Bán muối không ai giàu

2025-01-17 20:38:18

Ông Hồ Thanh Tuấn “Bán muối không ai giàu”. Họa chân dung: Hoàng Tường.

Ông Hồ Thanh Tuấn, giám đốc công ty muối Bạc Liêu, thế hệ 6X, tốt nghiệp đại học ngành thuỷ sản. Ra trường, ông theo cha mình đi… bán muối.

Cha ông là giám đốc đầu tiên của công ty muối Bạc Liêu, thành lập năm 2001 – bây giờ là công ty cổ phần muối Bạc Liêu.

Vốn là mặt hàng khô, lại không bao giờ ế vì ai cũng phải dùng muối, vì vậy thưa anh, làm nghề… bán muối có khó không ạ?

– Cha tôi về hưu, ông nói tôi tiếp tục hành trình của ông. Tôi nhận lời vì nghĩ mình đi học về cũng để phụ giúp ông và làm được điều gì đó cho tỉnh nhà.

Lúc đầu tưởng bán muối cũng… đơn giản, vì muối mà, có gì ghê gớm. Nhưng làm rồi mới thấy, không mê muối, không thương diêm dân, không thể kiên nhẫn bám trụ.

Nghề muối bây giờ bấp bênh lắm, khó khăn nhứt là đầu ra, kinh doanh mà giá thấp quá cũng nản.

Bây giờ chủ yếu là làm thương hiệu cho tỉnh nhà thôi chứ giá trị gia tăng của hột muối Bạc Liêu chưa có nên doanh thu cũng thấp, đóng góp ngân sách không bao nhiêu. Nhiều khi bán chạy nhưng phần lời không nhiều vì giá muối quá rẻ.

Nói như thế, để công ty tồn tại, ông phải có đầu ra ổn định chứ?

– Hiện nay công ty muối Bạc Liêu có hai đối tác quan trọng là Nhật Bản và Hàn Quốc. Khách hàng Nhật khó tính nhưng đã duy trì hợp đồng xuất khẩu hơn mười năm nay.

Khách hàng Hàn Quốc thì mới ba năm, họ chủ yếu ăn muối hột có đường kính chuẩn để về làm kim chi (hạt từ 20 – 40 li).

Mỗi tháng công ty xuất sang Hàn Quốc từ 2 – 3 container. Khách hàng Nhật thì yêu cầu muối xay để về làm rượu sakê, mỗi tháng xuất 1 – 2 container.

Phần lớn sản phẩm muối Bạc Liêu chủ yếu vẫn là cung ứng cho thị trường trong nước.

Chúng tôi cũng đã có mặt ở các siêu thị ở Sài Gòn như: Co.opmart ở Phú Mỹ Hưng, Nguyễn Đình Chiểu, Lý Thường Kiệt, Phú Thọ, Tân Phong… Chuỗi siêu thị Big C ở Phú Thạnh, Miền Đông, Gò Vấp, Hoàng Văn Thụ, An Lạc, Gò Vấp, An Phú…

Và chuỗi siêu thị Satra ở Phạm Hùng, Vĩnh Lộc, Lucky Plaza. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ trong nước còn cạnh tranh nhiều với các công ty muối khác.

Và cả những công ty Trung Quốc cũng nhập muối về Việt Nam. Hiện nhà máy mới khai thác 50 – 60% công suất, nếu có đơn đặt hàng thì công ty luôn đáp ứng.

Khó khăn vậy thì chiến lược cạnh tranh trong thị trường hội nhập ASEAN sắp tới như thế nào?

– Mối quan tâm nhất vẫn là công nghệ. Có dây chuyền sản xuất công nghệ cao thì mới có thể tăng chất lượng, giá trị gia tăng cho hạt muối, tăng giá thành cho hạt muối.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xúc tiến cánh đồng muối riêng để tăng chất lượng muối và có bao tiêu ruộng muối mới có thể có giá cạnh tranh.

Chúng tôi làm sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng thì dễ dàng hơn. Còn lại việc bao tiêu ruộng muối, cũng phải liên kết để mua bên ngoài thêm.

Từ đầu năm 2016, việc sản xuất muối sạch đã có quy trình ngay tại cánh đồng muối. Muối được phơi, làm sạch và đóng bao tại chỗ, rồi chuyển về nhà máy để xay, làm khô và đóng gói.

Do đầu tư muối tinh cũng lớn, theo tìm hiểu thì khoảng trên 20 tỉ đồng mới có một dây chuyền sản xuất muối chất lượng. Đầu tư lớn như vậy mà hiện nay, việc xuất khẩu cũng như kinh doanh muối của công ty, nhứt là năm qua 2015, lời ít (không lỗ là may).

Ở Thái Lan, chính phủ hỗ trợ mạnh lắm. Hiện nay, công nghệ sản xuất muối tinh của Thái Lan đứng bậc nhứt ASEAN.

Chủ ruộng muối cung cấp cho nhà máy sống tốt không?

– Hiện nay công ty muối Bạc Liêu chỉ là một nhà máy sản xuất một phần của thị trường muối ở đây, chứ không phải mọi người nông dân đều làm cho công ty và cũng chưa có những cộng đồng người làm muối cung cấp riêng cho công ty.

Nhưng nghề muối giờ cũng bấp bênh, đó là một trong những nghề cực, phải có nắng mới làm được. Có lẽ làm nghề này không ai giàu, khá lắm thì cũng có đời sống tạm ổn.

Năm nào có giá thì diêm dân phấn khởi, năm nào mất giá thì cầm cự sống. Nhưng họ vẫn đeo bám nghề. Muối chỉ là một mặt hàng đặc trưng của tỉnh Bạc Liêu, mũi nhọn là tôm và lúa.

Nhưng sản phẩm đặc trưng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì muối Bạc Liêu cũng nằm trong những thương hiệu hàng đầu.

Chúng tôi cũng tham gia nhiều triển lãm hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao ở khắp nơi, bà con ghé gian hàng mua nhiều lắm, đi ngang cũng phải ghé qua để mua.

Bấp bênh, khó khăn, cơ cực… của nghề làm muối anh đã trải qua, anh có bao giờ hối hận khi nghe lời ba đi theo nghề… bán muối này không?

– Tôi may mắn được sự hỗ trợ toàn phần của gia đình. Trong gia đình mình, mỗi khi có sản phẩm muối mới, ba mình lại có những nhận xét rất tinh tế và chi tiết.

Khi thành lập xí nghiệp, ba là công chức nhà nước phụ trách quản lý để đẩy ngành muối trong tỉnh. Khi đặt nhà máy, ba tôi gắn kết với hột muối từ đó. Nôm na là ba tui cũng gắn bó với nghề rất lâu và rất sâu.

Khi tôi thay ba quản lý nhà máy, ông cũng truyền lại cho tôi tất cả các kinh nghiệm về hột muối và việc sản xuất cũng như kinh doanh hột muối.

Nhưng có lẽ trên hết, đó là đạo đức kinh doanh. Ông nhắc, dù có phải bán lỗ, vẫn phải bán thứ ngon nhứt cho người ta.

Giữ gìn chất lượng hột muối trước sau như một, như vậy mới đi được đường dài. Với “lợi nhuận” không bao giờ coi trọng cái trước mắt mà phải nghĩ đến cái về sau. Có như vậy đường dài bước tới, chông gai nào mà không qua được.

Ông cũng dặn một câu mà tôi lúc nào tôi cũng nhớ nằm lòng: “Khách hàng là ân nhân, chất lượng là tồn tại”.

Ông cũng hay kể chuyện với tôi về những người nông dân làm muối, ông nói họ là những người cơ cực nhứt, cho nên mình phải cố gắng làm để hột muối được gia tăng giá trị, cho họ bớt khổ. Và đó vẫn là thử thách của tôi, mãi mãi.

Theo Ngân Hà - Thế Giới Tiếp Thị

Nguồn bài viết : TK đầu

Top