Nói ngày vui là đúng, vì hầu như các dân tộc ở bất cứ đâu, họ đều phải làm lụng để sống và trường tồn. Các dân tộc thiểu số, chất phác, ít tính toán lo toan chuyện lâu dài, tháng 11, coi như kết thúc mùa màng, họ vui chơi và nghĩ cách làm gì cho năm mới với những mùa màng mới tốt tươi hơn.
Ảnh TL
Các dân tộc thiểu số không dùng lịch giấy mà họ tính thời gian theo mùa nắng, mưa, gió và lấy trăng rằm làm tháng. Ngày tổng thu hoạch mùa màng xong xuôi hết, thì họ vui chơi: họp nhau uống rượu, giết trâu khao chung làng xóm.
Không thấy cúng bái. Người Nhật, Tàu, Triều Tiên, Việt Nam thì cúng bái là việc trọng. Các dân tộc này tự coi là văn minh và họ tơ tưởng đến cả thời vụ và thời vận, lễ bái coi như họ cầu xin trời phật giúp họ phát đạt hơn từng ngày, từng năm.
Theo tôi biết người Tàu và người Việt, lì xì ngày đầu năm rất quan trọng, phải có, nên có; nếu không có là do mình keo kiệt (tại vì nghèo). Người Tàu thì nói Mừng, Cống hỉ. Người mình thì nói Lì xì.
Ảnh TL
Ở vùng tôi sinh ra và sống thời thơ dại, tôi thấy nhà nào cũng lì xì cho cây cối trong vườn (thắt cái nơ đỏ lên vài nhánh cây, tượng trưng), lì xì cho trâu bò nuôi dành cho việc đồng áng (dán giấy màu trên sừng trâu bò, cho trâu bò ăn bánh tét), dán giấy màu trên chuồng heo coi như lì xì cho heo, lì xì cho nhà cửa thì dán giấy màu trên cổng, trên cửa chính, trên vài cái tủ.
Cứ vào ngày tết, vào nhà ai, vào vườn ai, người ta cũng thấy vui con mắt! Đó là thời tôi thơ dại, cuộc chiến tranh chống Pháp chưa mãnh liệt…
Thời đó, tôi năm, bảy tuổi, lớn hơn phải tản cư ra thành phố, lớn nữa thì đi học xa, lớn nữa (nếu học mà thi rớt) thì nhập ngũ. Tôi nhớ tôi có vui không nhiều năm lắm.
Vui nhờ có chuyện lì xì, người lớn dành cho các đứa nhỏ: cha mẹ cho tiền con cái gọi là Mừng tuổi, bà con cô bác tới lui thăm viếng nhau, thấy có con nít xớ rớ quanh đó cũng đều móc túi ra cho tiền… Người cho tiền, vui. Mấy đứa nhỏ nhận tiền, mừng. Không có bó buộc cha mẹ phải cho con cháu, bà con cho cháu.
Ảnh TL
Hình như tiền lì xì là tiền hên – cả năm qua làm ăn được… nên hậu hỉ. Năm nào, đứa nhỏ nào mà nhận ít tiền lì xì thì… năm đó, bản thân nó không hên, chắc người lớn… chưa giàu! Rồi mấy ngày đầu năm cũng qua mau…
Về sau này người lớn còn lì xì cho nhau bằng phong bì hay thùng quà có thắt nơ xanh đỏ, con nít được lì xì bằng tiền mới in hoặc tiền nước ngoài với trị giá thấp nhưng được gọi là lucky money (1, 2, 5 USD).
Hồi năm, bảy tuổi tôi có tiền lì xì từ ba má tôi, từ ông bà nội… Nhưng từ khi tản cư chạy giặc và nhập ngũ thì không có nữa. Buồn lắm. Mãi đến vài năm gần đây, con lập gia đình sinh ra cháu ngoại cho mình, tết đến là phải chắt mót cho chúng (chỉ hai đứa), vài đứa cháu xa xa…, bỏ tiền trong bao giấy đẹp cho chúng, chúng vui lắm. Lòng già cũng lấy đó làm niềm vui thêm.
Ai cũng muốn vui. Tìm niềm vui hay tạo niềm vui bằng nhiều cách. Cách hay nhất… là lì xì con nít ngày tết để nhận lại nơi con trẻ những nụ cười, nghĩ cũng sướng lắm chớ!
Theo Tiếp Thị Thế Giới
Nguồn bài viết : da88.com