Chuyên cơ Nga chở 35 tấn hàng hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bão số 3 |
Điện Kremlin: Pháo đài quyền lực và huyền bí giữa lòng Moskva |
Gherman Stephanovich Titov sinh ngày 11/9/1935 tại làng Verkhnee Zhilino, thuộc vùng Altai (Nga), mất ngày 20/9/2000. Ông là phi công vũ trụ số 2 của Liên Xô và số 4 của thế giới bay vào khoảng không ngoài khí quyển trái đất sau Gagarin và hai phi công vũ trụ Mỹ Alan Shepard và Virgil Grissom. Ngày 6/8/1961, 4 tháng sau Gagarin, ông bay vào vũ trụ trên con tàu Phương Đông II.
Thượng tướng Gherman Stephanovich Titov. |
Theo sách Kỷ lục Guiness thế giới, dù không phải là người mở đầu nhưng Gherman Titov vẫn ghi dấu ấn đặc biệt vào lịch sử chinh phục vũ trụ bởi ông là người đầu tiên làm nhiều điều trên quỹ đạo bên ngoài trái đất. Ông là người đầu tiên bay hơn 1 ngày trên quỹ đạo (25 giờ 18 phút) với 17,5 vòng quanh trái đất. Trong khi đó Gagarin bay 108 phút (1 vòng quanh trái đất) còn 2 nhà du hành Mỹ ở trên quỹ đạo 15 phút.
Ông là người đầu tiên ngủ trong vũ trụ. Lúc đầu ông gặp phiền toái vì hai tay hai chân ông cứ tự động bay lên trong tình trạng không trọng lượng. Ông phải khắc phục bằng cách thắt dây an toàn qua cả hai cánh tay. Khi thiếp đi được, ông đã ngủ “ngon như một đứa trẻ” (lời của chính ông) lâu hơn dự kiến đến nửa tiếng đồng hồ khiến ông bỏ lỡ một lần liên lạc với trung tâm chỉ huy.
Ông là người đầu tiên điều khiển tàu bằng tay trên quỹ đạo. Titov là người đầu tiên chụp ảnh trái đất và quay phim trái đất bằng tay từ vũ trụ. Bữa ăn đầu tiên của con người trong vũ trụ cũng do Titov thực hiện, thức ăn là các món súp, gan nghiền đựng trong tuýp và nước quả phúc bồn tử.
Titov cũng trở thành người trái đất đầu tiên bị “bệnh vũ trụ” khi thấy sự khó chịu và chóng mặt do tình trạng trên. Một số tài liệu còn ghi ông là người trái đất đầu tiên đã nôn trong vũ trụ. Cho đến bây giờ, sau hơn nửa thế kỷ lịch sử chinh phục vũ trụ, Titov vẫn giữ danh hiệu là người trẻ tuổi nhất bay vào khoảng không ngoài trái đất khi mới 25 tuổi 11 tháng.
Trong cương vị lãnh đạo Hội hữu nghị Xô - Việt (1966-1991) và Hội hữu nghị Nga - Việt (1991-2000), Gherman Titov đã dành cả cuộc đời mình để thúc đẩy quan hệ hai nước.
Ông Vladimir Petrovich Buyanov, Chủ tịch Hội hữu nghị Nga - Việt cho biết: Trong thời gian Việt Nam đấu tranh giành độc lập, Hội hữu nghị Xô - Việt do Gherman Titov lãnh đạo đã tổ chức nhiều hoạt động tích cực ủng hộ phong trào quốc tế đoàn kết với Việt Nam. Ông nhiều lần dẫn đầu đoàn đại biểu Hội hữu nghị Xô - Việt sang Việt Nam để chuyển hàng viện trợ.
Năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, một nhóm cốt cán của Hội hữu nghị Xô - Việt với sự tham gia tích cực của Gherman Titov đã thành lập Hội hữu nghị Liên bang Nga - Việt Nam. Ông được bầu làm Chủ tịch danh dự của Hội và hoạt động tích cực cho đến khi qua đời.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trao Huân chương Anh hùng Lao động Việt Nam tặng nhà du hành vũ trụ Liên Xô German Titov tại Hà Nội, ngày 21/1/1962. (Ảnh: Sputnik) |
Suốt cuộc đời mình, Gherman Titov có đóng góp quan trọng vào việc phát triển quan hệ hợp tác khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực không gian, công nghệ và kỹ thuật quân sự giữa Việt Nam và Liên Xô. Trung tướng, Anh hùng, Phi công vũ trụ Phạm Tuân cho biết, Gherman Titov là một trong những người đầu tiên đưa ra sáng kiến về chuyến bay Xô - Việt vào vũ trụ và luôn tích cực thúc đẩy để hiện thực hóa chương trình này. Chuyến bay trên con tàu Liên hợp 37 ngày 23/7/1980 đã đưa Phạm Tuân trở thành người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đến nay vào vũ trụ.
Với những đóng góp to lớn đó, Gherman Titov đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam.
Theo lời kể của các thành viên Hội hữu nghị Nga - Việt và vợ của Gherman Titov - bà Tamara Vasilievna, năm 1991, nước Nga biến động lớn về chính trị. Nhân lúc hỗn loạn, một số kẻ quá khích định phá bỏ Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Quảng trường mang tên Bác ở Moskva.
Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam biểu diễn nhạc cụ dân tộc dưới chân tượng đài Bác Hồ ở Moskva. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân) |
Nghe tin, Thượng tướng Gherman Titov, khi ấy là Chủ tịch Hội hữu nghị Xô - Việt, cùng một nhóm những người bạn của Việt Nam tức tốc đến hiện trường. Ông đứng trước bức tượng và quát: “Kẻ nào dám xâm phạm tượng của Người trước hết phải bước qua xác tôi”. Sau đó ông và những người bạn của Việt Nam đã thay nhau canh gác bên tượng đài để ngăn chặn những kẻ quá khích.
Ghi nhận sự việc này, Báo Văn hóa của Nga, số 10 năm 1991 đăng bài về chuyện có những thế lực âm mưu “di dời” tượng Bác, trong đó có đoạn:
“Một mưu đồ đê tiện - Phi công vũ trụ, Anh hùng Lao động Việt Nam Titov đã nhận định như vậy về kế hoạch của Hội đồng thành phố Moskva chuyển tượng Hồ Chí Minh đi. G.Titov đã nhắc lại rằng, Hồ Chí Minh, ngoài chuyện là một lãnh tụ chân chính của nhân dân, một nhà tư tưởng, nhà thơ và con người với đạo đức cao thượng nhất còn là một người bạn lớn của Liên Xô, người có nhiều năm sống ở Moskva. Việc di dời, theo ý kiến của Titov, sẽ gây tổn thất không thể bù đắp cho uy tín của Liên Xô ở Việt Nam và trên khắp thế giới.”
Trong cuốn sách “Hành tinh xanh của tôi” (xuất bản năm 1977), Gherman Titov đã kể lại câu chuyện Bác Hồ lấy tên ông đặt cho một hòn đảo tại Việt Nam. Theo đó, gần 5 tháng sau khi thực hiện thành công chuyến bay vũ trụ trên con tàu “Phương Đông 2”, German Titov được Trung ương Đảng, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh mời sang thăm Việt Nam.
German Titov được lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đón tiếp nồng hậu, chân tình. |
Sáng ngày 22/1/1962, Bác Hồ đã cùng German Titov đi thăm vịnh Hạ Long. Khi tàu đi qua một trong số 3.000 hòn đảo trong vịnh, Gherman Titov đã xin phép Bác Hồ cho xuống bơi bên hòn đảo có bãi cát nhỏ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng German Titov (thứ 2 từ trái sang) thăm vịnh Hạ Long. |
Sau khi đi một vòng quanh đảo, Bác cùng Gherman Titov ăn bữa cơm kỷ niệm với đảo và các chiến sĩ bảo vệ Bác. Bác khen đảo đẹp và hỏi thuyền trưởng hải quân làm nhiệm vụ chở đoàn:
- Các chú, đây là đảo gì?
- Thưa Bác, đảo này được đánh số 46 (có tài liệu nói 48) ạ.
- Có lẽ Gherman không ở thăm nước ta mãi được, nhưng chúng ta sẽ có cách để lưu chú ấy ở lại đây mãi.
Quay sang Gherman Titov, Bác nói:
- Bác cháu ta đặt tên cho đảo này là đảo Titov. Cháu cứ sang đây, Bác và mọi người lúc nào cũng vui mừng.
Rồi Bác nói với thuyền trưởng:
- Cháu cho sửa lại trên bản đồ nhé, từ nay gọi là đảo Titov.
Mọi người có mặt lúc đó đều cười vui vẻ, đồng tình.
Đảo Titov, vịnh Hạ Long. |
Theo thông tin từ ông Nguyễn Trung Hậu, Phó trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, trong bản đồ của người Pháp vẽ về Hạ Long cuối thế kỷ 19, đảo Titov có tên là hòn Cát Nàng. Tuy nhiên, không giống một vài trường hợp được đặt tên mới nhưng vẫn bị gọi theo tên cũ, từ nhiều năm nay, người dân Việt Nam đều thống nhất gọi nơi đây là đảo Titov.
Ngày nay, đảo Titov nằm ở khu vực trung tâm Vịnh Hạ Long, cách cảng tàu Bãi Cháy khoảng 11km về phía Đông Nam, diện tích toàn bộ đảo là 2,3ha. Đây là điểm đến hấp dẫn du khách không chỉ vì có bãi tắm đẹp và sạch mà còn có nhiều dịch vụ du lịch hấp dẫn khác như bơi thuyền, lặn biển, kéo dù... Trung bình mỗi năm đảo Titov đón khoảng 2 triệu lượt khách tới tham quan. Tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư cải tạo, nâng cấp bến tàu để tạo thuận lợi cho du khách.
Bức tượng bán thân Gherman Titov. |
Năm 2015, Hội hữu nghị Việt - Nga với sự tham gia, hỗ trợ tích cực của tỉnh Quảng Ninh đã triển khai xây dựng tượng bán thân Gherman Titov ngay trên hòn đảo mang tên ông. Mặt bằng ngoại thất tượng Gherman Titov có tổng diện tích hơn 1000 m2. Tượng được làm bằng đá xanh Thanh Hóa gồm hai khối, cao gần 6m, nặng hơn 26 tấn. Ngày 12/8/2015, tượng được vận chuyển ra đảo Titov và dựng lên bệ.
Sau đó, ngày 1/9/2015, tấm bia đá được làm từ một khối đá tự nhiên, dày 30cm, cao 1,5m, nặng gần 3 tấn thuộc tổ hợp tượng đài cũng được chuyển ra đảo. Bia đá khắc chữ ở hai mặt bằng tiếng Việt, tiếng Nga, tiếng Anh với nội dung về việc Bác Hồ đặt tên Titov cho đảo và những thông tin chính về Titov.
Tượng Titov được vận chuyển ra đảo. (Ảnh: Nguyễn Đăng Phát) |
Lễ khánh thành tượng Gherman Titov diễn ra vào ngày 14/9/2015 nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh nhà du hành (11/9/1935-11/9/2015), 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Buổi lễ có sự tham gia của bà Tamara Vasilievna - vợ ông và Tatiana Ghermanovna - con gái ông.
Vợ và con gái Gherman Titov dưới những tấm ảnh Bác Hồ với Titov. (Ảnh: Báo Tiền phong) |
Cung điện Mùa Hè Peterhof: Từ nơi nghỉ dưỡng xa hoa đến bảo tàng lịch sử Cung điện Peterhof, biểu tượng quyền lực của Nga hoàng, từng là khu nghỉ dưỡng xa hoa bên bờ vịnh Phần Lan. Qua bao thăng trầm lịch sử, từ thời kỳ hoàng gia huy hoàng đến chiến tranh tàn phá, ngày nay Peterhof đã hồi sinh và trở thành bảo tàng lịch sử, thu hút hàng triệu du khách trên toàn thế giới. |
Việt Nam quảng bá sản phẩm tại hội chợ ẩm thực quốc tế tại Nga Ngày 17/9 (giờ địa phương) Gian hàng quốc gia Việt Nam tại Hội chợ Quốc tế về Thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024 đã được khai trương trong khuôn viên sự kiện tại Trung tâm Triển lãm Crocus Expo, Moskva, Liên bang Nga. |