Lưu học sinh Lào tranh tài hùng biện tiếng Việt |
Lưu học sinh Lào dưới mái ấm gia đình Việt |
Đầu tháng 3/2023, Trường Hữu nghị T78 (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) tổ chức chuyến thăm Khu di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ cho toàn thể lưu học sinh Lào đang học tập tại trường. Xe xuất phát từ sáng sớm đưa gần 200 lưu học sinh Lào và các thầy cô giáo Trường Hữu nghị T78 đến đất Phong Châu - đế đô của nhà nước Văn Lang cách đây 4.000 năm. Không gian khu di tích rất rộng, có 4 đền, 1 chùa và 1 lăng hài hòa trong cảnh sắc thiên nhiên, có địa thế cao hùng vĩ, đất đầy khí thiêng của sơn thủy hội tụ.
Mina Xayyavong (19 tuổi) kể: "Đường xa, bậc thang nhiều và cao. Dẫu mệt vì phải đi bộ nhiều nhưng những câu chuyện đã tiếp thêm động lực cho chúng em.
Ở trường, chúng em tìm hiểu qua internet, được nghe thầy cô kể về truyền thuyết con Rồng cháu Tiên; sự tích trăm trứng nở trăm con; 50 con theo cha Lạc Long Quân xuống bể, 50 con theo mẹ Âu Cơ lên núi; người con trưởng làm vua nước Văn Lang xưng là Hùng Vương... Thế nhưng cảm giác được trải nghiệm thực tế thật sống động.
Qua chuyến đi này, chúng em được biết thêm về văn hóa, lịch sử, nguồn cội, truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam. Hiếm có nơi nào trên thế giới có một nơi chung cho cả nước thờ cúng và cũng hiếm có nước nào mà tất cả người dân đều thờ cúng chung một ông tổ như Việt Nam”.
Lưu học sinh Lào học tập tại Trường Hữu Nghị T78 trong chuyến tham quan Đền Hùng vào tháng 3/2023. (Ảnh: Mina Xayyavong) |
Mina đặc biệt ấn tượng với tấm bia đá ở Đền Hạ ghi lại lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Đền Hùng ngày 19/9/1945 và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong trước khi đoàn quân về tiếp quản thủ đô Hà Nội: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Trong khi đó, Khamphahat Souvongxai (tên Việt là Vũ Văn Hải, 21 tuổi, lưu học sinh Lào Trường Hữu nghị 80) không quên chuyến thăm "thủ phủ" vải thiều của miền Bắc Việt Nam - huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đúng vào mùa vải chín, tháng 6/2023.
Hải cùng các bạn đến thăm vườn vải rộng 16ha của anh Chu Văn Định (thôn Phúc Thành, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn). Tại đây, các em được nghe anh Định giới thiệu về quy trình sản xuất vải chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để xuất khẩu sang các nước EU, sau đó thăm vườn vải của gia đình anh.
Hải cho biết: Trước khi đến Bắc Giang, em đã tìm hiểu trên mạng và được biết vải Lục Ngạn không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn có mặt tại Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Mỹ và nhiều quốc gia khác... Thế nhưng khi đứng trước vườn vải mênh mông, ngoảnh sang trái, sang phải, phía trước, phía sau đều lúc lỉu quả, em thấy thật choáng ngợp. Lào cũng trồng vải nhưng không nhiều, quả nhỏ và không thơm ngọt như vải Việt Nam.
Rời vườn vải Lục Ngạn, Hải và các bạn tiếp tục đến chùa Vĩnh Nghiêm ở xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Tại đây, các em thành kính lễ bái Phật và chăm chú nghe hướng dẫn viên giới thiệu về "danh lam cổ tự" của tỉnh Bắc Giang.
Hải kể: đây là lần đầu em được đến một ngôi chùa cổ của Việt Nam. Khác với chùa Lào màu sắc rực rỡ, đa dạng, chùa Vĩnh Nghiêm được bào trơn đóng bén đơn giản nhưng kiến trúc đăng đối, cân xứng, hài hòa, bao gồm 5 tổ hợp chính là: tam quan, tam bảo, nhà tổ đệ nhất, gác chuông và nhà tổ đệ nhị. Hải rất ấn tượng với chiếc mõ dài gần nửa mét, được sơn đen bóng, lỗ thoát âm có đề hai dòng chữ Phạn ở chùa.
Theo cô Vũ Thu Hằng, giáo viên Trường Hữu nghị 80, trong quá trình lưu học sinh học tiếng Việt ở trường, ngoài các tiết học trên lớp, Ban giám hiệu thường tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho các em theo chủ đề bài học như mua bán, y tế, dịch vụ, thể thao... Các em được thăm thành cổ Sơn Tây; làng cổ Đường Lâm; làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam; thăm Lăng Bác; Bảo tàng Hồ Chí Minh, chùa Một Cột, Văn Miếu - Quốc Tử Giám...
Khamphahat Souvongxai (ngoài cùng bên trái) trong chuyến tham quan vùng vải Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) tháng 6/2023. (Ảnh: Thành Luân) |
"Những chuyến đi giúp các em tìm hiểu văn hóa của người Việt, giao tiếp với người bản xứ, từ đó nâng cao kỹ năng nghe, nói tiếng Việt. Các em cũng thêm yêu đất nước, con người Việt Nam, có nhiều kỷ niệm trong thời gian học tập tại trường", cô Hằng cho biết.
Các thầy cô Trường Hữu nghị T78 cũng cho biết: Những bài học trở nên sinh động sau những chuyến đi học tập trải nghiệm thực tế. Phương pháp dạy học gắn với thực tiễn, mang đậm hơi thở từ đời sống được Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo xuyên suốt mà mỗi giáo viên dạy tiếng Việt cho lưu học sinh Lào đều thấm nhuần và triển khai thực hiện bài bản. Động lực học tốt Tiếng Việt của các em cứ thế nhân lên.
Đặc biệt, từ năm học 2014 - 2015, Trường Hữu nghị T78 đã triển khai hiệu quả mô hình "homestay" - Đưa lưu học sinh Lào đi thực tế tại nhà dân. Từ khởi điểm gần 80 học viên, đến năm học 2022-2023 số lưu học sinh Lào tham gia chương trình là hơn 160 em. Quãng thời gian ở tại nhà dân tuy ngắn (2 - 3 tuần) nhưng các em tham gia nhiều hoạt động như: giao lưu văn hóa văn nghệ, học tiếng Lào, học hát tiếng Việt, múa lăm vông, nhảy Ba-xa-lốp; lao động vệ sinh thôn xóm; thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ, tham quan học tập các mô hình trồng trọt, chăn nuôi của bà con nhân dân địa phương…
Những hoạt động này giúp các lưu học sinh Lào không chỉ có được môi trường thuận lợi để thực hành tiếng Việt mà còn có cơ hội tìm hiểu về đời sống, văn hóa, phong tục tập quán và con người Việt Nam.
Cha mẹ đỡ đầu lưu học sinh Lào: Không huyết thống mà như ruột thịt |
Trải nghiệm của lưu học sinh Lào khi đi thực tế tại nhà dân |