Không chỉ phá Tam Giang mới có cá ong căng, mà biển miền Trung khúc nào, vùng nước lợ nào cũng có
Lâu lắm mới thấy có nơi ở Sài Gòn bán cá ong căng xứ Huế. Đúng là “ôi niềm nhớ đến bất tận”.
Không chỉ phá Tam Giang mới có cá ong căng, mà biển miền Trung khúc nào, vùng nước lợ nào cũng có. Con sông Cái quê ngoại chảy xuôi về biển Nha Trang, chia làm đôi dòng trôi dưới cầu Hà Ra và Xóm Bóng cũng có thứ cá ngon này. Nhiều nữa là khác. Thuở xưa trong mớ cá đánh được của cậu Mười, thường có cá đục, cá ông căng, cá đối, v.v. Vì nhà nghèo, cá bắt được đem về chỉ dám để lại vài con cá nhỏ, còn lại ngoại tôi đem các con cá lớn, cá ngon như ong căng xuống chợ đổi gạo. Chỉ hôm nào đánh được nhiều, cậu Mười nổi hứng đem vài con cá này nướng và nấu ngọt, làm bữa cơm hôm đó tuy độn bắp nhiều hơn gạo, thịnh soạn hẳn lên.
Mấy con cá ông căng chiều hôm đó ở cái quán trên đường Trần Huy Liệu tôi ngờ ngợ nhận ra, ngờ ngợ xuôi ký ức về không gian phá Tam Giang. Nhớ đến bài thơ Tô Thuỳ Yên do Trần Thiện Thanh phổ nhạc. Nhớ về dòng sông quê ngoại từ bấy đến nay đã bao nhiêu nước trôi về xuôi. Ngờ ngợ là vì cá nấu lên không thấy hai sọc đen rõ rệt chạy dọc trên thân, lại có vẻ bầu bĩnh hơn. Có lẽ là cá ong bầu, sọc trên mình màu vàng nên khó thấy.
Ôi những con cá chiều đó bề ngang chỉ nhỉnh hơn hai ngón tay, dài chừng mười mấy phân. Theo những nhà khoa học đại học Huế, cá cỡ đó dưới một tuổi. Cá một tuổi phải dài trên 15 phân, hai tuổi trên 20 phân, ba tuổi 25 phân và bốn tuổi gần 30 phân. Đúng là ăn kiểu này phải kêu là ấu thực, may không phải là ấu chuyện kia. Hoặc giả sự màu mỡ của phá Tam Giang đã tàn tạ khiến cá lớn không nổi. Nhưng phải công nhận là cá vẫn còn nguyên độ béo nổi tiếng từ hồi nào đến giờ ở vùng đất thần kinh. Độ ngọt tuy vậy, không bằng những con cá tươi tôi được ăn ngày xưa.
Hồi đó, nhà cậu Mười nghèo xơ xác nhưng không bỏ được thú phong lưu của người con trai út trong gia đình ngoại. Cậu dùng tre làm một cầu gỗ bắc ra bến sông. Những bữa cơm chiều thường dọn trên đó. Cá ông căng nướng tại chỗ. Mùi mỡ thơm lừng bay lên từ cái lò than ấm nồng giữa những cơn gió sông lồng lộng. Bữa cơm nhiều bắp nhưng ngon làm sao. Cá ong căng sông Cái thuở ấy cũng ít nhất trên hai tuổi. Cái ngon đọng lại cho đến bây giờ. Nhưng cây cầu tre đã giết cậu sau cơn say chếnh choáng sẩy chân té gãy xương sống. Cái ngon buồn thật buồn.
Buổi chiều trong cái không gian gợi nhớ phá Tam Giang ở Sài Gòn cá cũng ngon. Ngon những vỉa ngon chất chồng trong ký ức nên chẳng thể thoát được cái ngon thật buồn khó tả. Tiếc một điều vì cá không đủ tươi nên chủ quán từ chối làm món nướng theo yêu cầu của khách. Mất đi mùi thơm của cá. Mùi xèo xèo quen thuộc khi da cá nám vàng trên bếp than hồng.
Hồi đó cậu Mười ngày đi làm ở đồn binh, tối thường đi lưới đến sáng sớm mới về. Hôm nào trời gió động đều được mớ cá ong căng tươi xanh, thấy mà thèm. Nhưng chỉ những ngày cuối tuần nghỉ làm cậu đi lưới buổi xế, chiều muộn về đến, có mớ cá này, là cả nhà được bữa cơm canh ngọt cá nướng thơm lừng theo gió sông. Cậu tự tưởng thưởng cho mình vài ngụm rượu đế. Những con còn lại được kho lên. Kéo dài cái ngon cho đến ngày hôm sau đầy mong đợi.
Cái ngon buồn thật buồn và không gian sông nước phá Tam Giang chiều ấy theo ám tôi đến nhiều ngày sau nữa.
bài, ảnh: Ngữ Yên
Nguồn bài viết : Thống Kê Loto