Nhà báo có nghĩa vụ vạch trần và dập tắt các nguồn tin giả trên mạng xã hội

2025-01-17 20:39:35
ictnews Trong cuộc đua thông tin với mạng xã hội, báo chí không thể thắng về tốc độ, nhưng báo chí nắm nhiều lợi thế.  Báo chí có thể thắng mạng xã hội với nội dung chuẩn mực, chính xác, phản biện các thông tin sai trái trên mạng xã hội. Nhà báo có nghĩa vụ vạch trần và dập tắt các nguồn tin giả, bóp méo sự thật, tăng lượng thông tin “sạch” cho công chúng.

Ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Sáng 14/6/2019, Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Hà Nội đã phối hợp tổ chức hội thảo “Báo chí trong kỷ nguyên mạng xã hội: Đổi mới hoạt động và kinh doanh báo chí trước thách thức của truyền thông xã hội”. Hội thảo đã thảo luận về các chủ đề như chuyển dịch thị trường báo chí Việt Nam trong bối cảnh xã hội thông tin và vấn nạn tin giả; Tái tạo kênh phân phối – báo chí như một loại hàng hóa; cơ quan báo chí phải thay đổi để thích ứng với bối cảnh mới của kinh doanh báo chí và sức ép từ mạng xã hội.

Tại Hội thảo, một vấn đề được nhiều người quan tâm đó là báo chí chính thống phải ứng xử như thế nào trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội, cũng như thách thức của vấn nạn tin giả. Theo ông Lê Đức Sảo, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam: “Chưa  bao giờ báo chí chính thống lại đứng trước nhiều thách thức như hiện nay. Báo chí phải trăn trở làm thế nào để có những tác phẩm báo chí hay, đúng đắn, đúng định hướng của Đảng, Nhà nước, nhưng cũng phải hấp dẫn được độc giả. Sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông mạng xã hội đang tạo ra những thách thức rất lớn trong cuộc chạy đua thông tin với báo chí. Mạng xã hội đưa tin nhanh hơn, có tính lan tỏa mạnh mẽ tạo ra sức ép rất lớn cho báo chí trong việc đưa tin nhanh. Mạng xã hội đang trở thành kênh tiên phong trong việc đưa tin tức, tuy nhiên độc giả cũng đang phải đối mặt với vấn nạn tin giả trên mạng xã hội. Các đơn vị báo chí còn đứng trước thách thức phải hoạt động như một doanh nghiệp, tự chủ về tài chính, phải trăn trở với bài toán làm thế nào để có đủ kinh phí để chi trả cho việc duy trì tờ báo, vừa phải tạo ra những tác phẩm báo chí hay, hấp dẫn, nhanh, chính xác để thu hút độc giả.

Phó chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho hay, báo chí phát triển như thế nào trước thách thức của truyền thông mạng xã hội  là vấn đề nóng được dư luận quan tâm hàng đầu. Cách mạng 4.0 đang trực tiếp ảnh hưởng tới “môi trường sinh thái” của truyền thông đại chúng khiến cho “bữa tiệc” thông tin của công chúng thay đổi mạnh mẽ. Đặc biệt, báo chí đang phải đối mặt với sự tác động to lớn của truyền thông xã hội, đặt ra không ít thách thức cho nhà báo trước vấn nạn tin giả. Vậy báo chí phải làm thế nào để có thể giữ vững “trận địa thông tin”, vừa chiếm lĩnh ‘không gian ảo”, làm chủ trong môi trường truyền thông số luôn là bài toán cần lời giải.

Truyền thông xã hội đang làm thay đổi luật chơi, một khối lượng tin tức khổng lồ được chia sẻ hàng ngày trên mạng xã hội, kiểu “phi tin tức” đang được đăng tải trên mạng xã hội rất kịp thời. Loại tin tức này có lợi thế hơn báo chí truyền thống ở chỗ nó được đăng tải nhanh tức thời. Truyền thông xã hội có ưu thế là phát hiện ra thông tin rất nhanh, nhưng lại không có khả năng theo đuổi sự kiện đến cùng, nên khó có khả năng tạo ra những chùm tin bài vừa có sức nặng, vừa có giá trị cao.

Đặc biệt hơn nữa, vấn nạn tin giả trên mạng xã hội đang hoành hành khắp nơi, tác động rất lớn tới tâm lý của công chúng, khiến cơ quan báo chí lúng túng trong xử lý thông tin. Tin giả được ví như một bệnh dịch, và môi trường để chúng lan truyền nhanh hơn chính là trên mạng xã hội. Tin giả được núp dưới nhiều hình thức khác nhau, ví dụ như một dòng trạng thái bình luận về ô nhiễm môi trường ở một địa phương nhưng một bức hình đi kèm lại là hình ảnh từ bên kia địa cầu, hoặc với một sự kiện xảy ra từ lâu rồi. Hay một bức hình quan chức bị gán với một phát ngôn gây sốc. Nhiều tổ chức hay cá nhân còn gán nội dung gắn với hình ảnh giả mạo, cắt ghép clip với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Để tạo niềm tin cho công chúng, các đối tượng còn tạo dựng những tài khoản giả mạo các cơ quan, tổ chức như Ban Tuyên giáo Trung ương để đưa thông tin giả, làm người xem khó phân biệt đâu là thật đâu là giả.

Cũng theo Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, trước mắt cần phải quyết liệt ngăn chặn và xử lý các đối tượng tung tin giả, bởi vấn nạn này ngày càng phức tạp và nguy hiểm. Thực tế này vừa đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, vừa gắn với trách nhiệm của các cơ quan báo chí. Bởi vì chỉ một dòng status của nhà báo có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của các cá nhân hay tổ chức, từ đó những thông tin này được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.

Trong cuộc chạy đua thông tin với mạng xã hội, báo chí không thể thắng được về tốc độ, nhưng báo chí đang nắm được nhiều lợi thế, báo chí có thể thắng được bởi những nội dung chuẩn mực, chính xác, phản biện lại các thông tin sai trái trên mạng xã hội. Các nhà báo có nghĩa vụ vạch trần và dập tắt các nguồn tin giả, cũng như thông tin bị bóp méo sự thật, tăng thêm lượng thông tin “sạch” cho công chúng.

Nguồn bài viết : CHUYỆN BÓNG ĐÁ

Top