Hành trình từ cậu bé chăn trâu trở thành tiến sĩ

2025-01-17 20:38:18

Khởi hành từ bến xe miền Tây, tôi trải qua 5 tiếng trên chuyến xe Sài Gòn - Đồng Tháp để tới thành phố Cao Lãnh. Sau đó, tôi ngồi xe đò 4 tiếng nữa để đến được huyện Tân Hồng. Cuối cùng, sau 30 phút ngồi xe ôm, tôi đặt chân tới ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ, nơi chỉ cách một vạt rừng là đến Campuchia.

Những người lớn tuổi tại ngôi làng nhỏ vùng biên này thường kể cho con cháu mình nghe câu chuyện về Nguyễn Khắc Điệp, cậu bé chăn trâu của xóm nghèo ngày nào, vừa trở về từ nước Nga xa xôi với tấm bằng tiến sĩ.

Thành công của Nguyễn Khắc Điệp đến từ lòng quyết tâm, nghị lực và ý chí

Đường đi học xa vời vợi

Nguyễn Khắc Điệp sinh ra trong gia đình nông dân đông con ở xã biên giới Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng - huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đồng Tháp.

Thời tiết ở đây mang đặc trưng vùng miền Tây sông nước. Vào mùa khô, bụi đỏ đất sét bay đầy đường. Mùa mưa, từng đoạn đường lầy lội trơn trượt, chẳng phương tiện giao thông nào có thể di chuyển.

Khắc Điệp kể, có những hôm đạp xe được đến trường, người dính đầy đất sét vì té ngã. Nam sinh chỉ kịp dội nhanh bằng nước lã rồi vào lớp học, mặc kệ quần áo đỏ quạch, ướt sũng, còn người thì rét run.

Đa phần người dân ở Tân Hồng tới từ các vùng nghèo như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị và một số tỉnh của miền Bắc vào lập nghiệp. Dù người dân chịu khó, chắt chiu, dành dụm, chăm lao động, cái nghèo vẫn đeo bám vùng đất này bao năm qua.

Để nuôi 5 anh em Khắc Điệp ăn học, cha mẹ phải làm thuê, buôn gánh bán bưng khắp nơi, tích lũy từng đồng mua ruộng đất trồng lúa. Khắc Điệp và các em quyết tâm học hành để không phụ công lao đấng sinh thành.

"Hồi đó, mình đi học nửa buổi, nửa buổi ở nhà phụ cha mẹ. Cứ chiều chiều là vắt vẻo ngồi trên lưng trâu học bài, đọc sách. Nhà nghèo, sách vở phải giữ cẩn thận để dành cho em học. Từng cái bút, cái cặp, cuốn vở đều quý giá", chàng trai nhớ lại.

Bà Nguyễn Thị Minh, mẹ Điệp, kể: Những năm học cấp 3, nhà cách xa trường, mấy anh chị em xin cha mẹ lên thị trấn Sa Rài cách nhà 10 km, dựng căn lều tranh tạm bợ trên đất nhà người quen, tự nấu ăn, tự học cho đến khi đỗ đại học.

Năm 2002, Khắc Điệp đỗ Đại học Cần Thơ, ngành Sư phạm Toán. Cùng lúc, chị gái và em trai Điệp cũng đỗ đại học.

Những ngày đó, đoạn đường từ xóm nghèo vùng biên giới đến thành phố Cần Thơ đi lại khó khăn. Cứ 5h sáng, Điệp phải đi xe ôm 30 km ra bến xe huyện. Sau đó, chàng sinh viên nghèo lên tuyến xe Hồng Ngự - Sài Gòn, nhưng chỉ đi tới ngã ba An Thới Trung (Tiền Giang), phải xuống đón xe khách chạy qua cách tỉnh Cà Màu, Bạc Liêu, Hậu Giang để tới được Cần Thơ.

"Mình hay bị lừa lắm. Lên xe không bị thu tiền cao thì cũng bị thả giữa đường. Nhiều lần bị thả ở Vĩnh Long, phải tốn thêm tiền đi xe ôm mới tới được Cần Thơ. Lần nào từ nhà lên cũng mang theo lỉnh kinh gạo, nước mắm, thức ăn để ăn dần cho tiết kiệm", Khắc Điệp nhớ lại.

Bước ngoặt cuộc đời

Năm 2003, gia đình Điệp liên tiếp chịu hai cú sốc mất người thân. Giữa lúc các con đều đang tuổi ăn học, cha Điệp mắc bệnh và qua đời khi mới 45 tuổi. Chưa đầy 6 tháng sau, em gái út xinh xắn, học giỏi ngã xuống ao chết đuối.

Trong nỗi đau đớn tột cùng, gia đình nghèo càng thêm túng thiếu. Nam sinh từng nghĩ sẽ nghỉ học để đi làm kiếm tiền giúp mẹ: "Ba mất nên mọi gánh nặng đè lên đôi vai của mẹ. Vừa làm cha, vừa làm mẹ, vừa nuôi 4 đứa con đang tuổi tới trường, mẹ còn phải nén nỗi đau mất chồng con", Điệp ngậm ngùi nhớ lại.

Đúng lúc ấy, Điệp nhận được được học bổng toàn phần du học Nga của Bộ GD&ĐT dành cho sinh viên xuất sắc.

"Với sinh viên nghèo, du học là giấc mơ quá xa vời để mình dám mơ tới, quá khó khăn để dám tưởng tượng. Đi từ nhà đến Cần Thơ, Sài Gòn đã khó khăn, nước Nga là nơi xa lạ, chỉ có trong tưởng tượng", chàng trai quê Đồng Tháp bày tỏ.

Tiến sĩ 8X trải lòng, lúc đó, nghĩ tới mẹ sắp kiệt sức vì một mình lo cho cả 4 đứa con, anh quyết chọn con đường du học.

“Mình chỉ muốn giúp mẹ bớt gánh lo cơm áo gạo tiền, nhường phần chi phí cho các em, chứ nào có khái niệm du học là thế nào" - anh nói.

Thành công tại nước Nga xa xôi

“Trước khi mất, cha tôi dặn, cha mẹ đã khổ nhiều, nhưng các con phải học hành nghiêm túc; thêm hình ảnh vất vả của mẹ nơi quê nhà, đồng thời biết các em mình cũng cố gắng hết sức, mình tự nhủ bản thân phải chuyên tâm học tập và không được từ bỏ.

Người khác cố gắng một, mình phải cố 10. Cơ hội của mình chỉ có một, nếu không thành công thì không còn cách nào khác”.

Nguyễn Khắc Điệp

10 năm trước, với một sinh viên nghèo, lại đến từ vùng biên cương, những thông tin ít ỏi trên Internet về nước Nga khiến Điệp rất hoang mang. Nhưng gạt qua nỗi lo lắng, cậu quyết tâm lên đường tới đất nước cách xa quê hương 5.000 km.

Mặc dù trước khi bước chân tới xứ sở bạch dương, Điệp được làm quen với bảng chữ cái, học nói một số câu đơn giản tiếng Nga, nhưng khi đặt chân đến đây vào những ngày đầu đông tháng 10, chàng sinh viên gặp ngay khó khăn về ngôn ngữ.

“Trời lạnh, mình vừa nói chuyện vừa thở ra khói, lại chỉ nói lập bập vài từ khiến người Nga không hiểu. Họ cũng nói ngữ điệu địa phương, mình cũng không hiểu nốt” - chàng trai kể lại.

Đáng nhớ nhất với Khắc Điệp trong những ngày đầu mới du học là bị “nhốt cách ly” trong bệnh viện hơn một tuần. Mới tới Nga khoảng một tháng, tiếng vẫn chưa nói được nhiều, cả nhóm sinh viên Việt Nam "rủ nhau"… ngộ độc thức ăn. Điệp được đưa tới một bệnh viện cách xa trung tâm thành phố, nhập viện, cách ly chữa trị hơn một tuần.

“Bệnh viện ở Nga rất nghiêm. Mới từ Việt Nam tới, ngày nào y tá cũng chỉ cho ăn món cháo kê khó nuốt, nên mình toàn nhịn đói. Lúc ấy, chẳng còn đau bụng nữa, mà chỉ còn đói bụng” - Điệp cười nhớ lại - “Một số anh chị sinh viên Việt Nam tìm ra được bệnh viện mình đang nằm, tiếp tế mỳ tôm, mình ăn liền 4-5 gói. Chưa bao giờ mình thấy mỳ tôm ngon đến thế”.

Nguyễn Đăng Minh, bạn học của Điệp tại Nga kể, sau đó vài tháng, có hôm học sớm, Điệp bị một chiếc xe đi sai làn đường đâm, hất ngã vùi dưới tuyết. Khi bác tài xế lo lắng hỏi có cần đưa vào bệnh viện không, chàng trai nén đau đớn trả lời “không cần, tôi phải đi học bây giờ, sắp tới giờ kiểm tra Vật lý rồi”.

“Sau đó, mình phải đi cà nhắc cả tháng mới khỏi vì chân bị chấn thương. Bàn tay thì tê rần một tuần vì bị vùi quá lâu dưới tuyết. Tất nhiên, những chuyện như thế, mình đều không nói với mẹ ở nhà, đến giờ mới tiết lộ”, Khắc Điệp tiếp lời.

Khi được hỏi về cách khắc phục những khó khăn trong cuộc sống du học xa nhà, chàng trai cho hay, 10 năm ở nước Nga, chưa giây phút nào anh lơ là việc học, giành toàn bộ quyết tâm và ý chí cho học tập, nghiên cứu.

“Rào cản lớn nhất với phần lớn du học sinh vẫn là ngôn ngữ. Khi vượt qua được rào cản này, những vấn đề khác như văn hóa, tiếp thu kiến thức, hòa nhập cộng đồng... sẽ dễ dàng hơn” - anh cho hay.

Chọn cách trò chuyện với bạn bè bản xứ, tiếp xúc nhiều với thầy cô giáo giảng dạy mình, giao tiếp với người bán hàng, luyện nói với người Nga là cách Khắc Điệp học ngoại ngữ.

"Có lẽ do chăm chỉ nên mình nhận được sự giúp đỡ và yêu quý của nhiều thầy cô người Nga trong học tập, lẫn trong cuộc sống, đặc biệt là người hướng dẫn mình làm luận án tiến sĩ", 8X tâm sự.

Điệp kể, có những lúc việc nghiên cứu bế tắc, chính người thầy lặn lội trời tuyết trong đêm tối hay vừa nằm trong bệnh viện vừa hướng dẫn, chỉ bảo làm bài là động lực khiến chàng du học sinh cố gắng.

Thầy V.F. Chystiakov, giáo viên Đại học Quốc gia Irkutsk, người hướng dẫn Điệp nghiên cứu tiến sĩ, cho hay: Khắc Điệp tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ với 100% điểm 5 (tương đương điểm 9-10 tại Việt Nam).

Nguyễn Đăng Minh cho biết thêm, ngay sau đó, Điệp nhận được học bổng toàn phần làm nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Irkutsk. Nam sinh tiếp tục trải qua 4 năm “nằm gai nếm mật”, miệt mài trong phòng thí nghiệm, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với kết quả xuất sắc. Đề tài nghiên cứu của chàng trai Việt Nam đạt Bằng sáng chế của Bộ khoa học Nga.


Khắc Điệp cho rằng du học để mang kiến thức về giúp ích cho đất nước, được làm việc trên quê hương mình mới là điều đáng quý

Ra đi và trở về

10 năm sinh sống và học tập tại Nga, Khắc Điệp để lại cho bạn bè và thầy cô đất nước bạch dương nhiều ấn tượng về cậu học trò Việt Nam chăm chỉ, chịu khó, hòa đồng. Điệp nhiều lần được thay mặt trường, khoa tham dự những hội nghị, dự án tại các trường hoặc thành phố khác.

Không những thế, Khắc Điệp còn góp phần thành lập kênh truyền hình dành cho du học sinh tại Nga và toàn thế giới mang tên SV IRK365, tổ chức nhiều hoạt động dành cho người Việt Nam tại Nga, quyên góp cho người nghèo, viết bài giới thiệu về cộng đồng người Việt tại hải ngoại…

Chàng trai này cũng nhiều lần được Đại sứ quán Việt Nam tại Nga và Trung ương Đoàn TNCS HCM trao bằng khen vì những hoạt động tích cực.

Kết thúc chương trình tiến sĩ, Khắc Điệp nhận được nhiều lời mời ở lại Moscow làm việc với đãi ngộ và mức lương hấp dẫn. Thế nhưng, chàng trai vùng sông nước, với suy nghĩ “học để trở về", đã quyết định trở về quê hương.

Điệp còn có nguyện vọng công tác gần quê nhà để được thường xuyên chăm sóc mẹ và gia đình. “Mình đã đi xa 10 năm, đây là lúc mang kiến thức học được giúp ích cho đất nước. Có thể sẽ không làm được gì to lớn, nhưng được làm việc trên quê hương mình mới là điều đáng quý”, Điệp nhận định.

Giờ đây, Điệp công tác và làm việc tại Viện Công nghệ Thông tin tại Sài Gòn. Cứ cuối tuần, chàng tiến sĩ lại trở về nhà với mẹ tại huyện vùng biên Tân Hồng. Không khó bắt gặp hình ảnh vị tiến sĩ ấy thái rau cho gà, chăm đàn lợn, hay thay nước ao cá.

"Đây là công việc mình mơ ước từ khi con bé. Hồi nhỏ, mình ươc lớn lên được trở thành quân nhân. Nhưng vì người thấp bé nên vẫn nghĩ sẽ không bao giờ được làm việc trong quân đội. Bây giờ mình đã hiểu, cầm bút vẫn có thể bảo vệ được đất nước", chàng tiến sĩ nói về công việc hiện tại.

Nguyễn Minh Cư, học sinh trường THPT Tân Hồng, Đồng Tháp cho biết, túp lều tranh tại thị trấn Sa Rài được anh chị em Nguyễn Khắc Điệp dựng giờ đây đã trở thành nơi ở và học tập của các học sinh nghèo xã Tân Hộ Cơ. Khắc Điệp trở thành nguồn động viên, tấm gương noi theo của các học sinh nghèo hiếu học vùng biên cương.

Nguyễn Hoài Đảm, cựu du học sinh Nga, chia sẻ, Nguyễn Khắc Điệp là người anh lớn của cộng đồng du học sinh Việt Nam tại thành phố Irkutsk, Nga. Không chỉ có thành tích học tập xuất sắc vượt trội, anh còn năng động và hết mình trong các hoạt động sinh viên, cộng đồng người Việt.

Tiến sĩ khoa học V.F. Chystiakov, người trực tiếp hướng dẫn Khắc Điệp hoàn thành luận án tiến sĩ dành nhiều tình cảm yêu mến cho học sinh đến từ Việt Nam.

Bằng sự chăm chỉ, nỗ lực, Khắc Điệp nhiều lần đạt giải cao trong các kỳ thi Olympic sinh viên cấp quốc gia. Điệp từng thực hiện "Ký sự hỏa xa", kể về hành trình của mình khi đi tham gia hội thảo khoa học tại nhiều thành phố trên toàn nước Nga.

Theo Zing

Nguồn bài viết : Miền Nam

Top