23.000 tỷ đồng ngân sách nhà nước hỗ trợ giảm nghèo năm 2022

2025-01-17 20:38:15
Thêm 10 triệu người được hưởng lợi từ các chính sách giảm nghèo
Giảm nghèo: Không hô khẩu hiệu, hướng tới sự bền vững, thiết thực

Đây là thông tin được ông Nguyễn Lê Bình, Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho biết tại Hội nghị tổng kết công tác giảm nghèo năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 diễn ra vào ngày 9/1 tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Lê Bình, hệ thống cơ chế, chính sách giảm nghèo ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, tạo điều kiện cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững, hạn chế tác động tiêu cực của thiên tai, dịch bệnh. Đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao, an sinh xã hội luôn được đảm bảo; hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn không ngừng được tăng cường, khoảng cách phát triển giữa các vùng đang từng bước được thu hẹp.

Chính phủ đã phối hợp với Trung ương Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện hỗ trợ người nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, khuyến khích người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hội nghị tổng kết công tác giảm nghèo năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Ảnh: Molisa).

Về chính sách tín dụng ưu đãi, ước đến 31/12/2022, tổng dư nợ đạt trên 283 nghìn tỷ đồng với hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Tín dụng chính sách xã hội góp phần hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho trên 867 nghìn nghìn lao động, trong đó có trên 7 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 62 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, giúp mua gần 87 nghìn máy vi tính, thiết bị học trực tuyến; xây dựng hơn 1,4 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây dựng khoảng 13 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo và nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.

Năm 2023, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách giảm nghèo, đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phối hợp tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo thường xuyên năm 2023. Bên cạnh đó chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2023, đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền.

Ngoài ra, Văn phòng sẽ tiếp tục nâng cao năng lực và kiểm tra, giám sát thực hiện giảm nghèo và huy động thêm nguồn lực cho công tác giảm nghèo, thông qua đó hướng tới mục tiêu tỷ lệ nghèo đa chiều cả nước bình quân duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; tỷ lệ nghèo đa chiều của các huyện nghèo giảm khoảng 4%.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh đánh giá cao Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo trong năm 2022 đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ.

Về nhiệm vụ, giải pháp năm 2023, ông Thanh đề nghị Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo sớm hoàn thiện cơ cấu, tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Văn phòng trên cơ sở Nghị định 62/2022/NĐ-CP, qua đó có căn cứ để bổ sung thêm nguồn lực cho Văn phòng thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ giao.

Ông yêu cầu Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo tiếp tục tham mưu cho Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững để rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đảm bảo tính khả thi, để các địa phương có thể dễ dàng triển khai. Ngoài ra Văn phòng cần có những biện pháp cụ thể, rà soát, đôn đốc các địa phương có kế hoạch giải ngân đúng kỳ hạn nguồn kinh phí được giao phục vụ giảm nghèo để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu giảm nghèo đã đặt ra.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giám sát, đánh giá các chương trình, dự án, tiểu dự án,… đồng thời có lộ trình tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua đó các thông tin, dữ liệu giám sát sẽ được cập nhật tự động, thường xuyên, phục vụ tốt hơn cho công tác thống kê, báo cáo của Bộ, ngành.

Về huy động nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm nghèo, ông Nguyễn Lê Bình cho biết, tính từ tháng 1/2022 đến tháng 9/2022, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức vận động 3.544 tỷ đồng cho Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội; trong đó:

Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp vận động được hơn 971 tỷ đồng và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ chương trình an sinh xã hội trực tiếp các địa phương hơn 2.572 tỷ đồng.

Năm 2022 dự kiến giảm tỷ lệ hộ nghèo, cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm khoảng 1,2%; Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.

Huyện A Lưới xuất khẩu lao động gắn với giải pháp giảm nghèo bền vững
Chính sách giảm nghèo tạo điều kiện tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản

Nguồn bài viết : FTG Điện Tử

Top