KINH TẾ - XÃ HỘI

2025-01-15 20:45:58

Chiều 21/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm các lĩnh vực: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực tư pháp, tố tụng

Tại phiên họp, nhiều đại biểu quan tâm chất vấn về giải pháp thống nhất hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm; các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án; vấn đề trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung để không oan sai và không bỏ lọt tội phạm.

Phản ánh thực trạng hiện nay, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng, mỗi cơ quan đang sử dụng phần mềm và cơ sở dữ liệu riêng về khiếu nại, tố cáo, chưa có sự kết nối liên thông. Điều này gây khó khăn trong việc theo dõi, giám sát giải quyết đơn thư của công dân, đặc biệt giữa cơ quan Trung ương và địa phương. Đại biểu cho rằng, tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài cũng là một trong những hậu quả của vấn đề này.

Từ đó, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ làm rõ các giải pháp để thống nhất hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, đảm bảo theo yêu cầu trong các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan vấn đề này.

Trả lời chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cải cách hành chính nhà nước và đã được lãnh đạo chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện trong thời gian qua.

Thanh tra Chính phủ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 55 ngày 23/8/2022 quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; đã xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo để triển khai đến các bộ, ngành, địa phương trên phạm vi cả nước.

Thanh tra Chính phủ đã xây dựng và đang triển khai mô hình tiếp công dân trực tuyến; một số bộ, ngành, địa phương đã xây dựng phần mềm tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại tố cáo.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cũng nêu một số khó khăn, bất cập trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin. Đó là chưa đáp ứng được yêu cầu kết nối dữ liệu trên phạm vi toàn quốc và liên thông trong hệ thống các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... Các địa phương, bộ, ngành chưa thường xuyên cập nhật số liệu vào cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo do Thanh tra Chính phủ xây dựng và đang triển khai.

Một số bộ, ngành, địa phương sử dụng phần mềm riêng nhưng chưa có kết nối liên thông. Việc ứng dụng công nghệ thông tin cần đầu tư nguồn lực lớn về tài chính và con người, trong khi điều kiện thực tế ở một số bộ, ngành và nhiều địa phương còn hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức.

Về giải pháp trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đó, nghiên cứu đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thường xuyên cập nhật dữ liệu vào hệ thống; đầu tư cơ sở vật chất, bố trí cán bộ phù hợp trong lĩnh vực này. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ tham mưu Chính phủ đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo vào một nhánh của Đề án 06 để kết nối liên thông trên phạm vi toàn quốc.

Về lĩnh vực tòa án, đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) cho biết, theo Nghị quyết 755 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 27/3/2023 có nêu, trong công tác xét xử tiếp tục triển khai các giải pháp, nhất là các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án để đảm bảo trong tố tụng, trong xét xử và chấp hành nghiêm thời hạn tố tụng. Từ đó đại biểu đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết trong thời gian qua đã triển khai những giải pháp đột phá nào để thực hiện tốt các nội dung trên.

Về giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Tòa án đã triển khai 17 giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử như: thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp; tăng cường đảm bảo áp dụng pháp luật trong xét xử; đổi mới các phiên tòa; nâng cao chất lượng bản án; công khai các bản án trên Cổng thông tin điện tử để nhân dân giám sát; tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến kịp thời; tăng cường hòa giải; phối hợp chặt chẽ các cơ quan tố tụng và các cơ quan liên quan để giải quyết vụ án; tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm. Trong đó giao chỉ tiêu cho các thẩm phán mỗi năm có ít nhất 1 phiên tòa rút kinh nghiệm để luật sư, viện kiểm sát, điều tra viên cùng tham gia để nhận xét những mặt được, chưa được của các thẩm phán để nâng cao chất lượng xét xử của thẩm phán...

Áp dụng đúng việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tố tụng

Chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị cho biết các giải pháp đã được triển khai và những chuyển biến trong việc tỷ lệ yêu cầu trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung sau khi thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí khẳng định, việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tố tụng là một biện pháp được phép sử dụng để chống oan sai, bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, vấn đề là cần sử dụng đúng biện pháp này. Vì trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tòa án hoặc kiểm sát phát sinh tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ việc thì vẫn phải trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung để không oan sai và không bỏ lọt tội phạm.

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Về mặt khách quan, tội phạm ngày càng tinh vi, phức tạp, đặt ra thủ tục tố tụng không theo kịp tính chất phức tạp của nó như tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao...

Vì vậy, Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng, nội dung này đặt ra là có những vấn đề chưa tiên liệu được, trong khi chúng ta gặp nhiều khó khăn, phức tạp mới về tội phạm, đồng thời phải đảm bảo quyền con người, không oan sai, không bỏ lọt tội phạm.

Do đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí nhận thấy, việc điều tra bổ sung là việc cần phải làm nhưng không được lạm dụng. Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự có phát sinh một số vướng mắc chưa được cơ quan có thẩm quyền giải thích, dẫn đến sự khác nhau về nhận thức áp dụng pháp luật của cơ quan tố tụng, đặc biệt của cơ quan điều tra, kiểm sát viên.../.

"Đề án 06 chỉ thành công khi mỗi người dân, doanh nghiệp tham gia và thụ hưởng"

Thủ tướng nhấn mạnh để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển của Thủ đô đến năm 2025, nhất là đẩy mạnh Chuyển đổi Số và triển khai có hiệu quả Đề án 06, nhiệm vụ đặt ra là vô cùng quan trọng.

(TTXVN/Vietnam+)
Top