Bộ đội Biên phòng An Giang giúp dân khắc phục hậu quả giông lốc |
NPA viện trợ 30 tỷ đồng khắc phục hậu quả sau chiến tranh tại Quảng Trị |
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: "Huy động toàn bộ lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất" - Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, do ảnh hưởng của không khí lạnh và vùng áp thấp, các tỉnh Trung Bộ từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa đã có mưa to từ 100-200 mm (tập trung trong ngày 31/3).
Thiên tai bất thường, gây nhiều thiệt hại
Mưa lớn kèm theo dông lốc, gió giật mạnh, sóng lớn tại các tỉnh ven biển từ Thừa Thiên Huế - Phú Yên.
Dự báo, từ ngày 1/4 đến ngày 2/4, ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục có mưa lớn, trong đó từ Hà Tĩnh - Quảng Ngãi mưa phổ biến từ 150-250 mm/đợt, có nơi trên 300 mm/đợt; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Trước khi xảy ra đợt mưa lớn, gió mạnh, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã có 3 công văn chỉ đạo các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên ứng phó với mưa lớn, lũ, lốc, sét, gió mạnh trên biển.
Cụ thể, ngày 28/3, văn bản chỉ đạo ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Ngày 30/3, chỉ đạo ứng phó với mưa lũ và ngày 31/3, chỉ đạo ứng phó với gió mạnh trên biển.
Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, 2 người mất tích do lốc xoáy khi trên ghe ra lồng bè nuôi tôm hùm để cho tôm ăn (xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, Phú Yên). Hiện nay đã tìm thấy 1 thi thể người mất tích. Có 4 người bị thương do dông lốc (Thừa Thiên Huế). Phú Yên có 2 nhà sập đổ; 37 nhà tốc mái, hư hỏng tại Thừa Thiên Huế và Phú Yên.
Về thủy sản, có 176 ghe, thuyền chìm, hư hỏng, trong đó Thừa Thiên Huế 7 chiếc, Bình Định 50 tàu, Phú Yên 92 tàu, Khánh Hòa 27 tàu. Có 2.450 lồng bè tôm hùm ở Phú Yên thiệt hại.
Về nông nghiệp có 13.484 ha lúa, 292 ha hoa màu ở Phú Yên bị ngập, ngã đổ. Hiện các địa phương đang tiếp tục thống kê thiệt hại.
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, địa phương bị thiệt hại nặng nhất, cho biết, đây là đợt thiên tai trái mùa đặc biệt. "Bình thường, trong các cơn bão thì khi đưa xuống độ sâu 10-15m nước thì các lồng bè tương đối an toàn, nhưng trong đợt này, lồng bè của người dân đưa xuống độ sâu hơn 10m nước nhưng vẫn bị xoáy, có nhiều lồng bị đánh bật lên bờ", ông Thế nói. "Dòng chảy ngầm có sức phá hoại lớn hơn cả các cơn bão mà Phú Yên từng gặp phải. Thậm chí có cơn bão cấp 10, 11 hay hơn, nhưng cũng không có thiệt hại lớn như thế này đối với nuôi trồng hải sản", lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho biết.
Về hoa màu, ước tính năng suất lúa mất khoảng 30%. Tổng thiệt hại ban đầu do thiên tai ước tính khoảng 171 tỷ đồng.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất Trung ương tổ chức đoàn công tác tới địa phương để kiểm tra, khảo sát cụ thể bởi, "bao nhiêu năm nay ở miền Trung, đầu mùa khô lại có đợt mưa lớn như này". Ông đặt vấn đề, theo kinh nghiệm dân gian, khoảng 60 năm thì thiên tai lớn như này xuất hiện trở lại, "chúng ta cần nghiên cứu kỹ càng và có biện pháp ứng phó phù hợp".
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng cho rằng, đây là hiện tượng lạ. Mặc dù có những năm bão rất lớn, bà con vẫn vào neo đậu bình thường nhưng năm nay, gió mới cấp 7, cấp 8, nhưng có xoáy lốc, làm chìm nhiều tàu thuyền. Riêng Bình Định có 55 phương tiện đánh bắt thủy sản bị chìm. "Chúng tôi đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu hiện tượng thời tiết này để dự báo, khuyến cáo, hỗ trợ cho các địa phương cảnh báo cho người dân".
Các địa phương cho biết, đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân như tiêu úng cho lúa, trục vớt tàu thuyền…
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nghe Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài báo cáo tình hình thời tiết, biện pháp ứng phó - Ảnh VGP/Đức Tuân |
Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ông Trần Hồng Thái nhìn nhận, đây là đợt mưa dị thường, vượt kỷ lục trong nhiều năm (khi so sánh các đợt mưa trong tháng 3).
"Do dông lốc nên dòng chảy ngầm làm cho các lồng bè bị ảnh hưởng", ông Thái nêu rõ, Tổng cục sẽ tiến hành nghiên cứu thêm. "Tổng cục vừa thực hiện xong bản tin cảnh báo dông lốc, trong ngày hôm nay và ngày mai sẽ gửi các địa phương, yêu cầu các đài khí tượng thủy văn các tỉnh cập nhật vào bản tin dự báo thiên tai".
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, nêu rõ, "đây là đợt thiên tai bất thường, bởi đầu mùa khô nhưng có trận mưa lớn kỷ lục, nhưng không bất ngờ bởi chúng ta có dự báo, cảnh báo rất sớm".
Các địa phương đã phản ứng rất nhanh. Điều đáng tiếc nhất là vẫn xảy ra thiệt hại về người (2 người mất tích), vẫn do nguyên nhân là cho tôm hùm ăn, mặc dù đã được cảnh báo liên tục. Thứ trưởng nhấn mạnh, các địa phương phải cương quyết, khi gió đã dự báo lên cấp 8, dứt khoát không để người dân ở lại lồng bè.
Cho rằng đây cũng là đợt mưa vàng cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên khi bước vào mùa khô hạn, ông Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý, phải điều hành các hồ chứa linh hoạt, vừa bảo đảm an toàn, vừa bảo đảm tích nước cho mùa khô.
Về lâu dài, Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ đã xây dựng Chương trình tổng thể phòng chống thiên tai quốc gia, trong tháng 5/2022, sẽ trình Chính phủ. Trong đó sẽ có chương trình riêng cho khu vực miền Trung và Tây nguyên. Ngay chiều nay, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp sẽ cùng đoàn công tác vào Phú Yên, Bình Định, trong đó, sẽ xem xét giải quyết vấn đề hiện đại hóa lồng nuôi thủy sản và quy hoạch vùng nuôi.
Huy động toàn bộ lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, các ý kiến đều đánh giá diễn biến thời tiết rất bất thường. Mưa lớn trái mùa gây ra nhiều thiệt hại, ở diện rộng.
Tuy nhiên, sự chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo, các cơ quan Trung ương, các bộ, ngành rất kịp thời, không bị động. Ngay từ ngày 28/3, Thường trực Ban Chỉ đạo đã có văn bản giao nhiệm vụ, triển khai các giải pháp, gửi tới các địa phương. Các địa phương đã tích cực vào cuộc, tổ chức thực hiện, hỗ trợ người dân, hạn chế thiệt hại.
Lãnh đạo tỉnh Phú Yên phát biểu tại đầu cầu truyền hình trực tuyến - Ảnh VGP/Đức Tuân |
Về các giải pháp thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, "huy động toàn bộ lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất".
Khẩn trương tiêu nước, nước rút đến đâu thu hoạch lúa đến đấy. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân.
Ứng trực thường xuyên, bảo đảm vận hành an toàn, linh hoạt, hiệu quả các hồ đập. Đây là cơ hội tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sản xuất điện, nhưng Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh nguyên tắc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hồ đập.
Các địa phương không được chủ quan, bám sát các dự báo, chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo để triển khai tiếp các giải pháp.
Khẩn trương căn cứ vào tình hình thực tế, các quy định hiện hành để hỗ trợ kinh phí cho người dân khắc phục hậu quả thiên tai, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống. Tinh thần là làm kịp thời, chính xác, không để xảy ra tiêu cực, Phó Thủ tướng nêu rõ, "phải thật công tâm, khách quan".
Trước tình hình thời tiết bất thường này, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá tổng thể.
Phó Thủ tướng nhất trí thành lập các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo đến 2 tỉnh có thiệt hại lớn nhất để trực tiếp nắm tình hình, hỗ trợ các địa phương và đề xuất thêm các giải pháp.
Phó Thủ tướng chỉ đạo tổ chức thêm các chuyến bay đón người Việt Nam tại Ukraine về nước Tại Văn bản số 1529/VPCP-QHQT ngày 11/3/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức các chuyến bay đón người Việt Nam và thành viên gia đình từ Ukraine về nước do các doanh nghiệp tài trợ công khai, minh bạch, đúng quy định. |
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì họp Ban Chỉ đạo điều hành giá Ngày 25/2, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, nghe báo cáo về kết quả công tác điều hành giá 2 tháng, đánh giá những kết quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc, qua đó xác định các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong công tác điều hành giá 10 tháng còn lại của năm 2022. |