Ăn chung mâm, ở cùng nhà
Là một trong 25 gia đình tam, tứ đại đồng đường được vinh danh nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) vừa qua tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội), ông Nguyễn Thạch Từ (SN 1934) và bà Nguyễn Thị Cạnh (SN 1935) ở thôn Dương Đá, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã gây ấn tượng vì đại gia đình của ông bà vẫn cùng nhau sống chung dưới một mái nhà, ăn cơm cùng nồi, nấu chung cùng bếp. Nhất là hình ảnh khi cụ ông nắm tay cụ bà lên nhận Bằng khen đã làm nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ “ghen tị” về tình cảm của hai ông bà.
Lấy nhau từ năm 1953, ông bà sinh được 4 người con. Hiện hai ông bà đã có 6 cháu nội. Ba thế hệ đang sống quây quần trong một khuôn viên đất 600m2. Nhiều năm liền, gia đình ông Thạch Từ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa tiêu biểu. Bà Cạnh bảo, ông bà sống với nhau đã 62 năm, nhưng chưa bao giờ nói nặng với nhau một lời. Khi gia đình có tiếng cười con trẻ, ông bà càng xác định gắn bó với nhau không chỉ vì tình mà còn cái nghĩa sâu nặng ở đời.
Con, cháu đến tặng hoa cho ông bà Từ - Cạnh tại Hội thảo.
Mặc dù ông bà đều đã cao tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn. 80 tuổi, bà Cạnh vẫn bế cháu, quét dọn, thu vén nhà cửa. Sáng nào bà cũng dậy sớm đi chợ cho cả gia đình. Bà Cạnh luôn cố gắng đi chợ để các thành viên trong gia đình luôn có bữa ăn tươi ngon, đảm bảo sức khỏe và coi đó là niềm vui lúc tuổi già. Còn ông Từ, hàng ngày vẫn đưa, đón các cháu đi học. Về hưu sau 19 năm làm giáo viên dạy Văn ở Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm, Hà Nội), ông vẫn tích cực tham gia công tác ở địa phương như công tác Mặt trận, Chủ tịch Hội Giáo chức…
Để “lãnh đạo” đại gia đình, ông Từ, bà Cạnh vẫn được coi là “thủ lĩnh”. Cả nhà chỉ chung một cái bếp. Tiền sinh hoạt chung của gia đình, các con gửi cho bà đi chợ. Ông Từ bảo, các con trai, con dâu đa phần đi làm công nhân từ sáng sớm đến tối mới về. Bởi vậy, bữa cơm chiều là thời điểm vui nhất của gia đình ông bà. Các con, cháu tất bật nổi lửa nấu cơm cho gia đình rồi ăn quây quần ở một khu, chuyện trò rôm rả.
Các gia đình tam, tứ đại đồng đường được vinh danh nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2015
Mọi việc trong nhà không phân công mà chủ yếu do tính tự giác của mỗi người, ai về trước nấu cơm, ai về sau giặt quần áo, quét nhà, mỗi người một việc cùng giúp đỡ nhau. Bởi vậy, dù trong nhà đông người nhưng lúc nào không khí gia đình cũng vui vẻ, ấm áp, hòa thuận, tôn trọng lẫn nhau không để xảy ra mâu thuẫn. Ông bà làm gương nên các cháu đều biết kính trên nhường dưới, học hành chăm chỉ, có công việc ổn định. Chị em dâu cùng bảo ban nhau làm ăn, không để xảy ra cãi cọ, tị nạnh.
“Nhiều người biết gia đình tôi mười mấy người sống cùng nhau, ai cũng bảo lạ nhưng tôi thì thấy bình thường. Tuy xây cho mỗi người một căn nhà nhưng vẫn chung trên mảnh đất và chung một bếp nấu ăn, không ai ăn riêng. Để giữ được hơi ấm của gia đình đông người, điều quan trọng là phải biết giữ sự công bằng giữa các thành viên với nhau. Tuyệt đối không được thiên vị. Phải biết cách làm gương cho các con cháu, phán đoán được tâm lý phát triển của con trẻ mà lựa lời bảo ban riêng, tránh trách móc con cháu ở chỗ đông người...”, bà Cạnh chia sẻ.
“Sai đâu bảo đó”
Đó là bí quyết mà gia đình ông Nguyễn Cảnh Sợi (82 tuổi) và bà Trần Thị Xuân (81 tuổi) ở đường Phạm Đình Hổ (Hà Nội) đã duy trì nhiều năm qua để đại gia đình sống hòa thuận. 52 năm chung sống với nhau, ông bà có 4 người con (3 gái, 1 trai) và 10 cháu nội, ngoại.
Gia đình ông Sợi được biết đến là gia đình nhiều năm liền được biểu dương là Gia đình văn hóa tiêu biểu. Các thành viên trong gia đình rất đoàn kết, hòa thuận, trên dưới một lòng từ cha mẹ đến con cháu, dâu rể. Ðặc biệt, nhiều thành viên trong gia đình học hành đỗ đạt.
Ông bà Sợi tại buổi Hội thảo
Trước đây, ông Sợi từng công tác ở Ban Kinh tế Trung ương Đảng, bà Xuân là cán bộ Viện Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT). Là đảng viên gương mẫu, hai ông bà luôn là tấm gương để con cháu học tập, noi theo. Các con, cháu mỗi người một tính cách nhưng hiếm khi nào gia đình ông bà xảy ra những tiếng cãi vã hay mâu thuẫn với nhau. Ông Sợi cho biết: “Sống chung nhiều thế hệ dưới một mái nhà sẽ có những va chạm về quan niệm sống. Nhưng tôi luôn cố gắng giữ cân bằng qua cách sống cởi mở, trách nhiệm và đảm bảo công bằng”.
Và ông bảo, điều quan trọng hơn cả chính là “sai đâu bảo đó”. Phương châm hành xử của ông bà luôn được con cháu tôn trọng. Các con, cháu nếu thấy ông bà có điều gì chưa phải, chưa đúng thì cũng gặp ông để trao đổi lại. Chính vì vậy, đại gia đình nhiều thế hệ chung sống cùng nhau mấy chục năm mà chưa một người con nào phải phàn nàn về gia đình.
Trong thời hiện đại, để sống được nhiều thế hệ, người già và người trẻ cần thấu hiểu, chia sẻ, đồng cảm... với nhau
Hiện do công việc làm phân tán nhiều nơi nhưng để giữ nếp nhà, cứ đến ngày cuối tuần, gia đình ông bà vui như ngày Tết vì mấy chục người lại tụ tập ăn uống. Qua những buổi họp đại gia đình, ông bà thường nhắc nhở con cháu biết trọng lễ nghĩa. Ông Sợi cũng không quên nhắc các con cháu phải biết sống chan hòa với hàng xóm láng giềng, nuôi dưỡng tình cảm theo đúng lời người xưa dạy “Bán anh em xa mua láng giềng gần”.
“Trong thời hiện đại, để sống được nhiều thế hệ, người già trong gia đình phải cố gắng tiếp cận với những thông tin mới, tìm hiểu cuộc sống của giới trẻ ngày nay để biết cảm thông. Người trẻ cần quan tâm, đừng nên quá áp đặt cái mới vào lối tư duy đã gắn kết bao năm với bố mẹ, ông bà”, ông Sợi chia sẻ.
“Hội thảo “Tam, tứ đại đồng đường” do Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp với Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam và các đơn vị đồng tổ chức nhân Ngày Gia đình Việt Nam. Đây là buổi chia sẻ kinh nghiệm sống của 25 gia đình tam, tứ đại đồng đường có các thành viên gia đình thành đạt, sống hòa thuận. |
Theo Gia Đình & Xã Hội Online
Nguồn bài viết : Casino lớn nhất Việt Nam