KINH TẾ - XÃ HỘI

Bạn trẻ Việt trải nghiệm vẽ bút sáp trên vải Batik Indonesia

2024-12-20 19:02:48
Kỷ niệm của nhà báo Indonesia về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Giới thiệu nghệ thuật nhuộm vải Batik – nét đẹp truyền thống của người Indonesia
Vải, bút vẽ, sáp nến là những vật phẩm dùng để vẽ Batik (Ảnh: Hạnh Trần).
Vải vẽ phải có thành phần 100% cotton. Các họa tiết được phác thảo bằng than hoặc chì trước khi đổ sáp lên. Các họa tiết Batik truyền thống được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Rất ít nghệ nhân có thể vẽ thẳng bằng sáp mà không cần bản phác thảo (Ảnh: Mai Anh).
Sáp nến để vẽ Batik là hỗn hợp của sáp ong trộn với một số hợp chất khác được nung nóng. Các nghệ nhân giữ dung dịch sáp nến này ở nhiệt độ vừa phải để tạo nên các đường nét trên vải theo ý muốn (Ảnh: Mai Anh).
Dụng cụ để vẽ Batik được gọi là bút canting. Bút có cấu tạo như những chiếc bút mực với cán bằng gỗ, bên trên có gắn một cái phễu nhỏ đựng sáp ong chảy và nối với một đầu như ngòi bút. Người vẽ có thể điều chỉnh độ nghiêng của bút để kiểm soát lượng sáp chảy ra. Canting có nhiều kích thước khác nhau được đánh số tương ứng. Bút đường kính vòi nhỏ nhất từ 1mm thường dùng vẽ các nét chi tiết (Ảnh: Mai Anh).
Bên cạnh vẽ Batik thủ công người ta còn sử dụng dấu Batik bằng cách bôi sáp vào dấu rồi in lên vải (Ảnh: Mai Anh).
Thử sáp là thao tác đầu tiên trong vẽ Batik. Sáp phải đạt đủ độ nóng để khi múc lên dung dịch chảy đều, không đứt quãng (Ảnh: Mai Anh).
Vải được căng lên khung thêu. Người vẽ cầm khung vải đặt nghiêng góc 45 độ, cầm bút nghiêng góc 30 độ. Mỗi lần người vẽ sử dụng một lượng sáp nhất định để sáp không bị nguội. Người vẽ sẽ đổ sáp theo các đường nét đã được phác thảo sao cho liền mạch (Ảnh: Mai Anh).
Nghệ nhân Ira Ratna Handayani hướng dẫn vẽ Batik cho những người bạn Việt Nam. Bà nói, những người lần đầu làm Batik thường gặp khó khăn ở công đoạn vẽ bởi cần có sự tỉ mỉ, cẩn thận, kiên trì (Ảnh Mai Anh).

Anh Đỗ Anh Đức, người tham gia trải nghiệm nói: "Vẽ Batik của Indonesia và vẽ hoa văn bằng sáp ong của người H'Mông Việt Nam giống nhau ở cách dùng sáp ong, khác nhau ở chất liệu vải, dụng cụ vẽ, cách nhuộm màu". (Ảnh: Mai Anh).

Bạn Minh Tâm, sinh viên năm 4 trường Đại học Kinh tế Quốc dân nói: "Khó khăn nhất với tôi là điều khiển lượng nến ra khỏi bút mà không làm nến rớt trên vải" (Ảnh: Mai Anh).
Tấm vải sau khi hoàn thành công đoạn vẽ sáp (Ảnh: Mai Anh).
Vải vẽ xong được làm nóng để bay phần sáp rồi đưa đi nhuộm màu. Mỗi màu nhuộm theo một bước. Vải vẽ có bao nhiêu màu sẽ nhuộm bấy nhiêu bước (Ảnh: Mai Anh).

Những tấm Batik của người Indonesia có giá từ 40.000 đến 3.000.000 rupiah (khoảng 65.000 – 5.000.000 VNĐ) tùy theo sự phức tạp của hoa văn và chất lượng vải. Batik không chỉ là trang phục thường ngày của mỗi người dân mà còn được dùng làm đồ trang trí, vật dụng trong gia đình như khăn trải bàn, khăn tay...

(Ảnh: Istimewa/ngopibareng.id).

Ngày 2/10/2009, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đưa kỹ thuật nhuộm truyền thống Batik của Indonesia vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dù không phải là nơi sản sinh ra Batik, nhưng Indonesia được coi là thủ phủ của Batik, nơi nghề sản xuất vải truyền thống được nâng tầm lên thành một loại hình nghệ thuật.

Theo UNESCO, các kỹ thuật sản xuất, biểu tượng và văn hóa liên quan trang phục Batik đã thấm sâu vào cuộc sống của mỗi người Indonesia từ lúc mới chào đời. Khi vừa lọt lòng, đứa trẻ được mặc quần áo từ vải Batik, được địu bằng chiếc khăn cũng từ vải Batik. Trong lễ tedak siten, đánh dấu lần đầu chạm chân xuống đất của một đứa trẻ, tấm vải Batik truyền thống của gia đình sẽ là vật đầu tiên mà chân đứa bé chạm vào. Khi trưởng thành, trang phục từ vải Batik cũng được hàng triệu người Indonesia lựa chọn trong các môi trường kinh doanh, học tập, biểu diễn nghệ thuật,… và cả trong những ngày trọng đại của cuộc đời như lễ kết hôn.

Chuyên gia Indonesia đề cao vai trò của Việt Nam trong sự thống nhất, hòa bình và ổn định của ASEAN
Hợp tác Việt Nam - Indonesia: Giao lưu văn hóa song hành với phát triển kinh tế
Top