Việt Nam xứng đáng với vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm của Hội đồng Nhân quyền

2025-01-17 20:38:15
Việt Nam luôn có trách nhiệm lớn với nhiệm vụ nhân đạo quốc tế
Tiến sĩ Michael Kelly được bổ nhiệm làm thanh viên Hội đồng cố vấn của Focus Digital Technology Group

Việc Việt Nam nhận được tín nhiệm cao và trúng cử trở thành một trong 14 thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trong hai nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025 đã khẳng định niềm tin của các quốc gia trên thế giới, đồng thời cho thấy sự coi trọng của bạn bè quốc tế đối với vị thế của Việt Nam trong các hoạt động thúc đẩy, bảo đảm quyền con người trên phạm vi toàn cầu.

Sự ra đời và cơ chế hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Theo Hiến chương của Liên hợp quốc, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người được xác định là một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà cả sáu cơ quan chính của tổ chức liên chính phủ này đều phải đảm nhận. Trong đó, Đại hội đồng có trách nhiệm cao nhất trên lĩnh vực quyền con người, đặc biệt là trong việc thiết lập các chuẩn mực quốc tế về quyền con người; xây dựng, điều hành các chương trình hoạt động về quyền con người; xây dựng các cơ quan nhân quyền của Liên hợp quốc và xử lý các vi phạm quyền con người.

Bên cạnh đó, Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC) đảm nhận việc xây dựng bộ máy các ủy ban chuyên môn cho cơ quan này và Đại hội đồng trong những hoạt động về quyền con người mà nổi bật hàng đầu là Ủy ban Liên hợp quốc về nhân quyền (The UN Commission on Human Rights - UNCHR), tiền thân của Hội đồng Nhân quyền ngày nay.

Được thành lập năm 1946, trong 60 năm tồn tại, UNCHR đã có những đóng góp lớn lao trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người mà điểm nhấn đầu tiên chính là việc soạn thảo văn kiện Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền - một tiêu chuẩn thực hiện chung cho tất cả các dân tộc và quốc gia về bảo đảm sự thừa nhận và thực thi trên toàn cầu các quyền tự do cơ bản của con người.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, UNCHR cũng bộc lộ nhiều mặt hạn chế dẫn đến thất bại trong cải thiện và xử lý những vi phạm nghiêm trọng về quyền con người diễn ra tại nhiều khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Chính vì những lý do này, trong báo cáo số A/59/2005, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã chính thức đề xuất Đại hội đồng bỏ phiếu thay thế UNCHR bằng việc thành lập cơ quan mới về quyền con người là Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC).

Toàn cảnh phiên họp Hội đồng Nhân quyền tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, tháng 3/2022.

(Ảnh: Reuters)

Ngày 3/4/2006, trên cơ sở các cuộc thảo luận tại Đại hội đồng, nghị quyết về việc thành lập Hội đồng Nhân quyền (UNHRC) đã được thông qua. Theo Nghị quyết 60/251 của Đại hội đồng, UNHRC có những chức năng, nhiệm vụ sau:

Thúc đẩy những hoạt động giáo dục, nghiên cứu, dịch vụ tư vấn, trợ giúp kỹ thuật và xây dựng năng lực về quyền con người ở các quốc gia, Thúc đẩy việc thực thi đầy đủ những nghĩa vụ về quyền con người ở các quốc gia, Đóng vai trò là một diễn đàn để đối thoại về những chủ đề cụ thể về quyền con người, Thực hiện đánh giá định kỳ toàn thể việc tuân thủ các nghĩa vụ và cam kết về quyền con người của các quốc gia.

Thông qua đối thoại và hợp tác để góp phần phòng ngừa những vi phạm quyền con người và phản ứng kịp thời với những tình huống khẩn cấp về quyền con người, Hợp tác chặt chẽ với các chính phủ, các tổ chức khu vực, các cơ quan quyền con người quốc gia, các tổ chức dân sự trong những hoạt động về quyền con người, Báo cáo công tác hằng năm với Đại hội đồng.

So với Ủy ban Liên hợp quốc về nhân quyền, chức năng nhiệm vụ và phương thức hoạt động UNHRC đã có nhiều điểm thay đổi, nhằm tạo ra thế và lực mới cho cơ quan này trong các hoạt động về quyền con người. Theo đó, UNHRC là một cơ quan có vai trò hết sức quan trọng để có thể giải quyết những vấn đề về quyền con người trên thế giới.

Thủ tục bầu mới đã có sự thay đổi khi các thành viên của UNHRC được bầu bởi 193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc bằng hình thức bỏ phiếu kín. Ngoài ra, cơ chế bầu cử mới cho phép một số tổ chức phi chính phủ về nhân quyền được tham gia vào tiến trình tuyển chọn thành viên của UNHRC. Cách thức này nhằm giảm bớt tình trạng bỏ phiếu vì nể nang, tệ nạn “mua phiếu” đã từng tồn tại ở UNCHR.

Bên cạnh đó, UNHRC là cơ quan giúp việc của Đại hội đồng, nằm trong khối các cơ quan thực thi quyền con người dựa trên Hiến chương, có vị thế tương đương với ECOSOC. Không chỉ vậy, UNHRC được Đại hội đồng giao thêm nhiệm vụ mới là tổ chức thực hiện đánh giá định kỳ việc tuân thủ các nghĩa vụ và cam kết về quyền con người của tất cả các quốc gia hay còn gọi là Cơ chế đánh giá định kỳ phổ quát (UPR) thay cho việc lựa chọn các vụ việc ở một số quốc gia để đưa ra xem xét, lên tiếng như trước đây.

Thủ tục mới này tăng thêm quyền lực và hiệu lực của Hội đồng nhân quyền, đồng thời làm giảm bớt tình trạng phân biệt đối xử và áp dụng tiêu chuẩn kép trong đánh giá tình hình quyền con người giữa các quốc gia như trước đây.

UNHRC là cơ quan giúp việc của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Trong ảnh: Quang cảnh một phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc. (Ảnh: Reuters)

UNHRC cũng là tổ chức tiến hành thủ tục giải quyết khiếu nại kín. Theo thủ tục này, cá nhân khiếu nại và quốc gia có liên quan được thông báo về tình hình xử lý khiếu nại ở những giai đoạn chính.

Cũng như cơ quan tiền thân UNCHR, Hội đồng Nhân quyền cũng có nhiệm vụ thực hiện các thủ tục điều tra đặc biệt song đã có nhiều sự cải tiến nhằm tăng hiệu quả của chúng. Để tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm và độ tin cậy trong quá trình điều tra, Hội đồng Nhân quyền cũng đã ban bố một bộ quy tắc đạo đức áp dụng cho các chuyên gia thực thi các thủ tục đặc biệt đó.

UNHRC cũng thành lập cơ quan giúp việc Ủy ban tư vấn cho Hội đồng nhân quyền (HRCAC). Ủy ban này có nhiều điểm tương đồng với Tiểu ban thúc đẩy vào bảo vệ quyền con người nhưng có thời gian làm việc là hai phiên một năm với thời gian tối thiểu là 10 ngày.

Từ những cải tổ quyết liệt nêu trên, UNHRC ngày một chứng tỏ tầm quan trọng của mình trong nhiệm vụ bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên phạm vi toàn cầu. Điều này cũng đồng nghĩa, mỗi thành viên của UNHRC cũng phải nỗ lực hơn nữa để đảm nhiệm các trọng trách vinh quang song cũng không kém phần nặng nề này.

Để trúng cử vào UNHRC, mỗi quốc gia phải đạt những tiến bộ vượt bậc trong hoạt động bảo vệ quyền con người trong nước, đồng thời phải đóng góp, đưa ra nhiều sáng kiến thúc đẩy nhân quyền trên toàn cầu. Bởi vậy, việc Việt Nam hai lần trúng cử vào UNHRC là kết quả cho những nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực quyền con người xuyên suốt nhiều năm qua.
Việt Nam tham dự phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Mỹ. (Ảnh: TTXVN)

Những đóng góp của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong nước và quốc tế

Trên thực tế, kể từ khi gia nhập Liên hợp quốc vào năm 1977, Việt Nam đã luôn chứng tỏ là một thành viên có trách nhiệm với công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong cộng đồng quốc tế, thông qua việc tham gia hầu hết các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người.

Cụ thể là: Công ước về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR); Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước về quyền trẻ em; Công ước về quyền của người khuyết tật; Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người...

Tính đến năm 2022, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của ILO, trong đó có 7/8 công ước cơ bản.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Duy Trinh (thứ hai từ bên phải sang) dự lễ kéo cờ Việt Nam tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, ngày 21/9/1977. (Ảnh: UN.ORG)
Từ cơ sở này, Việt Nam đã từng bước tiến hành nội luật hóa và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quyền con người nhằm bảo đảm sự tương thích, phù hợp với điều kiện đặc thù của nước ta. Nhờ đó, các quyền con người đã và đang được quy định tương đối đầy đủ, cụ thể, toàn diện trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Đây là hành lang pháp lý quan trọng giúp Nhà nước ta nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ quyền con người, đạt được những thành tựu vượt bậc được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Mặc dù thế, trước năm 2006, từ nhiều nguyên nhân khách quan bao gồm cả sự hạn chế trong cơ chế hoạt động của UNCHR, vị thế và tiếng nói của Việt Nam trong các hoạt động thúc đẩy, bảo đảm quyền con người chưa thực sự được cộng đồng quốc tế chú ý, coi trọng. Vì lý do này, sự thành lập của Hội đồng Nhân quyền có ý nghĩa rất lớn, là cơ hội để Việt Nam tăng cường thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở cả cấp độ quốc tế và quốc gia.

Thật vậy, những năm qua, dù trên tư cách quan sát viên, quốc gia tham gia cơ chế rà soát định kỳ phổ quát hay thành viên của UNHRC, Việt Nam đều cho thấy bản thân là một quốc gia tôn trọng, bảo đảm quyền con người và chủ trương tăng cường đóng góp và thúc đẩy hợp tác quốc tế trên lĩnh vực này.

Ngay sau khi cơ chế UPR chu kỳ đầu tiên của UNHRC có hiệu lực vào năm 2008, Nhà nước ta đã khẩn trương xây dựng Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam. Ban soạn thảo đã được thành lập với sự tham gia của các cơ quan liên quan trực tếp đến việc bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy các quyền con người.

Chúng ta cũng cử nhiều đoàn công tác đi học hỏi kinh nghiệm quốc tế về soạn thảo báo cáo UPR như: tham dự Hội thảo tập huấn do Liên hợp quốc tổ chức, dự các phiên bảo vệ báo cáo UPR tại Hội đồng Nhân quyền, tổ chức các hội thảo trong nước có sự tham gia của chuyên gia Liên hợp quốc và một số nước đã bảo vệ báo cáo nhằm giới thiệu về cơ chế UPR và kinh nghiệm làm báo cáo của các nước này.

Không chỉ vậy, Ban soạn thảo cũng tích cực tiếp nhận những ý kiến xác đáng từ toàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền địa phương thông qua các cuộc họp tham vấn và các tọa đàm đối thoại cởi mở.

Năm 2009, Việt Nam đã tiến hành thực hiện cơ chế UPR và chấp thuận 96 khuyến nghị trên tổng số 123 khuyến nghị được Hội đồng Nhân quyền đưa ra. Trong giai đoạn 2009-2014, chúng ta đã nghiêm túc thực hiện những khuyến nghị này. Minh chứng rõ ràng nhất chính là việc Quốc hội đã soạn thảo, ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp lý về quyền con người. Trong đó, nổi bật nhất là Quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân trong Hiến pháp 2013.

Chúng ta cũng bổ sung, hoàn thiện hàng loạt văn bản pháp luật nhằm nâng cao quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt như Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo 2011; bảo vệ các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương như việc ban hành Luật Người khuyết tật.

Bên cạnh đó, với việc nhất quán trong chính sách, pháp luật lấy con người làm trung tâm, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển, Nhà nước Việt Nam đã thu về nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, giúp người dân thực sự được thụ hưởng ngày càng đầy đủ các quyền con người, quyền công dân.

Cán bộ, chiến sĩ quân y thăm, khám bệnh cho đồng bào Tây Nguyên. (Theo nhandan.vn)
Việc tích cực triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế đã góp phần khẳng định, củng cố, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong giai đoạn này này, Việt Nam đã thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược hoặc toàn diện với tất cả các nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Ngày 12/11/2013, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 đã tiến hành bỏ phiếu kín bầu 14 thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền cho nhiệm kỳ 2014-2016. Việt Nam đã nhận được 184 phiếu ủng hộ (trên tổng số 193 nước bỏ phiếu), lần đầu trúng cử Hội đồng Nhân quyền với sự ủng hộ gần như tuyệt đối, cao nhất trong số 14 nước trúng cử.

Đây chính là kết quả xứng đáng ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của Việt Nam trên lĩnh vực quyền con người ở trong nước và trên toàn cầu. Không chỉ vậy, sự kiện Việt Nam trúng cử vào UNHRC cũng khẳng định thắng lợi của chân lý và lẽ phải khi chúng ta đã đập tan các âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch, cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí nhằm ngăn chặn Việt Nam tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong các hoạt động vì quyền con người.

Trên tư cách là thành viên của UNHRC nhiệm kỳ 2014-2016, Việt Nam tiếp tục thực hiện và công bố Báo cáo quốc gia của Việt Nam tại Phiên Rà soát Định kỳ phổ quát chu kỳ 2 diễn ra từ ngày 5/2/2014 đến ngày 7/2/2014, thu hút được sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Báo cáo đã nhận được 221 khuyến nghị từ 116 quốc gia và trên cơ sở đó Việt Nam cam kết tiếp thu, làm rõ 182 khuyến nghị để bảo đảm quyền con người và tự do cơ bản tiếp tục được thúc đẩy trong giai đoạn tiếp theo.

Trong giai đoạn 2014-2018, Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi, ban hành mới 96 văn bản luật, pháp lệnh liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phù hợp với Hiến pháp 2013 bao gồm những đạo luật quan trọng như: Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Dân sự 2015, Luật Trưng cầu dân ý, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Trẻ em 2016, Luật Báo chí 2016, Luật Tiếp cận thông tin 2016, Luật Trợ giúp pháp lý 2017...

Kể từ lần rà soát đầu tiên, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách mới, quan trọng với mục tiêu để mọi người Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ quyền con người, đặc biệt là nỗ lực xây dựng và hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm quyền phát triển, quyền cho nhóm dễ bị tổn thương, quyền của người lao động.

Chính phủ Việt Nam đã tập trung nghiên cứu, từ đó ban hành các chính sách chất lượng, có tính chất nhất quán, bảo đảm tính phủ khắp, hướng đến nhiều loại đối tượng, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương như: trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi, người nghèo, người khuyết tật...

Buổi học thú vị của các em học sinh tại một trường tiểu học ở Hà Nội. (Ảnh: Thành Đạt)

Trên trường quốc tế, trong giai đoạn 2014-2018, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về quyền của người khuyết tật và Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục người khác. Việt Nam coi trọng hợp tác, đối thoại với Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, các Thủ tục Đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các Thủ tục Đặc biệt và quy tắc thủ tục của Hội đồng Nhân quyền trên tinh thần minh bạch, hiệu quả, công bằng.

Chúng ta cũng tham gia có trách nhiệm vào các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc bên cạnh Hội đồng Nhân quyền (2014-2016) như: Hội đồng Kinh tế-Xã hội (2016-2018), Hội đồng Chấp hành UNESCO (2015-2019), Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2017-2021.

Từ năm 2014, Bộ Quốc phòng đã tổ chức lễ ra mắt Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam đồng thời cử hai sĩ quan đầu tiên đi làm nhiệm vụ cùng Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan.

Từ tháng 6/2014 đến nay, chúng ta đã cử hàng trăm lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại hai Phái bộ ở Cộng hòa Nam Sudan (UMMISS) và Cộng hòa Trung Phi, cho thấy sự trưởng thành về trình độ chuyên môn của các sĩ quan Việt Nam cùng sự lớn mạnh của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam ngày càng đáp ứng yêu cầu của của hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đồng thời thể hiện cam kết chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam với vai trò là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu nhằm duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Các bệnh viện dã chiến của Việt Nam tại Nam Sudan không chỉ tham gia công tác khám, chữa bệnh mà còn thực thi nhiều nhiệm vụ nhân đạo, thiện nguyện như trao tặng nhiều phần quà và quần áo cho các em học sinh khó khăn, tổ chức trồng cây xanh ở trường học.

Các sĩ quan Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường thực hiện nhiệm vụ. (Ảnh: TTXVN)

Ở cấp độ khu vực, Việt Nam và các nước ASEAN đã tích cực lồng ghép quyền con người trong tất cả các trụ cột của cộng đồng ASEAN “dung nạp, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm”; tham gia phê chuẩn Công ước ASEAN về phòng chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em vào ngày 13/12/2016. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ký thỏa thuận song phương với các nước láng giềng, trong khu vực để hợp tác phòng chống buôn bán người xuyên biên giới.

Không chỉ vậy, trong giai đoạn này, nước ta cũng có quan hệ hợp tác với hơn 1.000 tổ chức phi chính phủ nước ngoài để cùng tìm ra những sáng kiến, giải pháp, đóng góp tích cực vào nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam.

Ngày 29/11/2019, Hội đồng Nhân quyền đã thông qua kết quả Báo cáo UPR chu kỳ III của Việt Nam. Trong đó, nhiều quốc gia đã đánh giá rất cao về những thành tựu toàn diện của Việt Nam trên các lĩnh vực xây dựng văn bản chính sách, pháp luật; gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội và phát triển bền vững; đạt nhiều tiến triển trong các vấn đề mới về quyền con người như vấn đề di cư, biến đổi khí hậu, bảo đảm quyền cho người đồng tính, chuyển giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đồng ý tới 241 trên tổng số 291 khuyến nghị, thể hiện mong muốn và quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Điều này được phản ánh qua việc ngày 29/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 1975/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III Việt Nam đã chấp thuận.

Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. (Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc)
Những năm qua, dù trên tư cách quan sát viên, quốc gia tham gia cơ chế rà soát định kỳ phổ quát hay thành viên của UNHRC, Việt Nam đều cho thấy bản thân là một quốc gia tôn trọng, bảo đảm quyền con người và chủ trương tăng cường đóng góp và thúc đẩy hợp tác quốc tế trên lĩnh vực này.

Những bước tiến mới của Việt Nam trên lĩnh vực quyền con người

Từ năm 2019 đến nay, dù vấp phải vô vàn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến bất ổn, Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn dành sự quan tâm, chú trọng đặc biệt trên lĩnh vực quyền con người. Trong đó, vấn đề nhân quyền trong đại dịch được đặt lên hàng đầu, thậm chí trong một số thời điểm Chính phủ Việt Nam chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế đất nước để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, bảo đảm an toàn, ổn định xã hội nhằm hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh và giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động.

Trong đó, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã đến tay 36,5 triệu người dân trên cả nước, 394.000 đơn vị sử dụng lao động và 500.000 hộ kinh doanh với tổng số tiền là 45.600 tỷ đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (ngoài cùng bên phải) kiểm tra một trạm y tế lưu động tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26/8/2021. (Ảnh: VGP)

Không chỉ vậy, ngay trong giai đoạn khó khăn nhất do tác động của đại dịch Covid-19, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam vẫn tiếp tục có chiều hướng giảm. Tính riêng trong giai đoạn 2010-2020, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ 16,8% xuống còn 5%. Đó là tiến bộ từ việc tăng việc làm năng suất cao, cải thiện các dịch vụ xã hội, mở rộng hệ thống bảo trợ xã hội.

Mặc dù vậy, chưa hài lòng với những kết quả đã đạt được, Việt Nam tiếp tục áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới làm công cụ xác định mục tiêu, theo dõi tình hình nghèo đói và xây dựng chính sách. Đồng nghĩa với việc, hơn 10 triệu người dân sẽ được hưởng lợi từ chương trình mục tiêu của Chính phủ về công tác giảm nghèo trong giai đoạn 2021-2025.

Trên trường quốc tế, Việt Nam có những bước tiến mới trong nỗ lực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến 2030. Chúng ta tiếp tục khẳng định vị thế của một quốc gia có trách nhiệm trong lĩnh vực quyền con người với việc tham gia chủ động, tích cực vào các thể chế đa phương toàn cầu.

Dấu ấn của Việt Nam tại hai Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 và COP27 là không thể phủ nhận. Chúng ta đã phát đi nhiều thông điệp, sáng kiến, cam kết mạnh mẽ nhằm tăng cường tính hợp tác quốc tế để hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu.

Tại COP26, Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050; không xây dựng nhà máy điện than mới từ năm 2030 và loại bỏ dần điện than vào năm 2040; tuyên bố về rừng và sử dụng đất; tham gia Liên minh thích ứng ứng toàn cầu; giảm 30% khí thải metan vào năm 2030 so với mức năm 2020. Cam kết đó được Việt Nam tái khẳng định tại COP27 bằng việc xây dựng, thông qua hàng loạt biện pháp tổng thể, toàn diện trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo thế giới tại COP26. (Ảnh: Chính phủ Anh)

Những khó khăn từ đại dịch Covid-19 không thể cản trở Việt Nam thực hiện các khuyến nghị UPR. Ngày 22/3/2022, Việt Nam đã hoàn thiện và công bố Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III và nhận được sự đánh giá cao từ đại diện các cơ quan của Liên hợp quốc và các cơ quan ngoại giao tại nước ta. Cần biết rằng, kể từ khi cơ chế UPR được thành lập, chỉ có 79 quốc gia từng ít nhất một lần nộp Báo cáo giữa kỳ tự nguyện. Riêng với chu kỳ III, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia đã xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện.

Ngày 13/9/2022, Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn tại Phiên họp thứ 91 của Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc (CRC) với những thành tựu vượt bậc trong quá trình xây dựng luật pháp, chính sách cũng như các biện pháp nhằm thúc đẩy và nâng cao quyền trẻ em theo tinh thần của Công ước Liên hợp quốc.

Chính những thành tích nêu trên đã khiến các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của Đông Nam Á cho vị trí ứng viên vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. Và không phụ lòng tin tưởng ấy, nước ta đã lần thứ hai trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, vượt qua sự cạnh tranh của nhiều quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Như vậy, từ sự tín nhiệm của bạn bè quốc tế, Việt Nam đang đồng thời đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại các cơ quan Liên hợp quốc như Hội đồng khai thác Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) nhiệm kỳ 2022-2025, Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), nhiệm kỳ 2021-2023, Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC), nhiệm kỳ 2023-2027...

Trên tinh thần “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người - cho tất cả mọi người”, Việt Nam đã và đang đóng góp trực tiếp vào công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới, nhất là về bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và bảo đảm quyền con người trong ứng phó với các vấn đề toàn cầu như mà nổi lên là biến đổi khí hậu.

Tình cảm của người dân dành cho thành viên Đoàn cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam làm nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Thành Đạt)
Đoàn cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam đã để lại một hình ảnh đẹp về một Việt Nam nhân văn, nhân ái và hết lòng vì bạn bè quốc tế. (Ảnh: Thành Đạt)

Với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam đã ngay lập tức chứng tỏ vai trò của mình trong lĩnh vực quyền con người trên phạm vi toàn cầu khi hỗ trợ khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau thảm họa động đất diễn ra ngày 6/2/2023. Ngày 9/2/2023, 100 chiến sĩ của Bộ Quốc Phòng và Bộ Công an đã bay sang Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia công tác giải cứu các nạn nhân của vụ động đất.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã hỗ trợ khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, mỗi nước 100.000 USD cùng hàng chục tấn hàng hóa y tế, lương thực viện trợ. Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam đã chạy đua với thời gian để tìm kiếm từng tia hy vọng sống trên những địa hình rộng lớn bị phá hủy nặng nề của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Lời cảm ơn Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ Haldun Tekneci đã nói lên tất cả.

“Tôi xin trân trọng cảm ơn Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã đóng góp to lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ; cảm ơn các đội tham gia cứu hộ, cứu nạn cũng như gia đình của họ, đã quên mình phục vụ và không ngại hiểm nguy tại đất nước chúng tôi; cảm ơn Chính phủ Việt Nam vì tình đoàn kết, tương thân tương ái mà các bạn đã dành cho chúng tôi trong thời khắc khó khăn vừa qua”.

Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam Haldun Tekneci

“Cảm ơn Việt Nam” cũng là cụm từ quen thuộc được bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam sau những cống hiến không ngừng nghỉ trong lĩnh vực bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trên phạm vi toàn cầu. Đồng thời, trở thành động lực để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy ý chí, khát vọng mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới đất nước. Từ đó, nâng cao thế và lực của đất nước, khẳng định sức mạnh tổng hợp của quốc gia và uy tín quốc tế trên tất cả mọi lĩnh vực.

Ngày xuất bản: 28/3/2023

Tổ chức: PHONG ĐIỆP, TRƯỜNG SƠN

Nội dung: NGUYỄN HẢI ĐĂNG

Trình bày: HOÀNG HÀ

Thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam - Thái Lan
Việt Nam thúc đẩy Nghị quyết đề nghị Toà án Công lý Quốc tế cho ý kiến tư vấn về biến đổi khí hậu

Nguồn bài viết : XS Thần tài

Top