Lập nghiệp thành công sau khóa học nghề

2025-01-17 20:38:19

Chiều một ngày tháng 7, tại cửa hàng sửa chữa xe máy số 52 Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân, Hà Nội), 5 người thợ tất bật sữa chữa, bảo dưỡng xe cho khách. Còn ông chủ Đào Văn Huy sinh năm 1990 vừa vui vẻ trò chuyện với khách, vừa đôn đốc thợ làm cẩn thận, giữ uy tín.

Học một lớp học nghề ngắn hạn, anh Đào Văn Huy hiện đã là ông chủ của một cửa hàng xe sửa chữa xe máy. (Ảnh: Nguyễn Nhung).

Anh Huy là con út trong một gia đình làm nông ở Ý Yên (Nam Định), trên anh còn 3 anh chị em. Học xong cấp 3, trong khi hầu hết bạn bè chọn thi vào các trường đại học, cao đẳng, riêng anh chọn học sửa chữa xe máy tại một trung tâm dạy nghề hướng nghiệp ở Hà Nội vì nghĩ nhanh có việc làm, lại sẵn đam mê xe.

Sau khóa học 3 tháng, anh Huy đi làm thuê cho các cửa hàng sửa chữa xe máy ở Hà Nội trong 2 năm để tích lũy kinh nghiệm. Đến năm 2008, khi thấy tay nghề đã vững, anh cùng bạn bè lập hai cơ sở sửa chữa xe máy và đóng cổ phần. Năm 2013, anh có cửa hàng của riêng mình.

Mỗi tháng doanh thu từ cửa hàng do anh làm chủ từ 150 đến 170 triệu đồng, vào tháng giáp Tết khách đông thường cao hơn. “Tiền lương của nhân viên thì tùy vào trình độ tay nghề, mình làm ở đây được 2 năm, tiền lương hiện giờ là hơn 6 triệu đồng/tháng”, anh Nguyễn Chí San (quê Hà Tây) chia sẻ.

Chia sẻ về kinh nghiệm lập nghiệp, ông chủ trẻ nói: “Các bạn hãy cứ làm. Tuổi trẻ thì không tránh khỏi thất bại một vài lần, chỉ cần biết rút kinh nghiệm, học hỏi từ những người khác, cố gắng làm công việc mà bạn đang theo đuổi”.

Quyết định nghỉ học vào năm lớp 10, Lương Văn Thịnh ở Can Lộc (Hà Tĩnh) vừa đi làm vừa học nghề sửa chữa xe máy, ôtô. Năm 22 tuổi, cậu đã là chủ của một gara ôtô bên quốc lộ 1A ở thị trấn Can Lộc.

Chàng trai sinh năm 1993 chia sẻ, bố mất từ năm lên 6 tuổi, một mình mẹ phải nuôi 6 người con. Thương mẹ vất vả, Thịnh quyết định nghỉ học, vừa đi làm vừa học nghề. Học xong, cậu xin làm thuê trong các xưởng sửa chữa xe máy, ôtô để có tiền trang trải cuộc sống và phụ giúp mẹ.

Lương Văn Thịnh (bên phải) cùng với nhân viên của mình trong giờ làm việc. (Ảnh nhân vật cung cấp).

Sáu năm vừa đi làm vừa học nghề, Thịnh đã tích góp được một số tiền, tay nghề tiến bộ vượt bậc. Đầu năm 2015, nhờ số tiền tích góp được và sự giúp đỡ của các anh chị, Thịnh vay thêm ngân hàng 200 triệu đồng để mở một gara ôtô. Hiện mỗi tháng gara cho thu nhập từ 60 triệu đến 80 triệu đồng (trừ chi phí mua phụ tùng), tạo công ăn việc làm cho 5 nhân viên với tiền lương 3-5 triệu đồng/tháng.

Ngày Thịnh quyết định nghỉ học, người mẹ đã rất buồn, các anh chị đều động viên tiếp tục đi học, nhưng chàng trai quyết định dừng lại ở lớp 10. “Nghỉ học đó là một quyết định rất khó khăn, nhưng điều kiện không cho phép. Suy nghĩ của mình lúc đó là nhanh có việc làm để mẹ đỡ vất vả, sau đó học một cái nghề để cho tương lai lâu dài”, Thịnh chia sẻ.

Trước khi mở được gara ôtô, Thịnh đã trải qua nhiều nghề, từng đi phụ hồ nhưng công việc vất vả, lương lại không đều. “Không phải cứ đi theo con đường đại học mới có thể lập nghiệp, chỉ cần chăm chỉ, có ý chí và niềm tin vào cuộc sống thì cuộc sống sẽ tốt hơn mỗi ngày”, Thịnh nhắn nhủ tới những bạn trẻ đang chập chững bước vào đời.

Theo VnExpress

Nguồn bài viết : BG Trực Tuyến

Top