Đông trùng hạ thảo Việt Nam giá hơn 11.000 đồng/viên

2025-01-17 20:38:19

Bỏ ra 6 năm trời miệt mài nghiên cứu về đông trùng hạ thảo nguồn gen Cordyceps Sinensis, tiến sĩ khoa học Trương Bình Nguyên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (thuộc Trường ĐH Đà Lạt) cùng với các đồng nghiệp của mình đã sản xuất thành công loài đông trùng hạ thảo nguồn gen Cordyceps Sinensis.

Với thành công này, Việt Nam trở thành nước thứ 5 trên thế giới sản xuất thành công loại “tiên dược” này sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Cơ duyên từ loài nấm hình dạng…“ngồ ngộ”

Kể về cơ duyên đưa TS Trương Bình Nguyên đến với loài nấm đông trùng hạ thảo khá bất ngờ. Năm 2000, vốn đang công tác tại ĐH Đà Lạt, trong một lần đi thực nghiệm vào các khu rừng khu vực Tây Nguyên để nghiên cứu các loại nấm, thầy giáo trẻ Trương Bình Nguyên bất ngờ tìm thấy một cây nấm có “hình dạng ngồ ngộ” nên sưu tập mang về nghiên cứu.

“Lúc này tôi cũng chưa biết đây là một loại thuộc họ đông trùng hạ thảo. Tư liệu về loại nấm này ở Việt Nam cũng rất ít nên dù rất tò mò nhưng tôi cũng không nghiên cứu được gì thêm ngoài việc biết được tên khoa học của nó là Cordyceps militaris (dân gian gọi là nhộng trùng thảo)”, ông Nguyên kể.

Năm 2000, thầy giáo Trương Bình Nguyên được cử sang Đức du học trong thời gian 9 tháng. Lúc này, ông mới có dịp biết đến nhiều hơn về loài đông trùng hạ thảo bởi đây là loại dược liệu quý xuất phát từ khu vực phương Đông được ví như là “tiên dược” với giá trị… “trên trời”. Chẳng hạn, nếu tính sâm Cao Ly (nhân sâm Hàn Quốc hay nhân sâm Triều Tiên) được khai thác từ tự nhiên có giá khoảng 50 triệu đồng/kg; yến sào có giá khoảng 25 triệu đồng/kg thì đông trùng hạ thảo có giá từ 1 đến 1,5 tỷ đồng/kg.

“Sự tò mò với loài dược liệu này lại càng lớn, thời gian đó ở Đức cứ rảnh rỗi tôi lại tìm tòi những tư liệu, kiến thức về loài nấm này”, thầy Nguyên cho biết.

Năm 2001, sau chuyến du học tại Đức, thầy Bình Nguyên lại có dịp đến Nhật Bản - đất nước khá nổi tiếng với loài đông trùng hạ thảo - để học lên trình độ tiến sĩ. Tại Nhật Bản, ông càng có cơ hội tiếp xúc thực tế với loài nấm này để học hỏi kinh nghiệm. Cũng từ đất nước này, từ một người bạn, ông được tặng loài đông trùng hạ thảo nguồn gen Cordyceps Sinensis. Từ năm 2009, ông cùng đồng nghiệp của mình là TS Đinh Minh Hiệp và PGS-TS.Lê Huyền Ái Thuý cùng nghiên cứu và đến năm 2015, cả nhóm mới gặt hái được thành công và đưa Việt Nam trở thành nước thứ 5 trên thế giới sản xuất thành công loài đông trùng hạ thảo nguồn gen Cordyceps Sinensis.

“Thời gian nghiên cứu trong 6 năm là quãng thời gian cả nhóm khá vất vả cả về công sức lẫn tiền bạc, bởi loài đông trùng hạ thảo Cordyceps Sinensis rất khó nuôi trồng thành công, chưa kể dù đặt cơ sở nghiên cứu tại TP.Đà Lạt nhưng trong khu nuôi trồng cũng phải mở máy lạnh 24/24 giờ”, thầy Nguyên kể.

Ngày 30.7.2015, tại TP.HCM, một hội đồng khoa học gồm 7 thành viên là các GS- PGS, TS khoa học đầu ngành về nghiên cứu vi sinh vật, công nghệ sinh học như: GS-TS Nguyễn Minh Đức (khoa Dược - ĐH Y Dược TP.HCM); PGS-TS Phạm Thành Hổ (khoa Sinh học - ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM); PGS.TSKH Ngô Kế Sương (Chủ tịch Hội Sinh học TP.HCM)… do Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM thành lập, để đánh giá công trình “Nghiên cứu quy trình nuôi cấy sinh khối hệ sợi và khảo sát một số hoạt tính sinh học của các cao chiết từ sinh khối nấm đông trùng hạ thảo Cordyceps Sinensis”.

Sau buổi nghiệm thu, công trình này được đánh giá đạt 82,7 điểm (trong khi đó chỉ cần 50 điểm là đạt yêu cầu và khẳng định nghiên cứu thành công), đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận công trình khoa học.

“Đông trùng hạ thảo” giá hơn 11.000 đồng/viên

Ngay sau khi nghiên cứu thành công loài đông trùng hạ thảo Cordyceps Sinensis, nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Trương Bình Nguyên làm chủ nhiệm đã chuyển giao công nghệ cho Công ty cổ phần Nguyên Long (TP.Đà Lạt) sản xuất viên nén All&All với 100% là đông trùng hạ thảo Cordyceps Sinensis.

Theo ông Nguyên: “Sản phẩm đến nay người tiêu dùng sẽ chỉ có giá khoảng hơn 11.000 đồng/viên và người có thu nhập bình thường có thể sử dụng mà không phải mất số tiền khủng để mua phải sản phẩm giả hoặc là loài Cordyceps militaris (nhộng trùng thảo) có giá trị vitamin, dưỡng chất và khoáng vi lượng thấp hơn”.

Trong khi đó, đánh giá về các loại “đông trùng hạ thảo” tại Việt Nam thời gian qua, GS-TS Nguyễn Lân Dũng- Chủ tịch Hội Các ngành Sinh học Việt Nam nói: Thật tiếc khi có người đã gọi loài nấm nhộng trùng thảo Cordiceps militaris là đông trùng hạ thảo. Với loại này, chúng tôi bảo quản từ lâu chủng nấm này và cung cấp giống cho bất kỳ ai với giá chỉ khoảng... 5 USD. Nhộng trùng thảo cùng chi với đông trùng hạ thảo, nhưng khác loài và giá trị dược liệu thì hoàn toàn không thể so sánh được với đông trùng hạ thảo.

“Cũng có đơn vị mua nhộng trùng thảo khô ở Trung Quốc rồi nghiền thành bột và đóng viên để tiêu thụ ở Việt Nam với tên thương phẩm là đông trùng hạ thảo. Thực tế sản phẩm nhộng trùng thảo vì có giá rất rẻ nên ở Trung Quốc người ta không chế biến thành các viên thuốc mà chỉ mua cân về nấu ăn như... nấu canh. Còn đông trùng hạ thảo đích thực từ gen Cordyceps Sinensis thì rất đắt, mỗi 100 gr khoảng 200 - 250 con (sâu + nấm) giá khoảng 100 triệu đồng”, ông Lân cho biết.

Quốc Hải (Trang Trại Việt)

Nguồn bài viết : Palazzo Club

Top