yêu to lớn và sâu sắc của bà dành cho Việt Nam thông qua những hành động đấu tranh không mệt mỏi vì hòa bình và thống nhất của Việt Nam, những tác phẩm mà bà viết về đất nước Việt Nam, lý tưởng về một thế giới tốt đẹp hơn mà bà theo đuổi suốt cuộc đời... trở thành di sản của tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Pháp. Ngay cả giờ đây, khi hận thù và chiến tranh vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi trên thế giới, chủ nghĩa nhân văn, lòng khoan dung và gương sống chiến đấu của bà vẫn luôn khích lệ chúng tôi trong cuộc sống hàng ngày. Là những người kế thừa tình hữu nghị lâu đời giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp do Hồ Chí Minh và các đồng chí Pháp khởi xướng, Hội hữu nghị và hợp tác Việt - Pháp, bản thân tôi và các thành viên khác tự hào khi được tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa sứ mệnh cao cả này". |
Daniel Ellsberg - người bạn Mỹ của Việt Nam qua đời |
Người bạn Mỹ và khúc hát vì hòa bình cho Việt Nam |