Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo Phạm Vũ Luận - Ảnh chụp màn hình
Chiều 12-6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn Quốc hội xung quanh nhiều vấn đề đang được quan tâm: Đổi mới chương trình SGK phổ thông, đánh giá học sinh tiểu học, kỳ thi THPT quốc gia.
Ông Nguyễn Sinh Hùng cho biết trong mênh mông những vấn đề về giáo dục, Quốc hội chọn ba vấn đề là đổi mới chương trình SGK phổ thông, kỳ thi THPTquốc gia và đổi mới đánh giá học sinh tiểu học để các đại biểu đặt câu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Đào tạo lại giáo viên
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Huỳnh Văn Tính hỏi: "Để đổi mới chương trình SGK phổ thông, thực hiện đổi mới thi cử, những giải pháp quan trọng nào cần áp dụng để thực hiện hiệu quả?"
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết việc thực hiện đổi mới giáo dục, cụ thể là đổi mới chương trình SGK phổ thông, đổi mới thi cử, đánh giá, cũng như đổi mới quản lý trong nhà trường, đổi mới quản lý ngành đều cần nhiều giải pháp đồng bộ, cùng song song thực hiện. Tuy nhiên, yếu tố con người trong công cuộc đổi mới luôn quan trọng nhất.
Cụ thể trong các nhà trường, muốn đổi mới thì yếu tố giáo viên phải được đặt ra như một nhiệm vụ quan trọng nhất. Vì vậy việc đổi mới đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm, đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên đang làm việc trong các nhà trường phổ thông là việc mà Bộ GD-ĐT đang phải tiến hành cùng với việc đổi mới nội dung chương trình SGK phổ thông, đổi mới thi cử, đánh giá.
Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch đề nghị Bộ trưởng Phạm Vũ Luận làm rõ thêm về hai đề án đào tạo giáo viên và đề án xây dựng cơ sở vật chất, đây là hai đề án nhằm đảm bảo điều kiện thực hiện đổi mới chương trình SGK phổ thông.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết đề án cơ sở vật chất nối tiếp những chương trình mà Chính phủ triển khai như chương trình kiên cố hóa trường lớp học, chương trình hỗ trợ giáo dục vùng khó khăn, đề án phát triển hệ thống trường chuyên, xây dựng hệ thống trường dân tộc nội trú…
Đề án cơ sở vật chất, ngoài việc chú trọng đến hệ thống trường lớp học, còn chú trọng đến việc củng cố, đầu tư thiết bị dạy học theo nguyên tắc tận dụng triệt để các thiết bị hiện có, chỉ bổ sung mới các thiết bị còn thiếu và cần thiết. Trong đó, chú trọng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, kỹ thuật số nhằm tiết kiệm chi phí, đồng thời cũng nhằm phù hợp với xu thế chung của các nước có nền giáo dục phát triển.
Về đề án đào tạo giáo viên, ông Phạm Vũ Luận cho biết đã triển khai đồng thời hai việc: Đổi mới đào tạo trong các trường sư phạm nhằm cung cấp đội ngũ giáo viên mới đảm bảo yêu cầu và đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện hành.
Riêng việc đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên “cần phải có chương trình SGK mới mới có căn cứ xác đáng để kiểm tra lại đội ngũ giáo viên hiện hành xem họ đạt yêu cầu tới đâu, còn những bất cập gì để khắc phục”, ông Luận nói.
Cả hai đề án trên đều nằm trong loạt các đề án đã được Chính phủ phê duyệt, được tiến hành song song cùng với đề án đổi mới chương trình SGK phổ thông.
“Trước đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT do các địa phương tổ chức, kết quả tốt nghiệp đạt mức cao 98-99% nhưng năm nay khi thực hiện kỳ thi THPT quốc gia, các trường ĐH lại chủ trì tổ chức các cụm thi. Điều này khiến nhiều người dân lo ngại vì các trường ĐH làm quá nghiêm sẽ dẫn tới kết quả tốt nghiệp sụt giảm”, Ông Phạm Ngọc Thạch đặt vấn đề để hỏi ý kiến của Bộ trưởng.
Về điều này, Bộ trưởng Luận khẳng định dù thí sinh dự thi ở cụm thi do địa phương hay trường ĐH chủ trì thì đều phải tuân thủ quy chế chung. Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc kỹ barem điểm để kết quả chấm thi nghiêm túc, chính xác, tránh thiệt thòi cho thí sinh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Luận cũng chia sẻ việc coi thi nghiêm túc cũng là một hoạt động giáo dục quan trọng, tác động đến nhân cách học sinh. Nếu để xảy ra tiêu cực thi cử, không chỉ ảnh hưởng đến kết quả thi mà còn ảnh hưởng xấu tới việc giáo dục nhân cách học sinh. Vì thế, Bộ GD-ĐT sẽ kiên quyết thực hiện nghiêm túc kì thi này. “Đổi mới, nghiêm túc nhưng không gây sốc, không làm thay đổi đột ngột”, ông Luận khẳng định.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) băn khoăn về việc với lần đổi mới chương trình SGK trước đây, Bộ GD-ĐT cần 4 năm để tổ chức thí điểm. Nhưng lần đổi mới sắp tới, Bộ GD-ĐT dự kiến chỉ thí điểm những nội dung mới và giao việc thí điểm này cho các tác giả xây dựng chương trình SGK thì e rằng kết quả thí điểm thiếu thuyết phục.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Luận cho biết việc đổi mới chương trình SGK lần này sẽ tiến hành trên quan điểm tận dụng những nội dung cũ còn có giá trị, còn phù hợp với yêu cầu. Do vậy với những nội dung cũ còn tốt thì không cần thử nghiệm, chỉ tập trung thử nghiệm những cái mới. Việc giao cho các nhóm tác giả tổ chức thử nghiệm vì đó là nội dung họ xây dựng, họ sẽ triển khai thử nghiệm tốt nhất. Cùng với họ sẽ có đội ngũ chuyên gia, nhà giáo dục giám sát, thẩm định.
Chưa thỏa mãn phần trả lời của Bộ trưởng
Trước băn khoăn của các đại biểu về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, Bộ trưởng Luận cho rằng để thực hiện đổi mới thi cử lần này, Bộ GD-ĐTđã quán triệt các thầy cô, các cơ quan quản lý giáo dục nhận khó khăn về mình, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh.
Những thuận lợi của thí siinh được ông Luận lần lượt liệt kê là số lần thi giảm, số bài thi giảm, thí sinh chủ động chọn trường sau khi đã có kết quả… Thậm chí, ngay với học sinh chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp THPT vẫn có cơ hội xét tuyển vào ĐH với địa chỉ lựa chọn lên đến hơn 150 trường ĐH, CĐ có đề án tuyển sinh riêng.
Có phần chưa thỏa mãn với phần trả lời của Bộ trưởng liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia, đại biểu Nguyễn Minh Lâm đặt vấn đề: Qua phần trả lời của Bộ trưởng với các đại biểu trước đó thì thấy việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia có nhiều thuận lợi hơn. Song phải nhìn nhận có một số vấn đề phát sinh từ kỳ thi dường như chưa được đánh giá kỹ lưỡng như điều kiện hạ tầng, điều kiện ăn ở tại nhiều địa phương chưa đáp ứng được trong tổ chức kỳ thi sắp tới. Đây không chỉ là nỗi lo của học sinh, phụ huynh mà còn là gánh nặng của địa phương. Bộ trưởng sẽ đưa ra giải pháp gì?
Đáp lại trăn trở, lo lắng của đại biểu, bộ trưởng Luận lại tỏ ra khá… lạc quan với phương án tổ chức thi đã lựa chọn: “Việc tổ chức thi theo cụm đã được thực hiện 13 năm qua ở ba cụm thi tại Vinh, Quy Nhơn, Cần Thơ và ba năm qua đã tổ chức thêm cụm thi tại Hải Phòng.
Năm nay, Bộ GD-ĐT tổ chức 38 cụm thi quốc gia. Để triển khai các cụm thi quốc gia này, Bộ GD-ĐT đã làm việc với các tỉnh, đã thực hiện khảo sát, dự kiến địa điểm, trao đổi với lãnh đạo địa phương, các UBND các tỉnh, thành phố đều vào cuộc quyết liệt, các sở ban ngành cùng tích cực tham gia để bố trí, tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh". Ông Luận cũng cho rằng ngoài ra có nhiều tổ chức xã hội tham gia tổ chức các chuyến xe cho các thí sinh đi lại, bố trí các nhà trọ miễn phí phục vụ thí sinh...
Theo Vĩnh Hà - Ngọc Hà/Tuổi trẻ
Nguồn bài viết : Hội cày game kiếm tiền