2025-01-15 20:42:07

Hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường với nông sản và những khó khăn trong vận động Ủy ban châu Âu gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU đối với thủy sản Việt Nam là hai trong những vấn đề các đại biểu quan tâm, chất vấn trong Chương trình Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 21/8.

Tại phiên họp, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về giải pháp tham mưu Chính phủ “sớm có chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, mở rộng thị trường với nông sản Việt Nam,” đồng thời nêu câu hỏi: “Bộ sẽ có những giải pháp gì để tham mưu cho Chính phủ sớm hoàn thiện chính sách pháp luật về phát triển nhãn hiệu, thương hiệu sở hữu độc quyền nhãn hiệu sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam?”

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết chủ trương mở cửa thị trường đã được nhất quán để mở cửa tiêu thụ nông sản từ trong nước đến nước ngoài. Đồng thời, yêu cầu chuẩn hóa đối với hàng hóa nông sản cũng là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát như ở nước ta hiện nay.

Nhấn mạnh các giải pháp để mở cửa tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết thời gian qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương liên tục có những Nghị định thư với các nước để tiêu thụ nông sản ngoài việc tiêu thụ trong nước. Trong đó, vấn đề chuẩn hóa tất cả các tiêu chuẩn chất lượng nông sản là vấn đề lớn.

"Chúng ta không thể nói vấn đề tiêu thụ thị trường nếu hàng hóa của chúng ta không chuẩn theo các tiêu chuẩn của thị trường. Do đó, cần quan tâm đến vấn đề cấp mã số, vùng trồng, vùng nuôi. Đây là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp nước ta," Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nhấn mạnh việc xây dựng lại vùng nguyên liệu tập trung, liên kết thành hợp tác xã đủ mạnh là nhiệm vụ quan trọng để khắc phục “tính manh mún của nền nông nghiệp,” theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chính sách để liên kết được những mảnh ruộng nhỏ trở thành những mảnh ruộng lớn, khu rừng nhỏ trở thành khu rừng lớn cần các địa phương quan tâm hơn nữa.

“Bộ có vai trò kiến nghị với Chính phủ để có những chính sách phù hợp. Khi chính sách có rồi thì việc hành động ở cấp độ địa phương cũng cần quyết liệt,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc phát triển các sản phẩm đặc trưng vùng miền cũng là một kênh để chúng ta tiêu thụ những sản phẩm chế biến, tăng giá trị cho nông sản địa phương theo từng cấp độ. Đến nay chúng ta đã có hơn 13.000 sản phẩm OCOP. Nếu chúng ta thực hiện tốt việc này sẽ giải tỏa được áp lực thị trường, đồng thời tạo ra sinh kế, việc làm cho nông dân.

Đối với vấn đề nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đang nghiên cứu sâu về vấn đề này vì nếu có thương hiệu sẽ tạo được giá trị gia tăng rất lớn, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn nhất định.

Cụ thể chưa có Nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ để ban hành nghị quyết về thương hiệu. Bên cạnh đó, vẫn còn có sự nhầm lẫn giữa nhãn hiệu và thương hiệu.

“Nhãn hiệu xây dựng và bảo hộ dễ hơn, nhưng thương hiệu là niềm tin của người tiêu dùng về chất lượng, tiêu chuẩn, độ đồng đều đối với một sản phẩm nào đó. Bộ đang cùng với Bộ Công Thương phối hợp xây dựng thương hiệu của nông sản. Muốn vậy chúng ta phải có vùng nguyên liệu tập trung để có những sản phẩm đồng đều, quy chuẩn hóa các nông sản chủ lực, xây dựng thiết chế bảo vệ hình ảnh nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế,” Bộ trưởng cho hay.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đặt câu hỏi về những khó khăn trong vận động Ủy ban châu Âu gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho biết trong năm 2024, ngành thủy sản nước ta tiếp tục đối mặt với rất nhiều thách thức từ thị trường, giá bán đến các thách thức do những rào cản thương mại. Đặc biệt trong bối cảnh đã gần 7 năm Việt Nam bị cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) về hoạt động thủy sản.

“Đến thời điểm hiện tại, Bộ đang gặp những khó khăn, vướng mắc nào trong quá trình thực hiện vận động Ủy ban châu Âu gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU và Bộ trưởng có cam kết cụ thể nào để giải quyết vấn đề này?” đại biểu Trần Thị Nhị Hà chất vấn.

Trả lời đại biểu về các giải pháp gỡ "thẻ vàng" IUU, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay chủ yếu vẫn là thực hiện tốt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó phát triển thủy sản dựa trên ba trụ cột: Giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển để đảm bảo trữ lượng thủy sản dành cho thế hệ mai sau.

“Những giải pháp nhằm gỡ "thẻ vàng" IUU chúng ta thực hiện trong suốt 7 năm qua đã có những thành quả nhất định. Chúng ta cũng tổ chức lại hệ thống kiểm ngư, hiện 28 địa phương ven biển đều có lực lượng kiểm ngư. Chúng ta có Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao về hình sự hóa những hành vi vi phạm liên quan đến IUU,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, mặc dù đã giảm 20.000 chiếc tàu cá (từ hơn 100.000 chiếc xuống còn 86.000 chiếc) nhưng so với các nước trong khu vực, số lượng tàu cá của Việt Nam còn nhiều, ảnh hưởng đến việc phát triển bền vững.

Thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục chứng minh về những nỗ lực trong việc tháo gỡ "thẻ vàng" IUU; phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cùng vào cuộc triển khai tháng cao điểm./.

Người Việt chi hơn 3 triệu tỷ đồng cho tiêu dùng trong nửa đầu năm

Tính chung sáu tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 3 triệu tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,7%.

(TTXVN/Vietnam+)
Top