Meicai, startup kết nối nông dân trồng rau với các nhà hàng, hộ gia đình, đang nhắm tới huy động 500 triệu USD trong vòng gọi vốn mới nhất, theo đó định giá công ty khoảng 10 - 12 tỷ USD, Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết.
Meicai, có nghĩa là "rau ngon" trong tiếng Trung Quốc, đã huy động được khoảng 800 triệu USD trong năm 2018, đưa định giá của công ty lên 7 tỷ USD. Đây là một trong nhiều startup giao thực phẩm thu hút được nhiều vốn đầu tư tại Trung Quốc, nhắm tới một thị trường mà thương mại điện tử vẫn chưa được khai thác hết.
Tìm kiếm nguồn thực phẩm tươi và kết nối với khách hàng đang trở thành cuộc cạnh tranh ngày càng "nóng" giữa các startup như Meicai và Meituan. Công ty giao thực phẩm Beijing Missfresh Ecommerce Co. cũng đang có kế hoạch huy động khoảng 300 - 500 triệu USD ở định giá 3 tỷ USD, theo Bloomberg.
Có trụ sở tại Bắc Kinh, Meicai đã nhận được vốn đầu tư từ Tiger Global Management, Hillhouse Capital, GGV Capital, Genesis Capital và China Media Capital. Công ty này cũng được cho là nằm trong một nhóm nhà đầu tư đang cân nhắc thâu tóm chi nhánh tại Trung Quốc của hãng bán buôn thực phẩm Đức Metro AG.
Meicai được thành lập vào năm 2014 bởi Liu Chuanjun với mục tiêu tìm nguồn thực phẩm tươi cho khoảng 10 triệu nhà hàng vừa và nhỏ tại Trung Quốc. Qua ứng dụng Meicai, khách hàng có thể đặt mua trực tiếp những đặc sản như cải bắp Bok Choy và hạt tiêu Tứ Xuyên từ các trang trại, bỏ qua khâu trung gian truyền thống. Tính đến cuối năm 2017, Meicai đã có mặt tại gần 100 thành phố của Trung Quốc và đạt doanh thu trên 10 tỷ Nhân dân tệ (1,5 tỷ USD).
Liu Chuanjun sinh ra tại một vùng nông thôn của tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, từ bé đã thường xuyên giúp đỡ gia đình trồng ngô. Ông là một trong số ít người trong làng được đi học đại học với chuyên ngành vật lý thiên văn tại Học viện Khoa học Trung Quốc. Trước khi lập ra Meicai, ông từng làm việc cho nhiều dự án tên lửa bao gồm tàu vũ trụ Thần Châu của Trung Quốc, theo thông tin trên website của công ty.
Meicai đang tham gia thị trường giao thực phẩm tươi đầy màu mỡ, với các đối thủ lớn như Meituan và Ele.me của Alibaba mới chỉ khai thác được một phần nhỏ. Hiện tại, đồ ăn giao tận nơi mới chỉ chiếm khoảng 20% lượng thực phẩm tiêu dùng tại Trung Quốc, theo Harry Man - đối tác của Matrix Partners China, chia sẻ tại hội thảo công nghệ RISE diễn ra tại Hồng Kông ngày 9/7. 80% còn lại được chế biến tại nhà.
"Vì vậy, những công ty đang phục người tiêu dùng, giao thực phẩm tươi - rau, quả, thịt, hải sản và mọi thứ - tới tận tay họ - sẽ tạo ra một thị trường lớn gấp nhiều lần so với thị trường giao đồ ăn (chế biến sẵn)", Harry Man nhận định.
Theo Ngọc Trang
VnEconomy
Nguồn bài viết : UG Thể Thao