Tăng cường lòng tin với rau an toàn cho người tiêu dùng

2025-01-18 15:04:18

“Tăng cường độ tin cậy trong sản xuất cây trồng an toàn tại khu vực miền Bắc” là dự án hỗ trợ kỹ thuật từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản thông qua cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Người tiêu dùng thăm quan, mua các sản phẩm nông sản an toàn tại hội nghị.

Dự án đã được JICA và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ký kết biên bản ghi nhớ (RD), với sự tham gia của 4 tỉnh, thành phố chính là Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hà Nam; cùng 3 tỉnh vệ tinh là Thái Bình, Phú Thọ và Vĩnh Phúc.

Trọng tâm của dự án là hoạt động kết nối kênh tiêu thụ, quảng bá và xúc tiến thị trường tiêu thụ rau an toàn được xác định là một hoạt động quan trọng. Với thành phố Hà Nội, việc triển khai dự án được giao cho Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội; trong vòng 10 năm qua, Chính phủ đã thúc đẩy sản xuất rau an toàn. Trong 12.000 ha diện tích sản xuất rau an toàn tại Hà Nội, hiện cũng đã có 5.044 ha (42%) là diện tích rau an toàn.

Cùng với đó, nhận thức của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm được nâng cao. Nghiên cứu năm 2016 cho thấy, 97.5% người tham gia trả lời họ quan ngại (30%) hoặc cực kì quan ngại (67.5%) về vấn đề an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, việc sử dụng rau an toàn hiện vẫn chưa được người tiêu dùng “mặn mà”. Lý do là vì họ thiếu niềm tin vào quy trình chứng nhận rau an toàn và người bán. Có tới 40% người tiêu dùng cho rằng họ thiếu niềm tin và 80% cho rằng hoàn toàn không tin tưởng quy trình chứng nhận thực phẩm an toàn.

Trong bối cảnh đó, dự án “Tăng cường độ tin cậy trong sản xuất cây trồng an toàn tại khu vực miền Bắc” được triển khai với mục tiêu cải thiện về mức độ an toàn và tin cậy với sản phẩm nông nghiệp của khu vực miền Bắc (2 thành phố và 11 tỉnh). Cùng với đó, tăng cường việc sản xuất cây trồng an toàn (rau an toàn) tại các điểm mục tiêu của khu vực miền Bắc (2 thành phố và 11 tỉnh).

Sau khi kết thúc dự án, năng lực quản lý và giám sát sản xuất cây trồng an toàn của các tổ chức liên quan (Cục Trồng trọt/Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT tại các tỉnh/thành phố, huyện xã) sẽ được tăng cường. Cùng với đó, sẽ xây dựng được những mô hình tốt về sản xuất cây trồng an toàn (sản xuất rau an toàn” áp dụng GAP (GAP Cơ bản) theo chuỗi cung ứng (liên kết thị trường giữa sản xuất và tiêu dùng). Đặc biệt, nhận thức của các tổ chức/các nhân liên quan, chủ yếu là người sản xuất và người thu mua (khách hàng và cả thương lái, người bán buôn và bán lẻ) về sản xuất cây trồng an toàn và an toàn thực phẩm sẽ được nâng cao”, đại diện JICA chia sẻ.

Cũng theo đại diện này, hiện tại vấn đề an toàn thực phẩm ở Nhật Bản đã được làm tốt. Trong 4 triệu mẫu thực phẩm được kiểm tra của nước này, tỉ lệ phát hiện tồn dư hóa chất nông nghiệp (cả sản phẩm sản xuất trong nước và sản phẩm nhập khẩu) chỉ là 0.30% và tỉ lệ vượt mức giới hạn cho phép là 0.009% vào năm 2012. Nói cách khác, con người an toàn khi họ ăn các sản phẩm thực phẩm thông thường được bày bán tại các cửa hàng. Thỉnh thoảng cũng có trường hợp về nhiễm bẩn, ngộ độc thực phẩm và sử dụng nhãn mác giả, tuy nhiên những trường hợp đó vẫn là một phần nhỏ trong an toàn thực phẩm.

Để có được kết quả này, là do sự nhận thức cao trong cả Chính phủ, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Cụ thể, Chính phủ Nhật Bản một mặt đưa ra các quy tắc và quy định về tồn dư hóa chất nông nghiệp và thực hiện giám sát thường xuyên. Đồng thời Chính phủ cung cấp thông tin và xử phạt đối với người sản xuất, như dừng việc bán hàng nếu phát hiện việc sử dụng hóa chất nông nghiệp bất hợp pháp. Với việc thực hiện nghiêm ngặt các quy định, người sản xuất và thương lái có nghĩa vụ tuân thủ theo quy định vì vi phạm các quy tắc này sẽ liên quan đến rủi ro rất cao.

Về phía người sản xuất, họ rất nhạy cảm với phản hồi của khách hàng; luôn sẵn sàng cung cấp thông tin chính xác về sản phẩm của mình. Đồng thời đề cao giá trị trong việc thông tin liên hệ và phản hồi từ các bên liên quan

Với người tiêu dùng, bản thân họ cũng có nhận thức cao về an toàn thực phẩm; luôn biết tự kiểm tra thông tin về nhà sản xuất và sự an toàn. Đồng thời chia sẻ thông tin về an toàn thực phẩm với những người khác.

“Đây là điều chúng tôi mong đạt được tại Việt Nam khi đồng hành cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai dự án”, đại diện JICA chia sẻ.

: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội dưới sự hỗ trợ của Dự án “Tăng cường độ tin cậy trong sản xuất cây trồng an toàn tại khu vực miền Bắc” thuộc Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) đã xây dựng Trang thông tin Nông sản an toàn Hà Nội (nongsanantoanhanoi.gov.vn). Ðây là hoạt động nhằm kết nối chuỗi cung cấp nông sản an toàn từ các nhà sản xuất tới bàn ăn của mỗi gia đình. Trang thông tin Nông sản an toàn Hà Nội được hình thành nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng trong việc tiêu dùng thực phẩm an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây là trang tin điện tử chính thức của Thành phố cung cấp thông tin Nông sản an toàn, giúp người tiêu dùng nhận biết, lựa chọn những địa chỉ thực phẩm an toàn. Các doanh nghiệp có thể tham gia kết nối tiêu thụ qua chuyên trang này, có thêm cơ hội quảng bá và xúc tiến thị trường để khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm.

Nguồn bài viết : Thống kê XSMN

Top